Chỉ 40% số vụ bị xử lý hình sự
Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) năm 2011 cho thấy, cả nước có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục, tính trung bình 5 năm gần đây thì mỗi năm có khoảng gần 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Trong đó, riêng số vụ hiếp dâm trẻ em lên tới 80%. Nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: Hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ dưới 5 tuổi, cha dượng hiếp dâm con, thầy giáo xâm hại tình dục học trò nhiều lần…
Ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho rằng: “Nhiều trường hợp dù phát hiện ra kẻ xâm hại tình dục, bạo hành nhưng không dám tố cáo vì bị đe doạ. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều trẻ bị xâm hại tình dục, thậm chí nhiều lần nhưng không bị phát hiện”.
Đơn cử như nạn nhân Phùng Thị T (Ba Vì, Hà Nội) bị hiếp dâm tập thể năm 2002, sau đó mang thai và sinh con ở độ tuổi 13. Tuy nhiên do gia đình không tố cáo nên những kẻ thực hiện hành vi phạm tội với em vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Còn bản thân em phải nghỉ học, rời bỏ quê hương đi làm xa để tránh điều tiếng… Em Thạch Thị H (Cầu Ngang, Trà Vinh) bị người nhà (chú rể) hiếp dâm năm 13 tuổi, nhưng sau đó – vì thủ phạm là người nhà- nên gia đình không tố giác.
Gần đây nhất dư luận xôn xao về trường hợp của N.T.L, 13 tuổi, ở Phú Yên đã phải sớm từ bỏ trường lớp để đảm đương vai trò làm mẹ. L đã bị chính hai 2 anh rể cưỡng đoạt đến độ có thai mà không ai biết. Ngay cả mẹ L khi được hỏi vẫn điềm nhiên: “Thấy con luôn mặc áo khoác cả khi đi học và cả lúc ở nhà, tôi cứ tưởng cháu muốn bảo vệ da cho đẹp”.
Ông Nguyễn Trong An dẫn số liệu của Bộ Công an cho thấy, chỉ 40% số vụ sau khi được phát hiện chịu xử lý hình sự, số còn lại đều bỏ trốn hoặc nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Lý giải cho thực trạng đáng buồn này ông An cho rằng: “Một trong những nguyên nhân là do tâm lý của người Việt Nam quá trọng tình. Đôi khi nhẫn nhịn, nhìn con đau đớn nhưng không dám tố giác vì sợ mất tình cảm, mặt khác sợ mang tiếng, nghĩ là chuyện đã rồi nên chỉ thoả thuận bồi thường thiệt hại về mặt vật chất là xong”.
Chưa có cơ chế bảo vệ trẻ
Theo ông An, hiện nay cơ chế bảo vệ trẻ em từ gia đình tới cộng đồng còn yếu. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ xâm hại tình dục ở trẻ em ngày càng gia tăng và phức tạp.
“Con số 1.000 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm chỉ là “phần nổi trên tảng băng chìm”. Thực tế, còn rất nhiều vụ án xâm hại, tính chất nghiêm trọng hơn nhiều nhưng vẫn chưa được tố giác, phát hiện”.
Ông Nguyễn Trọng An
Bà Lê Thu Hà - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em cho rằng: Đa số trẻ bị bạo hành và xâm hại tình dục đều ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hầu như các em đều sinh trưởng trong những gia đình nghèo, bố mẹ thường phải đi làm ăn xa không có nhiều thời gian dành cho con cái. Trong khi đó, các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của xã hội”.
Trước thực trạng này, vừa qua các ngành liên quan đã hoàn thành báo cáo về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em để trình Quốc hội chất vấn Chính phủ. Về lâu dài, Bộ LĐTBXH cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng các chính sách liên quan đến phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em nhất là trẻ ở vùng sâu, vùng xa khỏi xâm hại tình dục.
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.