Vượt tuyến vào Nam 1965

Monika Warnenska (Ba Lan) Thứ ba, ngày 23/02/2021 05:22 AM (GMT+7)
Mọi thứ tựa hồ một giấc mơ. Một giấc mơ tôi chờ đợi mãi mới thành hiện thực.
Bình luận 0

Đêm nhiệt đới đên ngòm, sâu thẳm. Mùi lá héo bốc lên từ mặt đất và các bụi cây. Vùng này hình như hoang vắng, không dân cư. Thình lình có tiếng hú nhỏ phát ra làm hiệu. Tôi chẳng còn một mình nữa. Từ trong bóng đêm xuất hiện mấy người vận y phục như tôi từng nhìn thấy trong phim tài liệu và trên các tấm ảnh chụp.

Một người nắm lấy tay tôi. Chúng tôi xuyên màn đêm đi xuống phía lòng sông. Nhanh lên! Nhanh lên! Nước kêu lóc bóc dưới chân và ngập cao dần. Chẳng sao đâu. Tôi hiểu, chúng tôi đang vượt sông. Họ và tôi.

Cây cối rậm um tùm. Những lùm cây sừng sững. Rừng dang tay che chở những con người đang co cẳng chạy. Đi trong rừng trời lại càng tối hơn. Chúng tôi lần theo đường mòn. Cành cây đan vào nhau, thấp tè. Tôi luồn phía dưới. Cỏ sắc, nhọn, um tùm, quào vào tay chân. Một con đom đóm nom y như một giọt nước xanh lè lướt qua. Nó đảo qua đảo lại trong không trung, vạch ra hình chữ chi màu xanh…

Tatnien/ Vượt tuyến vào Nam 1965 - Ảnh 1.

Đài Phát thanh Giải phóng thời kỳ đầu. Ảnh: VOV

img

Nữ nhà văn nhà báo Monika Warnenska

Có một người phụ nữ Ba Lan từng tuyên bố "Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi". Người phụ nữ đó chính là nhà văn, nhà báo Monika Warnenska. Mùa xuân năm 1962 bà sang Việt Nam lần đầu tiên, khi Việt Nam đang bị chia cắt làm hai miền Nam Bắc và kết quả của chuyến đi này là tác phẩm Cầu trên sông Bến Hải. Sau chuyến đi năm đó bà có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, qua lại Việt Nam rất nhiều lần, thời chiến cũng như thời bình. Bà đã từng ngồi trong địa đạo Vĩnh Linh viết bài dưới làn pháo địch, đi khắp vùng khu 4 ngổn ngang đổ nát do bom đạn gây nên. Năm 1965 bà vượt tuyến (sông Bến Hải) vào Nam, bà đi xuyên rừng, bất chấp bom rải thảm của pháo đài bay B52, coi khinh muỗi vắt và gai nhọn của cây rừng, thăm vùng giải phóng... Không kể một số lượng lớn các bài báo, tin tức cặp nhật tình hình Việt Nam mà bà đã gửi về nước cho báo chí Ba Lan và cả châu Âu, bà Monika Warnenska đã viết hàng chục cuốn sách về Việt Nam, như: Cầu trên sông Bến Hải (1962), Việt Nam trong trái tim tôi, Mặt trận trong rừng (1965), Khu Bốn (1967), Cuộc hành quân Phục sinh (1968), Ánh hồng trước bình minh (1972 - 1973), Con gái nhà quan (1975), Không có hòa bình cho đồng quê (1987), Mắt hổ (1988)...

Còn phải chạy một hồi lâu nữa mới được chuyển sang đi thường. Tiếng thở hổn hển đều dần. Nghe thấy có tiếng người nói nhỏ nhẹ, ngắt quãng. Ánh đèn pin lóe lên rồi vụt tắt. Giữa bóng đêm, một tiếng cười ấm áp, mừng vui, bật ra từ người đi bên tôi. Tôi chưa biết tên anh là gì. Tuy vậy tôi nghe thấy tiếng anh nói khẽ, kèm theo ám hiệu bằng tay vẽ một cái vòng tròn lớn - ám hiệu nhận ra được trong bóng đêm.

Miền Nam!

Như vậy là, rốt cuộc tôi đã tới được miền Nam Việt Nam. Tới miền đất chiến đấu, miền đất kiên cường và tôi đang ở bên những con người của vùng đất này rồi.

Giây phút có một không hai, giây phút không bao giờ quên. Chỉ tiếc là giây phút này quá ngắn ngủi, vội trôi qua.

Bầu trời mỗi lúc càng thêm sáng tỏ. Mặt trăng nhô ra từ một áng mây hung đỏ, mịn màng. Bùn trơn lép nhép dưới chân. Cành cây quất vào mặt. Có tiếng cú mèo kêu gần đâu đây, ếch nhái trong bụi rậm ẩm ướt kêu ộp oạp. Tiếng dế mèn, tiếng ve sầu kêu inh tai.

- Có mệt không? Fatiquée? – một câu hỏi nhỏ dần thốt ra.

- Tôi có mệt không ấy à? – Không mệt đâu! – tôi vội vàng phủ nhận. Các đồng chí ơi, bây giờ tôi phải giải thích thế nào đây để các đồng chí hiểu, thực ra tôi đã đi để đến với các đồng chí từ lâu cơ. Rằng suốt ba năm trời tôi đã phải tất tưởi ngược xuôi để có được chuyến đi này. Tôi phải nói thế nào đây để các đồng chí biết là, đêm nay đối với tôi là một đêm đầy ấn tượng và thực khó mà tin, cuộc hành trình này đang có thực…

Bây giờ cần cho bớt một phần quân trang của tôi từ ba lô vào chiếc túi dự phòng còn để không. Mấy bàn tay chìa ra che ánh đèn pin đang chiếu sáng. Ngoài đèn pin còn có một đèn chai. Cái chao đèn bằng sắt tây che ngọn đèn dầu. Khi ánh sáng đèn đã được che kín, tôi quỳ gối xuống nền đá. Tôi lôi một số thứ từ ba lô cho vào chiếc túi đã mở sẵn.

Ánh đèn trong đêm làm rõ các khuôn mặt của mấy chiến sĩ trong tốp du kích đi theo dẫn đường và bảo vệ tôi. Tôi lôi từ ba lô ra gói thuốc lá Wawele, thuốc lá Ba Lan và gói thuốc Điện Biên. Một chiến sĩ hỏi nhỏ bằng thứ tiếng Pháp phát âm bập bẹ:

- Đây có phải là thuốc lá từ Hà Nội hay không?

Tôi, có phần hơi ngạc nhiên, bảo "đúng".

- Chị ấy mang thuốc lá từ Hà Nội vào - anh chiến sĩ vừa hỏi nói lại cho các chiến hữu của mình. - Từ miền Bắc! Họ chia nhau, mỗi người một điếu. Tuy vậy họ không châm lửa hút ngay. Thuốc Wawele hút sau. Còn thuốc Điện Biên họ cẩn thận cất vào túi ngực, như một món quà, một kỷ vật. Và lại chính anh bạn vừa mới hỏi tôi ban nãy cất lời:

- Chị đã được gặp Bác Hồ, vị Chủ tịch nước của chúng tôi chưa? Người có vui không? Người có khỏe không?

Giờ đây tôi không phải chỉ là phái viên của bạn đọc Ba Lan. Mà tôi còn là người đã đi từ miền Bắc ruột thịt của họ vào đây, từ trái tim Tổ quốc của họ, để vào mặt trận trong rừng.

Cuộc "Vượt tuyến vào Nam" của tôi là như vậy đó. Tiếp đó tôi bước vào cuộc hành quân. Một cuộc hành quân xuyên rừng dài ngày.

Thăm Đài phát thanh Giải phóng

- Xem này, chị Ba (1)

- Tiphoon (2) tóm chặt con bọ cạp co rúm trên mấy ngón tay, làm điệu bộ giải thích cho tôi là anh bắt được bên dưới những chiếc võng các chiến sĩ tổ cảnh vệ ngủ. Tôi cởi dép toan đập chết cái của kinh người này. Nhưng Tiphoon không cho làm vậy, anh ta đem thứ "chiến công" này của mình vào bếp.

- Anh ta định làm gì với cái của nợ này vậy? – tôi hỏi anh Ba Thu, xuất hiện đúng lúc này.

- Cho vào nồi cháo chứ còn gì.

- Sao? Bọ cạp là loài độc cơ mà!

- Hết độc rồi, đã rút nọc độc của nó rồi.

- Có nọc hay không có nọc đều kinh sợ cả.

Ở châu Âu người ta vẫn ăn tôm vỏ cứng thì sao? Người ta vẫn ăn các loại tôm he, tôm hùm thì sao? Bề ngoài của chúng cũng gây cảm giác kinh sợ có khác gì bọ cạp đâu.

Tiphoon quay đi, vung cao con vật chiến lợi phẩm ở đàng xa, đoạn nói to:

- Tốt lắm! Kharasô!

- Anh Thu, anh biết đó, tôi vốn không bao giờ câu nệ, cho gì tôi ăn nấy.

- Trừ thịt bọ cạp chứ gì?

- Đúng thế! Xin các anh đừng cho tôi ăn cái món cháo bọ cạp này…

Tatnien/ Vượt tuyến vào Nam 1965 - Ảnh 4.

Bộ đội Sư đoàn 3 – Sao Vàng hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ảnh: T.L

Hình như món bọ cạp ninh dừ ngon lắm, kharasô. Tuy nhiên tôi thấy nhẹ cả người khi các anh ấy mang bánh sắn cho tôi ăn bữa sáng. Bữa trưa chúng tôi ăn trên đường đi. Lúc nghỉ chân dọc đường mấy chàng trai trong tổ hộ vệ chặt, mang về một đống cành lá. Thủ trưởng Hoàng ra lệnh ngụy trang xe đạp và cài lá ngụy trang lên lưng. Bởi trên bầu trời trong xanh hôm nay tiếng máy bay gầm rú liên hồi.

Chúng tôi lại chui vào rừng. Rễ cây nhằng nhịt tựa hồ những mạch máu khổng lồ nằm ngổn ngang trên đường rừng. Những cây đại thụ thân to kềnh tạo nên những hõm rộng dưới gốc nom tựa hõm tường nhà. Giọt nắng lung linh trên những thân cây, trên nền đá. Cỏ mọc um tùm, trùm kín những thân cây đổ. Ở những chỗ rừng thưa cỏ lau mọc lô nhô, khô khốc, dẫu đang mùa mưa, chúng dật dờ, nom y như những cây chổi phất trần. Dây leo chằng chịt thân cây rừng. Lúc lúc gai nhọn lại đâm váo quần áo, chân tay. Gai to, nhọn, quào cấu làm chảy máu. Gai nhỏ cắm sâu vào da, tê buốt.

Đất rung chuyển. Máy bay đang thả bom gần nơi đây. Không thấy một dấu vết nào chứng tỏ có sự hiện diện của con người. Ấy vậy mà, thình lình, giữa rừng sâu, tôi nghe thấy có tiếng hô lập đi lập lại: "Yankee, go home!" Đương nhiên tôi hoàn toàn tán đồng yêu sách này. Nhưng ai vừa nói vậy?

Chúng tôi lần theo các bậc thang chui xuống hầm ngầm, nơi ngột ngạt như trong nhà tắm hơi. Ánh đèn le lói. Hai người trẻ tuổi đang cúi gằm xuống máy chữ. Băng trên máy ghi âm quay tròn. Chúng tôi đang có mặt tại phòng bá âm Đài "Giải phóng".

Tiếng hô "Yankee, go home!" phát ra trong lúc đang ghi âm tiết mục của chương trình phát thanh. Đó là câu chuyện về những người lính Sài Gòn chạy sang phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Có mấy người đang làm việc trong một căn hầm kín bưng, mờ ảo, trong điều kiện giống như hoạt động của đài phát thanh bí mật ở Ba Lan những năm bị chiếm đóng.

- Họ là các phát thanh viên. Hai người, cô gái mặc áo trắng và chàng trai nom lớn tuổi hơn chút xíu, trước đây họ từng là sinh viên Sài Gòn. Chàng trai là con của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Hầm nọ tiếp hầm kia. Cửa hầm được ngụy trang và che đậy rất cẩn thận. Mác dán trên các máy móc, thiết bị phát thanh, máy nổ, chứng tỏ chúng được sản xuất tại Mỹ, Pháp hoặc Tây Đức. Những máy móc được đưa vào rừng này vốn là chiến lợi phẩm, hoặc quà tặng, hay là hàng mua. Các bộ phận nặng nề của máy móc và thiết bị phát thanh phải khênh, vác trên vai hoặc chở trên xe đạp để đưa vào rừng. Xin lấy một trong vô vàn thí dụ: Một tiểu đội mười hai người đã đảm nhiệm việc vận chuyển một số cỗ máy với tổng trọng lượng là hai tấn vào tận rừng sâu. Khi vận chuyển những máy móc đó, họ phải đi qua ngay trước mũi kẻ thù.

Đài phát thanh "Giải phóng" bắt đầu hoạt động từ ngày 1/2/1962. Đó là một sự kiện trọng đại trong lịch sử phong trào kháng chiến ở miền Nam Việt Nam. Hóa ra hồi đó anh Ba Thu - người cán bộ phiên dịch thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp của tôi là phát thanh viên… Anh Ba Thu này! Sao kỳ vậy! Thế mà lâu nay anh chẳng nói cho tôi hay điều này!

- Hồi đó điều kiện làm việc cũng na ná như hiện nay, nhưng vất vả hơn nhiều.Rừng, hầm ngầm, biên tập trong lều, cán bộ ít ỏi, chỉ độ mươi người. Hầu như chẳng ai được đào tạo chuyên môn, thiếu kinh nghiệm. Tuy vậy, từ năm 1961 chúng tôi đã chuẩn bị phát sóng. Bà con Việt kiều yêu nước sinh sống ở hải ngoại đã giúp đỡ chúng tôi trong việc xây dựng cơ sở kỹ thuật nhỏ bé đầu tiên.

- Lúc đầu cái gì cũng làm thử - Bảy Kính, một cán bộ lãnh đạo của Đài cười, nói: - Nhiều kiến thức cơ bản chúng tôi có nắm được đâu!

- Đúng thế đó - Ba Thu khẳng định - Tôi đã rất lo khi sử dụng chiếc máy ghi âm đầu tiên mà tôi được giao. Chẳng có bản hướng dẫn sử dụng nào cả, chỉ sợ làm hỏng cả một đống của. Chương trình thứ nhất của chúng tôi bắt đầu lúc 18 giờ 30. Mở đầu là lời hiệu triệu của Mặt trận tới thính giả, sau đó là bình luận tình hình thời sự. Hiện nay mỗi ngày chúng tôi phát sóng 7 tiếng. Thoạt tiên chúng tôi chỉ giới hạn trong việc phát các bản tin thời sự, các bài bình luận, ca nhạc và phóng sự. Còn hiện nay chúng tôi phát sóng các tiết mục văn nghệ của Đoàn văn công Đài chúng tôi.

Tiếng nói "Đây là đài phát thanh Giải phóng" và nhạc hiệu là tiếng kèn xung trận, kỷ niệm từ thời chiến tranh chống Pháp – mở đầu mỗi chương trình, tỏa đi mọi hướng. Tiếng nói đó lan tỏa về các vùng giải phóng đang ngày càng được mở rộng, tới các thành thị và các vùng địch còn tạm chiếm. Ban lãnh đạo của Đài thường xuyên nhận được nhiều thư góp ý và yêu cầu của thính giả.

- Chúng tôi cố gắng đáp ứng các yêu cầu đó - Bảy Kính nói - Chúng tôi còn phát chương trình dành cho sĩ quan và binh lính Sài Gòn và các chương trình đặc biệt dành cho dân thành thị, cho phụ nữ và thiếu nhi. Nhờ có máy thu thanh bán dẫn mà các tin tức do đài phát đi đến được với thính giả khắp miền đất nước nhanh hơn và chuẩn hơn nhiều so với hồi kháng chiến lần trước.

- Địch đã phản ứng như thế nào khi Đài Giải phóng bắt đầu hoạt động?

- Lúc đầu chúng bị bất ngờ và chúng im lặng một thời gian khá lâu. Sau đó chúng bắt đầu phá chúng tôi. Chúng công kích chúng tôi trong các chương trình phát thanh đặc biệt. Chúng giả mạo làm đài phát thanh của chúng tôi, thậm chí chúng bắt chước cả giọng phát thanh viên của chúng tôi. Thế nhưng các thính giả theo dõi cuộc chiến trên làn sóng nhanh chóng học được cách phân biệt Đài Giải phóng thật và Đài Giải phóng giả mạo. Kẻ thù không lấn át nổi chúng tôi, cũng không thể buộc nổi chúng tôi phải câm lặng. Bộ máy tuyên truyền của chúng thường rêu rao rằng, Đài của chúng tôi không hoạt động trên đất miền Nam Việt nam, mà ở một nước láng giềng nào đó. Bây giờ thì chị có thể xác nhận rằng, chúng nói láo.

Ba Thu hỏi gì đó bằng tiếng Việt. Bảy Kính trả lời ngay:

- Xin chị nhận băng ghi âm chương trình đặc biệt của Đài Giải phóng gửi tặng Đài Phát thanh Ba Lan, và bản sao chương trình đầu tiên của chúng tôi. Khi nào chúng tôi nhận được băng ghi âm các bài hát Ba Lan kèm theo lời giới thiệu ngắn gọn bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh thì chúng tôi sẽ sử dụng ngay.

Tôi ghi lời yêu cầu đó vào sổ tay để khi về nước chuyển cho ban lãnh đạo Đài phát thanh Ba Lan ở Vacsava.

- Thế nhưng nếu… - tôi bắt đầu và không nói hết câu. Lại nghe thấy tiếng vọng của bom nổ. Các cuộc oanh tạc của máy bay địch ngày càng dữ dội hơn. Theo tin của các đài phát thanh, tôi biết pháo đài bay B52 ngày càng tăng cường các cuộc ném bom.

Bảy Kính đoán ý tôi muốn nói gì. Nụ cười tắt lịm trên gương mặt tươi vui của anh: Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi tình huống - anh đáp.

Hầm trú ẩn, giao thông hào, hầm ngầm ngày càng được đào sâu hơn… Kẻ thù chà xát không ngưng nghỉ. Tuy vậy chúng không thể bóp nghẹt tiếng nói của Đài phát thanh Giải phóng.

Lê Bá Thự dịch

(1) Tên tiếng Việt của bà Monika Warnenska do các chiến sĩ du kích đặt.

(2) Bão tố - biệt danh của chiến sĩ quay phim cùng đi với chị Ba.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem