Vượt Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
Vượt Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
PV Đông Bắc
Thứ sáu, ngày 27/10/2023 14:04 PM (GMT+7)
Quảng Ninh đã vượt Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM... để dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào Quảng Ninh đạt gần 3,09 tỷ USD sau 10 tháng, chiếm gần 12% cả nước, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
Theo báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư, đến ngày 20/10. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Số dự án đầu tư mới cũng tăng 66,1% so với cùng kỳ. Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, tăng nhẹ 0,2% so với 9 tháng đầu năm.
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng chú ý, Quảng Ninh đã vượt Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM... để dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào Quảng Ninh đạt gần 3,09 tỷ USD, chiếm gần 12% cả nước, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Hải Phòng đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang,…
Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38%), số lượt dự án điều chỉnh (25,3%) và góp vốn mua cổ phần (66,6%).
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương, …
Tính lũy kế đến ngày 20/10, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc). Riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 81,7% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng.
Triển vọng thu hút dòng vốn FDI
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, cải cách TTHC, xúc tiến, hỗ trợ đầu tư đối với các đối tác tiềm năng...
Theo đó, Quảng Ninh đã chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn; thực hiện tốt cơ chế "một cửa" trong cấp giấy chứng nhận đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư một cách hiệu quả trong việc cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư...
Tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như ưu tiên đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh về kinh phí GPMB, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT; hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng…
Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp và thông qua các cơ quan chức năng của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế cũng được chú trọng thực hiện. Tính riêng 9 tháng năm 2023, tỉnh đã tiếp và làm việc với trên 110 lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và mở rộng quy mô. Trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiêu biểu như: BP (Anh), JTA (Quatar), Jinko Solar, TCL (Hồng Kông), Lite-On Technology, Tera, Neotek (Đài Loan), Mitsubishi, Yaskawa Electric, Tamagawa Seiki, Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương Trung Quốc, Công ty TNHH Kỹ thuật Đường cao tốc số 1 Trung Quốc (CFHEC)…
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA) cũng thực hiện tổ chức nhiều chương trình đi xúc tiến đầu tư chủ động đối với một số nhà đầu tư FDI lớn như: Samsung Electronics Việt Nam, VSIP, Unilever Việt Nam, Công ty TNHH GreatStar Industrial Việt Nam, Công ty TNHH Deli Việt Nam. Điển hình như, cuối tháng 8/2023, IPA đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư chủ động tại một số nhà đầu tư FDI lớn đến từ các thị trường tiêu biểu, như: Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), VSIP (Singapore), Unilever Việt Nam (Anh Quốc), Công ty TNHH GreatStar Industrial Việt Nam, Công ty TNHH Deli Việt Nam (Trung Quốc).
Qua chương trình xúc tiến, các nhà đầu tư FDI đều quan tâm đến công tác đảm bảo các hạ tầng thiết yếu như điện, nước, viễn thông, nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt quan tâm đến các thủ tục cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, GPMB, thủ tục Visa, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, việc chính quyền hỗ trợ, thúc đẩy các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội với cộng đồng (CSR). Các nhà đầu tư FDI lớn cũng rất ấn tượng về những chuyển động tích cực của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI...
Đặc biệt, Quảng Ninh cũng luôn chú trọng đến việc phát triển, phát huy những lợi thế sẵn có trong thu hút đầu tư FDI tại các KCN, KKT thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực.
Như vậy, với loạt giải pháp được đưa ra, Quảng Ninh đã chính thức vượt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI chỉ sau 10 tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.