"Vượt vũ môn" để nâng hạng thị trường: Cơ hội hút thêm 25 tỷ USD, VN-Index sắp khởi động xu hướng tăng mới

H.Anh Thứ sáu, ngày 01/03/2024 08:26 AM (GMT+7)
Nâng hạng thị trường là chủ đề nóng, đang nhận được nhiều đại diện của bộ ngành, doanh nghiệp niêm yết, thành viên thị trường. Theo ước tính, việc nâng hạng thị trường chứng khoán có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Bình luận 0

Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý (AUM)) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên. Kể từ tháng 9/2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ.

"Vượt vũ môn" để nâng hạng thị trường: Cơ hội hút thêm 25 tỷ USD, VN-Index sắp khởi động xu hướng tăng mới - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán được nâng hạng, Việt Nam có thể “hút” thêm 25 tỷ USD vốn đầu tư.

"Vượt vũ môn" để nâng hạng, chứng khoán Việt Nam được gì?

Mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thuộc nhóm thị trường cận biên nhưng quy mô thị trường cũng như tính thanh khoản cao hơn so với một số thị trường mới nổi khác trên thế giới. Về giá trị vốn hóa thị trường, Việt Nam cao hơn Chile, Qatar và Kuwait, trong khi về giá trị giao dịch bình quân thì xếp thứ 7/13 trên bảng so sánh với 12 thị trường mới nổi khác, cao hơn cả Indonesia, và gần gấp đôi Malaysia.

Với năng lực hiện tại của TTCK Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều nhận thấy cơ hội cũng như tiềm năng để TTCK Việt Nam có thể nâng hạng thành công lên thị trường mới nổi. Khi được nâng hạng, TTCK có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư theo chỉ số như MSCI, FTSE Russell… Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam đánh giá, khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Mục tiêu tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế này, trong đó thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng.

Cụ thể, TTCK đã đạt được mức vốn hóa khoảng 6 nghìn tỷ (247 tỷ USD) (khoảng 57% GDP) vào năm 2023, và thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021, càng nhấn mạnh về tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

Việc nâng hạng TTCK sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam vốn sẽ được coi là có khả năng tiếp cận thị trường thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có mức vốn hóa đạt quy mô cũng như tính thanh khoản hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới ước tính, việc nâng hạng TTCK có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030, với điều kiện Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. Đồng thời, giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn và cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu.

Tổng cộng, theo ước tính của đại diện Ngân hàng Thế giới, tiềm năng huy động vốn mới cho thị trường vốn là 78 tỷ USD.

Theo ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM, mục tiêu nâng hạng từ TTCK Việt Nam nói chung sẽ thuận lợi, giúp tăng tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia.Với việc thị trường vốn được nâng hạng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với dòng vốn đầu tư. TTCK Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Việc nâng hạng TTCK còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một trung tâm tài chính quốc tế. Rõ ràng đây là một phần lớn trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng, ngoài việc tăng khả năng thu hút vốn vào thị trường Việt Nam, nâng hạng thị trường giúp tăng khả năng minh bạch, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế mạnh hơn, liên quan đến môi trường đầu tư cũng như môi trường công bố thông tin. Việc nâng hạng thị trường thể hiện mức độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam.

Nếu được nâng hạng vào tháng 9/2024, VN-Index có thể lên 1.420

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống tài chính nói riêng và kinh tế nói chung. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ nâng hạng, TTCK Việt Nam chưa "vượt vũ môn" thành công. Bởi vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ.

Trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ năm 2018 do vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)" - vốn đang ở được xếp ở mức "hạn chế" (Restricted). Nguyên nhân là do thông lệ thị trường về việc kiểm tra trước giao dịch, đảm bảo có vốn trước khi thực hiện giao dịch. Thị trường cũng chưa gặp phải các giao dịch thất bại nào, do đó mục "thanh toán - chi phí liên quan tới giao dịch thất bại" chưa được đánh giá.

Còn theo ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM, việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng cấp lên thị trường mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản, mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

"Vượt vũ môn" để nâng hạng thị trường: Cơ hội hút thêm 25 tỷ USD, VN-Index sắp khởi động xu hướng tăng mới - Ảnh 3.

Nếu được nâng hạng vào tháng 9/2024, VN-Index có thể lên 1.420 điểm.

Lãnh đạo Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, xét các tiêu chí định lượng, thị trường chứng khoán Việt Nam cơ bản đã đạt gần hết các điều kiện của FTSE, nhưng tiêu chí tỷ lệ ký quỹ chưa đạt, trong khi đây được xem là yếu then chốt cho việc chấp thuận nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của FTSE. Do đó, nếu chúng ta xử lý sớm tiêu chí về tỷ lệ ký quỹ thì khả năng cao là chúng ta sẽ sớm có quyết định nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai của FTSE trong tháng 9/2024.

Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang trong giai đoạn cuối của việc loại bỏ yêu cầu "ký quỹ trước giao dịch" (pre-funding) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài - rào cản chính ngăn cản Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Lạc quan về việc nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) Nguyễn Duy Linh bày tỏ: TTCK đã lỡ hẹn khai trương hệ thống KRX vào năm 2023. Bước sang năm 2024, khi nền tảng công nghệ mới của KRX được vận hành sẽ mở ra cơ hội cung cấp các sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông dự báo, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng vào tháng 9/2024 theo các tiêu chí của FTSE, trước khi chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025. Đối với tiêu chí của MSCI, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá thường niên vào tháng 6/2025, khi những yếu tố liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài dần được giải quyết và có thể được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 6/2026.

Dưới góc nhìn của mình, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất 3 giải pháp rút ngắn tiến trình nâng hạng.

Đó là, Việt Nam phải dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót; kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, công ty chứng khoán được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không. Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, công ty chứng khoán được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán.

Dự báo về thị trường trong thời gian tới khi TTCK Việt Nam vào giai đoạn "nước rút" cho việc nâng hạng thị trường, giới phân tích dự báo thị trường có thể kết thúc quá trình đi ngang kể từ tháng 4/2022 đến nay, và nhiều khả năng thị trường sẽ khởi động một xu hướng tăng mới trong nửa cuối năm 2024 cùng với những thông tin thuận lợi từ nâng hạng. Thậm chí, nếu được nâng hạng vào tháng 9/2024, VN-Index có thể lên 1.420 điểm

Theo báo cáo chiến lược 2024, Maybank Investment Bank (MSVN) đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam với tiêu điểm là sự phục hồi của nền kinh tế, chính sách nới lỏng tiền tệ và triển vọng nâng hạng thị trường.

Ở kịch bản cơ sở, MSVN dự báo VN-Index 12 tháng có thể đạt 1.250 điểm chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng lợi nhuận phục hồi và thị trường chưa được nâng hạng. Ở kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.420 điểm được thúc đẩy bởi thanh khoản mạnh hơn từ khả năng nâng hạng thị trường vào cuối năm. Mức tăng ở 2 kịch bản tương ứng khoảng 11% và 26% so với cuối năm 2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem