Vượt hàng nghìn km, đội giá lạnh mang theo đào, quất tạ mộ mời tổ tiên về đón Tết
Vượt hàng nghìn km, đội giá lạnh mang theo đào, quất tạ mộ mời tổ tiên về đón Tết
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 28/01/2024 16:44 PM (GMT+7)
Thời tiết miền Bắc những ngày này trời giá lạnh nhưng nhiều người đã đội rét, vượt quãng đường xa lên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, TP Hoà Bình tạ mộ mời tổ tiên về đón Tết.
Sáng ngày cuối tuần, cũng sắp sửa cận Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Viết Nguyên (86 tuổi, ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cùng con cháu vượt quãng đường gần 100km lên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, TP Hoà Bình mời người vợ đã khuất cùng tổ tiên về đón Tết.
Ngay từ rất sớm, ông Nguyên đã dặn dò con cháu chuẩn bị đầy đủ từ cành đào, cây quất, đồ lễ gồm bánh chưng, hoa quả, vàng hương để đặt trước phần mộ làm lễ. Ông cẩn thận lau dọn phần mộ của vợ, các con cháu mỗi người một tay chuẩn bị mọi thứ. Thời tiết tại Hoà Bình những ngày này giá lạnh, nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C khiến ai nấy cảm nhận rõ cái lạnh buốt.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyên kể, vợ mất cách đây gần 6 năm. Bất kể ngày lễ, Tết hay dịp cuối tuần nào ông lại cùng con cháu lên đây thắp hương, tưởng nhớ người vợ đã khuất.
"Mỗi lần Tết đến xuân về, tôi đều lên đây thắp hương tưởng nhớ bậc bề trên, vợ mình. Tôi muốn giáo dục con cháu luôn luôn kính yêu ông bà cha mẹ và anh em trong gia đình. Qua đó, để con cháu kết nối tinh thần các thế hệ, đó là truyền thống của gia đình, hồn cốt dân tộc để các con cháu biết tưởng nhớ ông bà, tổ tiên mình", ông Nguyên chia sẻ.
Trong năm mới cận kề, ông Nguyên mong muốn các thành viên trong gia đình luôn luôn khoẻ mạnh, bình an, con cháu học tập, công tác tốt, luôn nhớ người đã quá cố nuôi dưỡng mình trưởng thành.
Năm nào cận Tết cũng vậy, anh Đỗ Đức Duy (48 tuổi, ở quận 2, TP.HCM) lại vượt quãng đường hàng nghìn km ra để lên tận mộ dâng hương tưởng nhớ cha mình. Anh Duy cho biết, dịp này lên cũng là thời điểm vừa giỗ cha mình và cũng là ngày gia đình lên tạ mộ cuối năm, mời cha cùng ông bà tổ tiên về đón Tết cùng con cháu.
"Năm nào gia đình tôi cũng về quê 2,3 lần và lần nào tôi cũng lên mộ bố tôi để dâng hương, tưởng nhớ. Ông đã mất cách đây 7 năm. Thời tiết lần này lạnh giá nên gia đình cũng toàn người lớn đi. Tôi chỉ mong gia đình thật nhiều sức khoẻ trong năm mới, mọi việc như ý", anh Duy bày tỏ.
Người phụ nữ "hóa" nhật ký thay vàng mã cho chồng ngày tảo mộ cuối năm
Ngồi lật dở những trang nhật ký bên ngôi mộ của chồng mình, nước mắt bà Nguyễn Thị Hồng Mai (66 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại rưng rưng. Người chồng đã mất được 1 năm 8 tháng nhưng đó là nỗi đau, cú sốc tinh thần quá lớn khiến bà Mai chưa thể nguôi ngoai vì những gì cả hai dành cho nhau còn hơn cả một cuộc tình.
"Hai vợ chồng tôi là bạn từ thời phổ thông, chúng tôi đã gắn bó với nhau hơn 40 năm. Khi anh ấy ra đi, tôi như mất một nửa cuộc đời. Tôi nghĩ, tôi sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm mà chúng tôi dành cho nhau", bà Mai xúc động.
Bà Mai cho biết, hai vợ chồng là tri kỷ, mọi chuyện buồn, vui đều tâm sự cho nhau biết. Dù khoảng cách từ nhà đến mộ chồng cách xa gần 100km nhưng cuối tuần nào bà cũng lên đây để "tâm sự" với chồng.
"Tôi không hóa vàng trên phần mộ của chồng mình, thay vào đó tôi hóa nhật ký mà tôi viết cho chồng mỗi ngày. Đó là những lời tâm sự của tôi kể từ suốt thời điểm anh ấy bị ung thư tuỵ, hôn mê. Thời điểm đó tôi viết chỉ với hy vọng như một phép màu để ngày nào chồng tỉnh lại đọc cho anh nghe.
Thế nhưng, anh hôn mê một tháng thì mất. Mất đi tình yêu lớn, từ đó đến giờ ngày nào nhớ anh tôi cũng viết lên những trang nhật ký. Sau một tuần tôi lại in ra để lên phần mộ đọc cho anh và lần nào tôi cũng khóc. Dịp cuối năm nay cũng vậy, thay vì đốt vàng mã, tôi sẽ đốt những trang nhật ký, hy vọng anh sẽ nhận được được những tình yêu, nỗi nhớ thương của tôi chất chứa qua từng dòng chữ", bà Mai xúc động.
Đến hiện tại, bà Mai đã viết được 5 cuốn nhật ký gửi cho chồng. Nội dung đều là những câu chuyện hàng ngày, bà viết ra để kể cho chồng. Hiện tại, 5 cuốn nhật ký của tôi có khoảng 500 trang. Mỗi lần có chuyện buồn, bà Mai đều viết vào nhật ký. Vì mỗi khi viết xong, bà cảm thấy nguôi ngoai để bước tiếp.
"Chồng tôi là một người sống rất tinh tế và tình cảm. Chính vì thế, có chuyện vui, buồn cả hai đều chia sẻ cho nhau. Mỗi lần viết vào nhật ký, tôi như được trò chuyện với chồng, lúc đó tôi lại vơi đi nỗi nhớ", bà Mai chia sẻ.
Bà Mai nhớ lại thời cả 2 đi du học ở nước ngoài. Những năm tháng đó, công nghệ chưa phát triển, không thể gọi điện cho nhau thường xuyên, mà chủ yếu viết thư tay. "Tôi và anh ấy thường nói, chuyện tình của chúng tôi là qua những bức thư. Lúc đó, chúng tôi viết cho nhau hơn 100 bức, đến giờ tôi vẫn giữ làm kỷ niệm", bà Mai nói thêm.
Những ngày cuối năm, nơi nơi đều là không khí sum họp, tất bật của những ngày giáp Tết. Nhưng đối với bà Mai hay nhiều gia đình khác, đây còn là dịp để họ tỏ lòng thương nhớ, hiếu kính đối với những người đã về thế giới bên kia. Có những nỗi đau đã nguôi, có những nỗi nhớ như chỉ mới ngày hôm qua. Nhưng hơn hết, phong tục này như một lời nhắc nhở về sự trân quý cuộc sống và thời gian gắn bó giữa những người thân, thành viên trong gia đình là hữu hạn.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tục tạ mộ đối với người Việt đã có từ rất lâu. Hàng năm khi Tết đến xuân về các gia đình về nơi mộ phần dòng tộc của mình ở quê hoặc ở nơi nào đó có người thân đã được an táng để thực hiện việc này.
"Tại đây con cháu sẽ dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần, quét dọn, phát cỏ cây, sơn sửa lại sau thời gian dài không lên thăm. Tục tạ mộ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương hay các nơi an táng sau thời gian dài đi làm ăn hoặc không về được.
Nhân dịp đó mọi người quây quần, sum họp để thực hiện nghi thức, nghi lễ tạ mộ. Nghi thức đó để mời tổ tiên ông bà, những người đã khuất về với con cháu vui xuân đón Tết, đó là ý nghĩa của ngày đi tạ mộ mà người dân Việt đã có phong tục này rất lâu", đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.