“Xâm nhập” Huế trong đại hồng thủy

Thứ hai, ngày 04/11/2013 06:38 AM (GMT+7)
Trong trận lũ lịch sử năm 1999, tôi được một chỉ huy Trung đoàn 918 đẩy lên chiếc máy bay AN-26 đang nổ máy ầm ầm trên đường băng sân bay Gia Lâm với lời dặn: “Cậu là nhà báo, chúng tôi ưu tiên cho đi nhờ để vào đưa tin”.
Bình luận 0
Buổi chiều ngày thứ 3 (tính từ thời điểm mất liên lạc với cố đô Huế) trong trận lũ lịch sử năm 1999, tôi được một chỉ huy Trung đoàn 918 đẩy lên chiếc máy bay AN-26 đang nổ máy ầm ầm trên đường băng sân bay Gia Lâm với lời dặn: “Cậu là nhà báo, chúng tôi ưu tiên cho đi nhờ để vào đưa tin”.

Quân dự bị xung trận

Buổi sáng của ngày đầu tháng 11.1999, như thường lệ, tôi lại ghé qua Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (hồi đó còn gọi là Trung tâm Quốc gia dự báo khí tượng thủy văn) ở số 4 Đặng Thái Thân, Hà Nội để lấy thông tin mỗi khi xuất hiện bão lũ.

Đọc xong bản tin mà thấy chóng hết cả mặt, tất cả các trạm đo mực nước trên các con sông dọc miền Trung cùng một nội dung: Lũ vượt báo động 3. Ông Bùi Minh Tăng - Trưởng phòng Dự báo ngắn hạn (nay là Giám đốc Trung tâm) mặt mũi căng thẳng: “Lũ to quá, đạt mức kỷ lục rồi, bên phòng chống lụt bão cho biết chết nhiều người lắm”.

Nhà báo Hoàng Trọng Hiếu (bên phải) tại sân bay Phú Bài (Huế) năm 1999.
Nhà báo Hoàng Trọng Hiếu (bên phải) tại sân bay Phú Bài (Huế) năm 1999.

Trưa làm việc ở tòa soạn, thông tin thống kê thiệt hại các tỉnh cập nhật từng giờ nhưng từ TP.Huế thì hầu như không có gì. Chỉ biết, lũ lớn ngập thành phố, Huế bị cô lập hoàn toàn, không ra không vào được, điện thoại cũng không thể liên lạc. Tòa soạn chỉ đạo: “Phải có phóng viên Nông Thôn Ngày Nay hiện diện ở vùng tâm lũ”.

Người được giao nhiệm vụ lên đường là anh Quang Hải- phóng viên kiêm nhà thơ, vốn là cựu thanh niên xung phong công trình Thủy điện Hòa Bình. Xe của Tổng Biên tập lúc bấy giờ là chị Mai Nhung được trưng dụng cho chuyến công tác đặc biệt. Buổi chiều tiễn đồng nghiệp lên đường vào Huế cứ có cảm giác như tiễn chiến sĩ xâm nhập vào vùng địch hậu trong các tác phẩm văn học thời chiến vậy.

Mà đúng là khó khăn như hoạt động trong vùng địch hậu thật. Đến trưa ngày hôm sau thì tòa soạn mất liên lạc với phóng viên. Thông tin cuối là đến phà sông Gianh (Quảng Bình) thì đường tắc, ô tô dân sự không đi tiếp được, anh Quang Hải bỏ xe cơ quan, đội áo mưa bám theo xe lội nước đặc chủng của quân đội vượt sông Gianh đi tiếp theo Quốc lộ 1A.

Lúc này câu hỏi đặt ra với tòa soạn là tiếp tục chờ những thông tin từ anh Quang Hải trong một sự lo âu hay cần có thêm phương án mới để kịp thông tin về Huế trên những trang báo sắp ra? Thế là một chuyến công tác kế tiếp được khẩn trương chuẩn bị: Lực lượng dự bị là tôi được lệnh xuất phát. Thay cho việc tiếp tục tìm cách vượt qua một biển mưa lũ dữ dội dọc theo Quốc lộ 1A để vào Huế, lần này chúng tôi chọn đường hàng không với những hy vọng mong manh có thể đến được Huế.

Nói là hy vọng mong manh vì dù bước sang ngày thứ 2, quân đội đã quyết định thành lập cầu hàng không khẩn cấp chi viện cho TP.Huế, hàng cứu trợ đã tập kết về sân bay Gia Lâm (Hà Nội), thế nhưng vẫn không có một phương tiện nào từ bên ngoài (gồm phương tiện đường bộ, đường thủy, đường không) tiếp cận được với Huế đang trơ trọi giữa một biển nước mênh mông.

Một loạt công văn giấy tờ được chuẩn bị để Quân chủng Phòng không - Không quân hỗ trợ đưa tôi đi nhờ vào Huế. Các tin tức thiệt hại của vùng lũ miền Trung vẫn cứ dồn dập dội về khiến những người làm báo chúng tôi đều có một cảm giác không vào được vùng tâm lũ, không đến được Huế để đưa tin là có tội!

Không thể quên Huế 1999

Buổi chiều ngày thứ 3 (tính từ thời điểm mất liên lạc với cố đô Huế), tôi được anh cán bộ chỉ huy Trung đoàn Không quân vận tải 918 đẩy lên chiếc máy bay AN-26 đang nổ máy ầm ầm trên đường băng sân bay Gia Lâm. Tôi là hành khách duy nhất trên chuyến bay quân sự cứu trợ đó, ngồi trong khoang hàng, dựa lưng vào những thùng mì tôm, trên tay là nắm xôi gà - khẩu phần của phi hành đoàn chia cho.

Tôi vẫn nhớ cảm xúc đặc biệt khi nghe các phi công nói với nhau trên chuyến bay: “Thời tiết ở Phú Bài cũng chưa tốt lắm, nhưng lần này sẽ cố gắng hạ cánh ở đó, không sang Đà Nẵng nữa. Nhiều người dân Huế không chờ được nữa rồi”.

Tôi tin, với người làm báo đến Huế trong cơn đại hồng thủy vào tháng 11.1999, mọi hình ảnh chứng kiến đều là những ký ức không thể quên. Với tôi, đó là cảnh những dãy quan tài người chết vì bão lũ xếp cạnh bia Quốc học bên dòng sông Hương vào lúc chập choạng tối.

Là hình ảnh ông Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc quần cộc ngồi trong trụ sở ngập nước để điều hành công tác cứu trợ bằng giọng khản đặc. Là đứa trẻ nhỏ xíu chở tôi trên chiếc mủng vào xóm ngập. Là một đám đông người dân gặp nạn khóc lóc vây quanh chiếc trực thăng Mi-8 chở 2 tấn gạo cứu đói hạ cánh xuống huyện A Lưới, khi mà con đường bộ duy nhất nối A Lưới với TP.Huế đã bị lũ đánh tan hoang.

Là cảnh phóng viên ảnh Ngọc Trường của Thông tấn xã Việt Nam (anh đã qua đời cách đây ít năm vì bệnh hiểm nghèo) vừa uống rượu để quên đi cơn sốt và cơn đau răng nhức nhối, vừa cặm cụi sử dụng chiếc máy scan phim duy nhất (thiết bị đặc chủng ở cái thời kỳ mà hầu như cánh nhà báo Việt Nam chưa biết đến máy ảnh số) để giúp cho tất cả các đồng nghiệp báo bạn có mặt ở Huế trong thời khắc khó khăn đó gửi ảnh về tòa soạn…

Khi những tin bài cuối cùng trong ngày gửi về tòa soạn, các phóng viên của “Chiến dịch Huế - 1999” tụ tập ở một quán rượu vỉa hè trên đường Lê Lợi, trầm ngâm trong tiếng tụng kinh và hương trầm cầu siêu cho những nạn nhân bị thiệt mạng bởi cơn lũ dữ. Trong đám người mệt nhọc tả tơi ấy, may mắn có cả nhà báo Quang Hải.

Anh đặt chân vào Huế trước tôi khoảng 12 tiếng đồng hồ, sau 2 ngày dầm nước lũ bám trên nóc xe đặc chủng của quân đội. Đến giờ phút này, tôi vẫn tin Quang Hải là phóng viên đầu tiên từ bên ngoài “đột phá” qua biển nước lũ để vào được Huế trong những ngày dữ dội ấy.

Đó là một thời không thể quên của những người làm báo Nông Thôn Ngày Nay.

Hoàng Trọng Hiếu (Hoàng Trọng Hiếu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem