Xã sạch bóng rác thải

Chủ nhật, ngày 13/11/2011 20:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với khẩu hiệu "Sạch nhà, sạch ngõ, sạch làng", sau 3 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) Thành Công đã góp phần tích cực trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường ở xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội).
Bình luận 0

Kim Chung có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, kéo theo đó là lượng rác thải ngày một nhiều. Ngày trước, rác thải sinh hoạt, rác làng nghề nhiều, cộng với thói quen vứt rác bừa bãi của bà con, nên khắp các ngõ xóm, kênh mương ở đây đều tràn ngập rác, môi trường rất ô nhiễm.

img
Người dân ở xã Kim Chung đã có ý thức bỏ rác vào thùng, xe rác.

Hợp tác xã thu gom rác

Bác Lê Văn Hòa (thôn Đại Tự) cho biết: "Ngày trước, con mương này đen kịt, rác, túi nylon, chó, lợn, gà chết vứt đầy mương. Mương từng có rất nhiều cá, nhưng rồi chết hết vì ô nhiễm. Từ khi có tổ gom rác, ý thức người dân được nâng lên, con mương cũng dần sạch trở lại".

Để đối phó với nạn ô nhiễm tràn ngập thôn xóm, lãnh đạo xã Kim Chung phát động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp, với khẩu hiệu "Sạch nhà, sạch ngõ, sạch làng". Đồng thời, xã thành lập HTX Thống Nhất để thu gom rác trong xã rồi chuyển lên bãi rác Nam Sơn (Sơn Tây, Hà Nội) để xử lý.

Ông Nguyễn Khắc Hạnh - Chủ nhiệm HTX Thành Công cho hay: "HTX được thành lập năm 2008, hiện có gần 30 công nhân, bình quân mỗi thôn có 2 công nhân thu gom rác. Mỗi ngày 2 ca thu gom, rác được tập hợp tại bãi rồi đưa đi xử lý". Ông Hạnh cho biết thêm, HTX đã đầu tư cho mỗi thôn 4 xe rác và quy định vị trí cụ thể, ngoài ra còn đặt thùng xốp ở các đầu ngõ, vừa tiện cho việc thu gom rác và tiện để người dân bỏ rác đúng nơi quy định.

“Môi trường sạch, mình được hưởng”

Dịch vụ mang tính công ích, cộng đồng này đã thu hút được sự ủng hộ của người dân. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, môi trường ở các làng, xã đã được cải thiện. Chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn Bái Bệ) bày tỏ: "Môi trường trong sạch thì mình được hưởng, mà ô nhiễm là mình phải chịu. Biết thế, nhưng hồi trước các nhà vẫn cứ vứt rác bừa bãi. Từ khi có tổ gom rác, từ đầu làng đến cuối xóm ngày nào cũng được quét dọn sạch sẽ nên mặc dù mất phí nhưng ai cũng vui vẻ ủng hộ".

img Chúng tôi đã đưa vào quy ước văn hóa của làng, rồi lồng ghép vào các cuộc họp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường. img

Ông Cấn Nhật Tân - Trưởng thôn Đại Tự

Tùy vào số khẩu, mỗi hộ đóng góp phí vệ sinh từ 15.000 - 20.000 đồng/tháng. Số tiền này sẽ được trích trả lương cho các công nhân tham gia thu gom rác. Chị Bùi Thị Thảo (thôn Đại Tự) tham gia vào việc thu gom rác từ khi thành lập HTX, cho biết: "Mỗi người một buổi, gom lúc nào hết rác thì thôi, mặc dù tiền công chỉ 1,8- 2 triệu đồng/người/tháng và vất vả, nhưng mình vẫn thấy vui vì đang góp phần làm cho thôn, xã xanh, sạch, đẹp".

Ông Cấn Nhật Tân - Trưởng thôn Đại Tự cho hay, thôn có 520 hộ, với 1.700 nhân khẩu, mỗi ngày thải ra môi trường hàng tạ rác, nếu không được thu gom, xử lý thì chẳng mấy chốc cả thôn sẽ ngập ngụa trong rác. "Ý thức của người dân là quan trọng nhất ngoài hoạt động của tổ gom rác, chúng tôi đã đưa vào quy ước văn hóa của làng, rồi lồng ghép vào các cuộc họp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường và xử phạt những ai không chấp hành" - ông Tân cho hay.

Mô hình HTX thu gom rác ở xã Kim Chung đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Mô hình đang được UBND huyện Hoài Đức chọn làm điểm, nhân rộng ra các xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem