Xăng “bẩn” và lương tâm

Thứ tư, ngày 07/12/2011 18:12 PM (GMT+7)
Dân Việt - Rất lạ là trong buổi họp giao ban ngay sau sự vụ hàng loạt các cây xăng "treo dê bán chó", lãnh đạo Bộ Công thương lại đưa ra chuyện chiết khấu đại lý, cho rằng thù lao cho đại lý không còn phù hợp với tình hình thực tế...
Bình luận 0

Đại diện Petrolimex ngay sau đó phụ họa: Bộ Tài chính thổi còi 516 tỷ đồng vượt chi phí kinh doanh do Petrolimex chiết khấu hoa hồng sai quy định là "oan" cho doanh nghiệp. Và Bộ trưởng Hoàng cho biết sẽ tiếp tục gửi công văn đến Bộ Tài chính đề nghị thay đổi mức chi phí kinh doanh, vì 600 đồng/lít như hiện nay là quá thấp.

Có phải vì khó khăn, vì chiết khấu thấp, vì nghèo nên người ta mới sinh ra ăn cắp? Câu trả lời là không. Người nghèo thực chất chỉ là nạn nhân của ngành xăng dầu.

Sau những vụ “treo dê bán chó” tại các cây xăng TP.HCM bị phát hiện, không ít người đã đặt câu hỏi: Saigon Petro sản xuất xăng A83 để làm gì khi mà hầu hết các loại xe máy, ôtô, thiết bị chạy xăng đã không còn dùng thứ xăng này nữa? Tổng Giám đốc Saigon Petro Đặng Vinh Sang ráo hoảnh: "Xăng A83 được đưa đi tiêu thụ ở khu vực miền núi, miền Tây cho những người có nhu cầu chạy một số loại động cơ và xe cũ phù hợp với loại xăng này".

Lượng xe cũ là bao nhiêu? Đồng bào miền núi dùng xe gì? Dùng xăng gì và trả tiền xăng với giá bao nhiêu? Đây là những câu hỏi treo mà chắc chắn "nhà sản xuất" không thể trả lời. Cứ có người mua là họ bán, cho dù xăng A83 có vẻ chỉ được dùng để gian dối.

Những người tiêu dùng thành phố tội một, đồng bào miền núi - đa phần là người nghèo, hoặc cận nghèo, khốn khổ mười. Không ai giải thích cho họ biết rằng họ đang phải dùng một thứ xăng thứ cấp, giống như thuốc Tây hết hạn, hàng tiêu dùng quá date. Và việc người tiêu dùng phải mua xăng sạch hay bẩn, với giá bẩn hay sạch, hóa ra lại phụ thuộc vào "lương tâm con buôn".

Năm nào cũng có hàng chục vụ vi phạm xung quanh việc gian dối xăng dầu bị phát hiện: Và bây giờ, sau gian lận về số lượng, đến lượt gian lận về chất lượng. Xử phạt liên tục. Đe dọa rút giấy phép cũng có. Nhưng rồi đâu lại vào đó.

Nguyên nhân chắc chắn không phải vì các đại lý, các chủ cửa hàng nghèo, túng đến mức phải làm bậy.

Trung tuần tháng 11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104 về xử phạt vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, nhưng mức phạt đối với vi phạm về chất lượng xăng dầu tối đa cũng chỉ 30 triệu đồng. Quá lạc hậu với thực tế. Quá "rẻ" so với lợi nhuận từ xăng bẩn. Một mức phạt mà Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường- Chất lượng Trần Văn Vinh cho rằng: "Không đủ sức răn đe", rằng: "Sau một vài ngày gian lận là có thể thu hồi lại được".

Và vì thế, rất có thể ngay ngày mai, sẽ lại có chuyện xăng pha nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem