Công chúa khi chết được mặc áo long bào là người được hoàng đế Khang Hi cưng chiều nhất.
Trong hàng thập kỷ, nạn trộm mộ ở Trung Quốc là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Năm 1972, những kẻ trộm mộ dùng thuốc nổ mở lối vào một lăng mộ hoàng tộc ở Nội Mông.
Bên trong lăng mộ, ngoài cơ số của cải đắt giá, đáng chú ý là xác ướp một phụ nữ còn tương đối nguyên vẹn. Xác ướp có niên đại khoảng 200 năm còn nguyên lớp da. Điều đáng ngạc nhiên là xác ướp này mặc long bào, theo Sohu.
Ở Thời phong kiến Trung Hoa, hoàng đế là người duy nhất được mặc long bào. Ngay cả hai người phụ nữ quyền lực nhất Trung Hoa là Võ Tắc Thiên và Từ Hi Thái Hậu khi chôn cất cũng không được mặc long bào. Vậy người phụ nữ bí ẩn kia là ai, có địa vị cao đến mức nào?
Sử sách mô tả Khang Hi là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa. Ông lên ngôi năm 8 tuổi, trực tiếp nắm quyền năm 14 tuổi, là hoàng đế có quãng thời gian trị vì lâu nhất, nên được gọi là “thiên cổ đệ nhất đế".
Khang Hi đặc biệt coi trọng người nhà, dành tình yêu sâu đậm với hoàng hậu. Điều khiến hoàng đế nhà Thanh đau lòng nhất là việc 9 hoàng tử sẵn sàng giết hại lẫn nhau để tranh giành ngôi báu.
Thất vọng với các con trai, Khang Hi hết mực yêu quý một cô con gái. Người đó chính là Công chúa Cố Luân Vinh Hiến, ái nữ thứ 3 nhưng lại là người lớn nhất trong những người con gái thành niên của hoàng đế Khang Hi, bởi 2 người con gái đầu của ông đều không may mất sớm.
Khang Hi yêu quý Vinh Hiến công chúa một phần là vì mẹ cô là Vinh phi Mã Giai thị, một trong những phi tần đầu tiên của hoàng đế. Trong 6 năm, Vinh phi đã sinh hạ cho Khang Hi 5 người con, đủ để thấy sự sủng ái khi đó, theo Sohu.
Hoàng đế Khang Hi từng nhiều lần đích thân sang Mông Cổ thăm con.
Thời gian trôi qua, Vinh phi dần dần không còn được hoàng đế đoái hoài, nhưng Vinh Hiến công chúa vẫn là cô con gái được Khang Hi hết mực yêu quý. Khang Hi cho rằng, trong gia đình con trai con gái đều như nhau, đã nhiều lần khen Vinh Hiến Công chúa hiếu thuận, thậm chí có hiếu nhất.
Chăm sóc công chúa hết mực, Khang Hi muốn tìm cho con gái một người chồng tốt. Theo truyền thống nhà Thanh, các công chúa thường kết hôn với người Mông Cổ để duy trì mối giao hảo 2 nước.
Năm 19 tuổi, công chúa được gả cho Ô Nhĩ Cổn, con trai của Trát Tát Khắc Đa La Quận vương Ngạc Tề Nhĩ ở Mông Cổ. Ô Nhĩ Cổn là chắt ngoại của Hoàng Thái Cực, hoàng đế khai quốc nhà Thanh, nên cũng được xem là dòng dõi hoàng thất và rất được Hoàng đế Khang Hi yêu quý.
Theo thông lệ, các công chúa thường được gả từ năm 12 – 15 tuổi. Nhưng Khang Hi không muốn rời xa người con gái này nên đã trì hoãn cho đến khi Vinh Hiến công chúa 19 tuổi (năm 1706).
3 năm sau Hoàng đế Khang Hi lâm bệnh nặng, Công chúa Vinh Hiến lập tức từ Mông Cổ chạy về, ở bên trông chừng cha liên tục 4 ngày 4 đêm. Cùng năm đó, bà được tấn phong là Cố Luân Vinh Hiến Công chúa.
Theo sử sách, sau khi công chúa kết hôn, Khang Hi đã nhiều lần đích thân đến thăm con gái ở Mông Cổ xa xôi, một vinh hạnh mà những vị công chúa khác trong lịch sử Trung Hoa cũng không có được.
Công chúa cũng vì cha mà cho xây dựng một hành cung ở Ba Lâm bộ, đây là Hoàng đế Hành cung duy nhất ở biên cương phía bắc của Trung Hoa.
Năm 1721, Ô Nhĩ Cổn qua đời và một năm sau thì Khang Hi cũng băng hà, Cố Luân Vinh Hiến công chúa sống thêm 6 năm, mất năm 1728 và được an táng tại Nội Mông.
Lăng mộ công chúa được con trai xây dựng cực kỳ xa hoa, với tổng diện tích lên tới 5.000m2. Thi hài của công chúa được bảo tồn vô cùng tốt, giống như đang ngủ yên suốt hơn 200 năm.
Chiếc áo long bào được tìm thấy bên trong lăng mộ công chúa.
Năm 1972, những kẻ trộm tìm ra lăng mộ Vinh Hiến công chúa, dùng thuốc nổ để mở lối vào. Sử sách Trung Quốc chép rằng, thi thể công chúa vẫn còn nguyên vẹn, đặc biệt là mái tóc đen và làn da vẫn còn đàn hồi.
Công chúa được chôn cất cùng nhiều đồ vật quý giá, chân mang giày gấm đỏ thẩm thêu hoa, trên người mặc rất nhiều tầng phục sức, ngoài cùng là long bào cực kỳ rực rỡ.
Lý giải vì sao thi hài công chúa được mặc long bào, một số nhà khảo cổ Trung Quốc cho rằng đây là di nguyện của hoàng đế Khang Hi trước khi qua đời.
Trong tất cả những người con của Khang Hi, ngoại trừ Ung Chính lên nối ngôi, là hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh, chỉ có Cố luân Vinh hiến công chúa mới được hưởng đặc quyền mặc long bào khi hạ táng, theo Sohu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.