Ngày 14/11 vừa qua, thông qua chợ phiên trên địa bàn, BHXH huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã tổ chức buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tri Phú.
Bà con ở nhiều vùng lân cận xuống chợ đều được các cán bộ BHXH tiếp cận để tuyên truyền. Các cán bộ BHXH huyện đã liên tục giải đáp nhiều câu hỏi của bà con về các nội dung liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH tự nguyện, nhất là về thời gian tham gia, mức tiền tham gia và quyền lợi được hưởng sau khi hết tuổi lao động.
Bà Nguyễn Thị Hiền- Giám đốc BHXH huyện Chiêm Hóa cho biết, Chiêm Hóa là huyện miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức của bà con dân tộc cũng hạn chế. Do đó, việc vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không dễ dàng.
Vì thế, ngay sau khi được BHXH tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể, BHXH huyện Chiêm Hóa đã lập tức bắt tay triển khai đồng bộ các giải pháp, bám làng, bám bản để tuyên truyền, vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH huyện cũng "nhắm" tới các phiên chợ phiên, nơi tập trung đông bà con để tiết kiệm được việc di chuyển. Bà con thấy đông người nghe tuyên truyền, thấy có người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại phiên chợ cũng sẽ thấy thuyết phục, "ưng cái bụng" hơn.
Ngay tại buổi tuyên truyền đã có 27 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Với những người chưa tham gia, BHXH huyện Chiêm Hóa đã chủ động xin thông tin địa chỉ, số điện thoại, để sau đó sẽ phân công cán bộ tiếp tục xuống tuyên truyền, vận động.
Xuống chợ lại được nghe những thông tin bổ ích, bà Nông Thị Mẩy (người dân xã Tri Phú) cho biết: “Trước đây tôi cứ nghĩ nông dân như mình, tay làm hàm nhai, làm gì có cơ hội có lương hưu lúc tuổi già. Nhờ buổi tuyên truyền này mà tôi đã hiểu về quyền lợi của mình. Tôi cũng không lo lắng số tiền mình "bỏ lợn" khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ bị mất giá. Vì các cán bộ hói sau 20 đóng, lương hưu sẽ được tính cả phần trượt giá nữa. Còn nếu tôi mất sớm thì cũng có chế độ tử tuất. Lại còn được phát thẻ BHYT miễn phí. Số tiền đó không hề nhỏ. Tôi sẽ tham gia BHXH tự nguyện".
Trước đó, BHXH huyện Chiêm Hóa cũng đã tổ chức tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tại Hội chợ quê xã Kim Bình. Ngay tại Hội chợ, 12 người dân đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều người khác chia sẻ, họ sẽ cân nhắc thu chi trong gia đình để sớm tham gia BHXH tự nguyện.
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ngay tại chợ, nơi tập trung đông người, đa dạng các đối tượng là một trong những hoạt động nhằm phát triển đối tượng hiệu quả của huyện miền núi Chiêm Hóa.
Đây cũng là một trong những "kịch bản" mà BHXH tỉnh đã yêu cầu các đơn vị xây dựng, áp dụng các hình thức tuyên truyền, tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nhờ đó, việc tuyên truyền, vận động có hiệu quả hơn.
Dựa vào trưởng bản, già làng
Cũng năm ở địa bàn núi non hiểm trở, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) có dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán trên các quả đồi, ngọn núi, giao thông đi lại khó khăn. Đời sống và trình độ dân trí của bà con còn thấp. Hơn nữa, sự đa dạng, khác biệt về ngôn ngữ cũng là rào cản không nhỏ đối với cán bộ BHXH đi tuyên truyền về chính sách, vận động bà con tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, không vì thấy nhiều cái khó mà chùn bước. BHXH huyện Si Ma Cai đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với đặc thù của huyện vùng cao, trong khi triển khai luôn chú trọng công tác tham mưu, tranh thủ sự chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt là cấp xã, thôn, bản.
Lãnh đạo BHXH huyện chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền xã để tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, nhân dân của xã và đề nghị cán bộ cấp xã đặc biệt là đội ngũ Trưởng thôn, bản, Bí thư chi bộ thôn, bản vừa là đội ngũ hỗ trợ trực tiếp trong quá trình tiếp xúc, tuyên truyền, vận động nhân dân, trao đổi, giải thích cho người dân khi có những bất đồng ngôn ngữ giữa cán bộ BHXH với bà con nhân dân đồng thời những đối tượng tiềm năng trong vận động tham gia BHXH tự nguyện.
Qua sự hỗ trợ của Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn, cán bộ BHXH có cơ hội tiếp cận, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong từng thôn thông qua buổi họp thôn do Trưởng thôn triệu tập, đến từng nhà người dân để tuyên truyền, tư vấn, giải đáp những thông tin của bà con nhân dân để hiểu và tin tưởng khi tham gia BHXH tự nguyện.
Một trong những tấm gương về việc vận động bà con tham gia BHXH tự nguyện là trưởng thôn Lèng Văn Rào (xã Nàn Xán). Ông đã rất nhiệt tình hỗ trợ công tác tuyên truyền và tiếp xúc từng hộ gia đình, hỗ trợ cán bộ BHXH giải thích chính sách bằng tiếng Nùng để bà con hiểu. Chính ông Rào cũng đã tham gia BHXH tự nguyện cho mình và vận động vợ chồng 2 người anh cùng tham gia BHXH tự nguyện.
Để có thêm 1 người dân tham gia BHXH tự nguyện, cán bộ BHXH đã phải trèo đèo, lội suối, vượt qua nhiều con đường đất gập ghềnh để đến với các thôn, bản. Đền đáp lại là những nụ cười thỏa mãn của bà con khi khoe: “Sau này mình sẽ có lương hưu, giống như cán bộ nhà nước…”.
Đến nay, Si Ma Cai đã có 231 người tham gia BHXH tự nguyện. Để có được kết quả này, cán bộ BHXH đã phải vượt hàng trăm quả đồi, đi hàng trăm km đường núi khó khăn....
Vui lòng nhập nội dung bình luận.