Địa lợi, nhân hòa
Đến tháng 6.2014, Bình Ngọc đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng NTM, dẫn đầu tỉnh Phú Yên trong chương trình này. Hiện xã còn lại 3 tiêu chí “không khó” là chợ, trường học và nhà văn hóa. Theo ông Cao Xuân Trí - Phó Chủ tịch Hội ND xã Bình Ngọc, 3 tiêu chí còn lại này “chỉ cần đầu tư tiền là đạt”. Lúc này, xã đang nâng cấp mở rộng chợ Xéo (tại thôn Ngọc Phước 1) để phù hợp tiêu chí chợ NTM. Hai trường tiểu học và THCS của xã đã xây tầng nhưng cần phải tiếp tục sửa chữa, xây dựng thêm một số công trình phụ trợ; riêng trường mẫu giáo còn xập xệ, cần đầu tư xây mới. Nhà văn hóa xã thì đang tiến hành lập dự án xây dựng.
Theo UBND xã Bình Ngọc, thế mạnh của địa phương là khai thác trên 100ha đất bồi màu mỡ cạnh sông Đà Rằng, người dân có truyền thống làm nông sản hàng hóa.
Trong đó, làng nghề truyền thống trồng hoa, rau màu và chăn nuôi luôn đem thu nhập ổn định hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Bên cạnh đó, xã còn trên 50 hộ làng nghề sản xuất giày dép da, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nhân công.
Với địa thế nằm cạnh nội thành Tuy Hòa, có đường sắt và Quốc lộ 1 đi qua, người dân Bình Ngọc cũng đã năng động khai thác các loại dịch vụ thương mại, du lịch. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện là 22 triệu đồng/năm.
Bà Ngô Thị Oanh - một người chuyên canh rau màu ở thôn Ngọc Phước 1, cho hay đang “sống được” với 4,5 sào đất trồng 6 vụ rau và 1 vụ hoa/năm. Trong đó, mỗi sào rau (cải, xà lách, cà chua, mùi) thu lãi 2 - 3,5 triệu đồng/vụ; riêng trồng hoa layơn dịp tết có lãi 15 - 20 triệu đồng/sào.
“Tất cả chi phí gia đình đều từ mấy sào đất này. Giá rau, hoa luôn “nhảy múa” theo mùa nhưng đổ đồng thì có dư. Ví như, giá xà lách đương mùa nắng này là 10.000 - 12.000 đồng/kg nhưng nhiều khi trước và sau tết vừa rồi chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Mùa nắng thì mỗi sào chỉ thu chừng 500–600kg rau, còn mùa mát mẻ thì thu trên 1 tấn/sào”- bà Oanh nói.
Vẫn còn trở ngại
Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM Phú Yên, Bình Ngọc là một trong 10 xã của tỉnh đang phấn đấu cơ bản đạt xã NTM trong năm 2014. Tuy nhiên, câu chuyện làm ăn của người Bình Ngọc vẫn còn nhiều việc đáng quan tâm.
Địa lợi vùng chuyên canh rau nổi tiếng vẫn chưa thể phát huy đúng mức, khi đến lúc này đã không còn hộ nào trồng rau theo mô hình VietGAP. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc, từ năm 2011, đã có 25 hộ dân đăng ký trồng rau an toàn VietGAP trên diện tích hơn 13.300m2 rồi “rơi rụng dần”.
Lý do, địa phương không có nhà sơ chế, làm logo thương hiệu, mã vạch,… để phân biệt với rau “thông thường”, nên không được giá. 25 hộ này sản xuất 500kg rau/ngày nhưng siêu thị Co.opMart Tuy Hòa chỉ mua khoảng 100kg/ngày; số còn tại bán cho tiểu thương các chợ trong tỉnh.
Theo Hội ND Bình Ngọc, nhờ có việc làm “xoay vòng” quanh năm nên người dân không phải ly hương như ở một số địa phương khác tại Phú Yên. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên ĐH-CĐ đều không trở về quê do nhu cầu tuyển dụng quá ít.
Đánh giá của Hội ND Bình Ngọc, qua nhiều đợt tập huấn, hầu hết người trồng rau ở đây đã nhận thức và đang áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật sản xuất rau an toàn.
Thế nhưng, cách thức đầu tư cho vùng rau an toàn vẫn còn “nửa vời”, dẫn đến chưa tạo được thương hiệu rau Bình Ngọc, khó thể nâng cao thu nhập cho làng nghề rau. Mỗi ngày, Bình Ngọc cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn rau ăn lá các loại, giá không cao hơn so với rau vùng khác. Trong khi đó, 20/40ha rau tại đây đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đã cấp giấy chứng nhận rau an toàn.
Chủ hộ trồng rau Đào Khánh Hoàn cho hay, nghề rau - hoa Bình Ngọc đang ngày càng gặp khó, do gia tăng ngập lụt vào mùa mưa và nước nhiễm mặn vào mùa nắng. Việc “giăng giăng” kéo điện trên đồng rau đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Mơ ước một chợ đầu mối chuyên cung ứng rau và hoa, vẫn mãi là... dự kiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.