Nhưng từ 2007 - 2011, UBND xã Đoan Hạ (huyện Thanh Thủy) đã thu hàng tỷ đồng từ đất nhưng không nộp về KBNN…
Tự ý mở chợXã Đoan Hạ từ trước vẫn có 1 chợ họp ven Tỉnh lộ 37, sau đó do nâng cấp đê nên bị thu hẹp. Năm 2009, dù chưa được cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất nhưng UBND xã tự ý san lấp 360m2 ở khu vực Ngòi Tây để lập chợ mới. Sau khi san lấp mặt bằng, xã chia diện tích trên làm 39 ô và đấu giá với thời hạn 20 năm.
Giá tiền các ô nhiều hay ít phụ thuộc vào vị trí, tổng số thu được là 870 triệu đồng. Tuy nhiên không phải người dân nào có tiền cũng trúng đấu giá. Trong vai người mua đất, chúng tôi được ông Hòa - cán bộ địa chính xã ra giá 20 triệu đồng cho khoảng 6m2 nằm ở góc trong cùng của chợ. Nhưng theo 1 người dân (xin giấu tên) thì bây giờ đất đai đang rớt mới thế; trước đây ở những vị trí đẹp, giá 1m2 lên tới 10 triệu đồng…
Để sở hữu 1 ki ốt, người dân phải bỏ tiền triệu để mua đất và xây dựng.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Xuân Thành – Chủ tịch UBND xã Đoan Hạ thừa nhận: Mặc dù đã có phương án trình UBND huyện và chưa được phê duyệt chi tiết, nhưng do nhận thức kém (?) nên anh em chúng tôi đã vội làm. Tuy biết là sai nhưng một phần do nhu cầu của địa phương rất bức xúc, để bà con họp chợ trên đê rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Đầu năm 2010, khi có quy hoạch nông thôn mới thì chợ này lại không đạt tiêu chuẩn nên sắp tới lại phải... di dời.
Nhan nhản sai phạm Điều 74 Nghị định 181/2004 quy định: “Đất công ích chỉ dùng vào mục đích xây dựng các công trình công cộng; bồi thường cho những người có đất bị thu hồi để xây dựng các công trình… Nếu cho đấu thầu thì cũng không được quá 5 năm”. Theo kết luận số 959 (ngày 24.10.2012) của Thanh tra huyện Thanh Thủy thì UBND xã Đan Hạ đã đưa cả đất công ích do mình quản lý vào quy hoạch để giao cho các hộ gia đình làm trang trại với thời hạn 20 năm.
Ngoài ra xã còn lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thu hồi và giao đất ở cho 46 đối tượng không đúng với hồ sơ xét duyệt ban đầu. Xét hồ sơ đất ở không chặt chẽ, dẫn đến việc 131 hộ được giao đất ở, nhưng đến nay chỉ 15 hộ làm nhà, còn lại dùng để... trồng rau! Xã cho cán bộ địa chính tự thu, chi các khoản phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng số tiền 101.355.000 đồng…
Về số tiền chi sai nguyên tắc của xã Đoan Hạ đã được xử lý như thế nào, ông Nguyễn Văn Vấn - Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn của UBND huyện Thanh Thủy nói: Cái này các anh phải hỏi đồng chí chủ tịch bởi tôi mới về nhận nhiệm vụ được 3 tháng nên chưa nắm rõ…
|
Vẫn theo kết luận nói trên, từ năm 2007 - 2011, UBND xã Đoan Hạ đã thu từ nguồn sử dụng đất tổng số tiền là 3.886 tỷ đồng (làm tròn). Sau khi thu tiền đã không nộp về KBNN mà tùy tiện: “Chi cho các nhiệm vụ địa phương theo… nghị quyết của HĐND xã” như: Trả tiền xây dựng trường THCS, bếp ăn cho nhà mẫu giáo, đường bê tông...
Khoản 1 Điều 72 Luật Ngân sách quy định: “Những hành vi sau đây là những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách: Che giấu nguồn thu, trì hoãn hoặc không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước..”. Như vậy UBND xã Đoan Hạ đã vi pháp pháp luật một cách có hệ thống và kéo dài trong nhiều năm.
Được biết cơ quan điều tra Công an huyện Thanh Thủy đã vào cuộc; những sai phạm tại xã Đoan Hạ đã được làm rõ. Một số cán bộ xã đã bị nhận các hình thức kỷ luật: Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã, bị cách chức; ông Trần Xuân Thành – Chủ tịch UBND xã bị cảnh cáo và bà Lê Thị Tám - cán bộ địa chính đã bị tuyên phạt 12 tháng tù giam.
Trần Thụ (Trần Thụ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.