Xa quê lập nghiệp, mâm cỗ rằm tháng Giêng trở thành "niềm thương nỗi nhớ" của lao động Việt ở nước ngoài

Trung Hiếu - Thuỳ Anh Thứ tư, ngày 12/02/2025 09:30 AM (GMT+7)
“Mâm cỗ rằm tháng Giêng mẹ nấu không chỉ là đồ ăn, mà như mang một phần ký ức tuổi thơ, là lời gợi nhắc để tôi luôn nhớ rằng mình là người Việt”, anh Long nói, ánh mắt ánh lên niềm hy vọng sẽ sớm có ngày trở về, để được ngồi bên gia đình, ăn một bữa cơm rằm trọn vẹn sau những tháng năm xa xứ.
Bình luận 0

Rằm tháng Giêng với lao động Việt xa quê: Từ mâm cỗ đơn sơ đến ký ức đong đầy

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, không chỉ là dịp để mỗi gia đình Việt sum họp, quây quần bên mâm cỗ truyền thống, mà còn là thời khắc để nhớ về cội nguồn và những giá trị văn hóa dân tộc. Thế nhưng, với những người con xa xứ, đặc biệt là lao động Việt ở nước ngoài, mâm cỗ ngày rằm đầu năm chỉ còn là ký ức ngọt ngào, gợi lên biết bao niềm thương nỗi nhớ về quê hương xứ sở.

Anh Tạ Quang Long (28 tuổi, quê Tuyên Quang) đã sang Đài Loan làm việc từ năm 2017 trong một công ty chế biến đường thực phẩm. Tám năm nơi đất khách là chừng ấy thời gian anh chưa từng ăn một cái Tết Nguyên Tiêu trọn vẹn. “Hồi mới sang, tôi không để ý lắm tới rằm tháng Giêng, chỉ nghĩ là ngày thường thôi. Nhưng càng ở lâu, càng thấm thía cái cảm giác thiếu vắng gia đình trong những dịp lễ như vậy”, anh Long chia sẻ.

Xa quê lập nghiệp, mâm cỗ rằm tháng Giêng trở thành "niềm thương nỗi nhớ" của lao động Việt ở nước ngoài - Ảnh 1.

Theo anh Long (thứ hai từ phải sang), dịp lễ rằm tháng Giêng hàng năm, nếu được tan ca về sớm, anh sẽ rủ bạn bè người Việt cùng đi ăn uống để bớt nhớ quê hương. Ảnh: NVCC

“Ở quê, Rằm tháng Giêng là dịp cả nhà quây quần. Mẹ tôi nấu bát canh bóng thả thơm ngậy, bố thì bày biện bàn thờ gia tiên, thắp nén nhang thơm nghi ngút. Còn tại đây, tôi chỉ đi thuê phòng trọ, không có bàn thờ hay hương khói nên vào dịp Rằm tháng Giêng thường chỉ nấu vài món ăn dân dã nhanh gọn, tượng trưng để gợi nhớ về không khí ngày lễ này tại quê nhà là chính”, chàng trai 28 tuổi cho hay.

Xa quê lập nghiệp, mâm cỗ rằm tháng Giêng trở thành "niềm thương nỗi nhớ" của lao động Việt ở nước ngoài - Ảnh 2.

Anh Long chia sẻ, vào dịp rằm tháng Giêng, anh nhớ các món ăn cổ truyền trên mâm cỗ cúng của người Việt, trong đó có món canh bóng thả. Ảnh minh hoạ: Trung Hiếu.

Xa quê lập nghiệp, mâm cỗ rằm tháng Giêng trở thành "niềm thương nỗi nhớ" của lao động Việt ở nước ngoài - Ảnh 3.

Với anh Long, rằm tháng Giêng dịp để mỗi gia đình Việt sum họp, quây quần bên mâm cỗ truyền thống. Ảnh minh hoạ: Trung Hiếu.

Theo anh Long, anh làm việc 8 tiếng chính thức mỗi ngày, cộng thêm 2 tiếng tăng ca. Về đến phòng trọ khi trời đã sẩm tối, nhưng cứ vào dịp rằm tháng Giêng của 3 năm trở lại đây, dù mệt mỏi thế nào, anh vẫn dành thời gian để tự tay nấu mâm cơm đơn giản gồm một số món như gà luộc, bát canh miến cùng đĩa nem rán, sau đó căn thời gian gọi về gia đình vào đúng giờ mọi người dùng bữa để cùng “ăn” qua màn ảnh nhỏ cho có không khí.

Mâm cỗ rằm tháng Giêng mẹ nấu không chỉ là đồ ăn, mà như mang một phần ký ức tuổi thơ, là lời gợi nhắc để tôi luôn nhớ rằng mình là người Việt”, anh Long nói, ánh mắt ánh lên niềm hy vọng sẽ sớm có ngày trở về, để được ngồi bên gia đình, ăn một bữa cơm rằm trọn vẹn sau những tháng năm xa xứ.

Lao động Việt bật mí sự khác biệt về rằm tháng Giêng ở nước ngoài so với Việt Nam

Cũng là người Việt sinh sống và làm việc tại Đài Loan từ khi còn là sinh viên, anh Trần Kim Minh (26 tuổi, quê TP.HCM) - quản lý một salon tóc, đã đón ngày lễ rằm tháng Giêng ở nước ngoài được 6 năm.

Anh Minh cho biết, rằm tháng Giêng (hay Tết Nguyên Tiêu) là dịp lễ quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên Đán đối với người dân nơi đây. Điều khiến anh ấn tượng nhất chính là sự xuất hiện của những chiếc đèn lồng khổng lồ với đủ hình dáng linh vật tượng trưng cho từng năm.

“Ví dụ như năm Tỵ thì sẽ có đèn lồng hình con rắn uốn lượn, còn năm Thân thì lại là những chiếc đèn lồng khổng lồ hình con khỉ ngộ nghĩnh. Nhìn những chiếc đèn lồng được thắp sáng vào buổi tối, tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nhiệt giống như các lễ hội lớn ở Việt Nam”, anh Minh kể.

Buổi tối ở Đài Loan trong dịp này cũng rất đặc biệt, khi nhiều thành phố tổ chức thả đèn hoa đăng hoặc đèn trời, nhiều người tới xem với hy vọng một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn.

“Tôi cũng từng tham gia thả đèn trời cùng bạn bè ở đây, cảm giác rất thú vị. Nhìn hàng trăm chiếc đèn lấp lánh bay lên, tôi nhớ đến những dịp lễ hội ở quê nhà, nơi cũng có các hoạt động tập trung đông người tương tự”, anh Minh nói thêm.

Nhắc đến món ăn truyền thống trong dịp này, anh Minh bật mí rằng phần quan trọng nhất của Tết Nguyên Tiêu ở Đài Loan, phải kể tới món chè trôi nước. Món ăn này sau khi đun sôi sẽ nổi trên mặt nước, sẽ khiến mọi người liên tưởng đến vầng trăng sáng treo trên bầu trời, tượng trưng cho ý nghĩa sum họp, hạnh phúc.

Xa quê lập nghiệp, mâm cỗ rằm tháng Giêng trở thành "niềm thương nỗi nhớ" của lao động Việt ở nước ngoài - Ảnh 4.

Anh Minh thường tự vào bếp nấu ăn ngày rằm tháng Giêng sau giờ đi làm về. Ảnh: NVCC

“Dù bận rộn công việc, anh Minh cũng thường tự nấu chè trôi nước vào ngày này để ăn, đôi lúc sẽ rủ bạn bè sang ăn cùng. Việc tự nấu giúp tôi thấy gần gũi hơn với không khí lễ hội. Dù món ăn này không giống hoàn toàn với chè trôi nước ở Việt Nam, nhưng mỗi lần nấu xong tôi cũng lại nhớ về món ăn của quê nhà”, anh Minh tiếp lời.

Tuy đã quen với việc sống xa gia đình, anh Minh cũng không giấu được nỗi nhớ quê hương khi nhắc đến mâm cỗ rằm tháng Giêng truyền thống ở Việt Nam. “Dù lễ hội ở đây tương đối hoành tráng, nhưng tôi vẫn thấy nhớ cảm giác ấm cúng bên mâm cơm gia đình hơn. Nhớ những món ăn quen thuộc như bánh chưng, canh măng, hay chỉ đơn giản là được ngồi quây quần cùng người thân trong ngày rằm”, anh Minh bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem