Vượt đại dịch Covid-19, xuất khẩu tôm dự báo tăng 3-4%
Vượt đại dịch Covid-19, xuất khẩu tôm dự báo tăng 3-4%
Chúc Ly
Thứ sáu, ngày 08/05/2020 13:58 PM (GMT+7)
Mặc dù xuất khẩu tôm bị chững lại trong quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dự báo những tháng tiếp theo sẽ hồi phục và tăng khoảng 3-4% so với năm 2019, đạt 3,45-3,5 tỷ USD.
Đó là thông tin được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 do Bộ NNPTNT tổ chức tại Sóc Trăng, ngày 8/5.
Hội nghị do ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo và doanh nghiệp nuôi tôm 8 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp nuôi tôm, điều kiện thời tiết các tháng đầu năm 2020 vùng ĐBSCL gặp nhiều bất lợi. Tình hình hạn, mặn khốc liệt; xuất hiện các cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả nuôi tôm.
Tuy nhiên, 100% các địa phương đã xây dựng lịch thời vụ thả tôm năm 2020, đánh giá cho thấy cơ bản phù hợp với tình hình thực tế đã được phổ biến đến người dân.
Số liệu thống kê cho thấy, diện tích tôm thả nuôi đạt khoảng 481.534ha (bằng gần 85% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt hơn 71% so với kế hoạch năm 2020). Sản lượng tôm nước lợ tính đến cuối 4/2020 đạt 168.600 tấn (bằng 94% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt gần 22% so với kế hoạch năm 2020).
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm 2020 đến nay, có gần 16.000ha tôm nuôi bị thiệt hại. Theo đó, thiệt hại do bệnh 900ha; do môi trường 469ha; chưa rõ nguyên nhân 14.490ha.
Diện tích thiệt hại so với đầu vụ tôm năm 2019 tăng gấp 3,3 lần, trong đó thiệt hại chưa rõ nguyên nhân tăng gấp 5,83 lần. Có đến 16 tỉnh thành xuất hiện tôm chết không rõ nguyên nhân, trong đó Cà Mau là tỉnh có nhiều diện tích tôm chết chưa rõ nguyên nhất nhất.
Hết quý I/2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng gần 4,3% về lượng và tăng 1,8% về giá trị đạt 7,05 nghìn tấn, trị giá 628,55 triệu USD.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành hàng tôm là một trong những ngành hàng đóng góp lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2020 chúng ta đối mặt với nhiều thách thức, đại dịch Covid-19 xảy ra cùng lúc với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, gây nhiều khó khăn cho ngành thủy sản, trong đó có ngành tôm. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, EU… khả năng mở cửa lại các nhà hàng, nhu cầu sẽ dần phục hồi; thói quen tiêu dùng thay đổi cũng là lợi thế đối với các sản phẩm tôm chế biến, ăn liền, tiện dụng của Việt Nam sẽ tăng lên.
Để ngành tôm phát triển bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cần kịp thời đưa ra các bản tin cảnh báo và khuyến cáo tới địa phương, cơ sở nuôi để phục vụ sản xuất; thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động của ngành thủy sản, đặc biệt triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống, tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành….
Phía doanh nghiệp và người nuôi tôm cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC…để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.