Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chủ trì cuộc họp báo ở trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ chiều 30.1 (giờ địa phương) .
Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (2019nCoV) gây ra. WHO cũng khuyến cáo tạm thời gọi tên bệnh này là "Bệnh hô hấp cấp tính 2019-cCoV", và bản thân virus nên được định danh tạm thời là "2019-nCoV".
Đây là loại virus gây bệnh viêm phổi khởi phát từ Trung Quốc đã làm 170 người tử vong tại nước này và hơn 7.000 người nhiễm ở 19 quốc gia trên thế giới.
Tính đến 23h30 ngày 30.1 (giờ Việt Nam), theo báo South China Morning Post, số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu lên đến 8.241, bao gồm 8.123 ca nhiễm và 171 trường hợp tử vong ở Trung Quốc đại lục. 12.167 người đang nghi ngờ nhiễm bệnh.
Trong khi đó, số quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các ca nhiễm 2019-nCoV đã lên đến con số 21, mới nhất là Ấn Độ và Philippines
BBC dẫn nguồn WHO cho biết số người mắc bệnh tại các nước ngoài Trung Quốc là 98 ca trải rộng ở 18 quốc gia, chưa có ca nào tử vong. Có 8 trường hợp là lây nhiễm từ người sang người, tại Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan rộng nhanh chóng tại Trung Quốc. "Lý do chính của quyết định này không chỉ là do những gì đang diễn ra tại Trung Quốc mà còn do tình hình dịch bệnh tại những quốc gia khác," Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesusncho biết trong thông báo được đưa ra trong cuộc họp báo tại Geneva.
Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) là một tuyên bố chính thức của WHO do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR) về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu.
Trước dịch viêm phổi lạ do virus corona, WHO đã 5 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Lần đầu tiên được ban bố tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ hai vào tháng 5/2014 do bệnh bại liệt, lần thứ 3 và thứ 5 vào năm 2014 và 2019 trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là năm 2016 với dịch bệnh do virus Zika ở châu Mỹ.
WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.