Xây “đại lộ” cho hợp tác công-tư lĩnh vực khuyến nông

Phạm Ly Thứ ba, ngày 23/06/2020 18:46 PM (GMT+7)
Đó là mục tiêu của hoạt động tăng cường hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực khuyến nông hiện nay, được nêu tại hội thảo quốc tế về hợp tác PPP diễn ra ở Đăk Lăk mới đây.
Bình luận 0

Hội thảo do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức nhằm lấy ý kiến tham vấn lần cuối, trước khi ban hành quy tắc hợp tác PPP trong hoạt động khuyến nông.

Xây dựng "đại lộ" cho hợp tác PPP

Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trở thành đối tác mạnh với một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Hàng nông sản Việt trở thành thương hiệu lớn. Nhiều đối tác, tập đoàn quốc tế mong muốn tham gia vào chuỗi giá trị và kết nối trực tiếp với nông sản Việt Nam.

Xây “đại lộ” cho hợp tác công-tư   khuyến nông - Ảnh 1.

Mô hình phát triển cà phê bền vững tại Đăk Lăk. P.L

Hơn 10 năm qua, quan hệ nhà nước với khối tư nhân được thúc đẩy mạnh thông qua quan hệ hợp tác PPP. Trong đó, các nhóm ngành hàng có đối tác công tư PPP đã triển khai gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hổ tiêu, lúa gạo và hóa chất nông nghiệp.

Tại Đăk Lăk, chương trình hợp tác công tư "Khuyến nông viên gắn với vườn mẫu" trên cây cà phê được triển khai từ năm 2012. Mục tiêu của chương trình là tập hợp các nông hộ sản xuất cà phê nhỏ lẻ, thành lập các nhóm nông dân để hỗ trợ tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác sản xuất cà phê và thông tin thị trường; xây dựng các vườn mẫu…; hỗ trợ nâng cấp các nhóm đủ mạnh lên thành các HTX kết nối với thị trường…

Đến năm 2017, chương trình đã thành lập được 63 nhóm nông dân, với 3.262 hộ tham gia trên tổng diện tích gần 3.500ha cà phê; thành lập được HTX Nguyên Trường Thịnh (huyện Krông Păk) và HTX Quyết Tiến (huyện Cư M'gar).

TS Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ coi nông nghiệp là một mục tiêu quan trọng, đặt nông nghiệp làm động lực cho phát triển bền vững kinh tế, xã hội, điều đó đòi hỏi ngành phải huy động và sử dụng hiệu quả hơn lượng vốn đầu tư lớn từ nhà nước và toàn xã hội. 

Vì vậy, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua cơ chế hợp tác PPP là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt.

Xây “đại lộ” cho hợp tác công-tư lĩnh vực khuyến nông - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu, cho ý kiến về việc xây dựng khung hợp tác công tư PPP trong lĩnh vực khuyến nông. (Ảnh: PL)

Từ các ý kiến đóng góp tại hội thảo trước đó diễn ra tại Hà Nội, TS Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện (TTKNQG) đã trình bày nội dung bản dự thảo nguyên tắc hợp tác PPP về hoạt động khuyến nông.

Bản dự thảo đặt ra 5 nguyên tắc hợp tác, đó là: Hợp tác, bình đẳng, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tự nguyện và trách nghiệm của các bên, phù hợp với pháp luật Việt Nam. Sử dụng nguồn vốn minh bạch, hiệu quả, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Có cơ chế giám sát tài chính chặt chẽ trong quá trình triển khai, theo yêu cầu và thống nhất giữa các bên. Tăng cường công khai minh bạch thông tin. Tạo môi trường thuận lợi tốt nhất để thực hiện các hoạt động hợp tác PPP. Góp phần thúc đầy sản xuất nông nghiệp bền vững.

Với tầm quan trọng của khung hợp tác PPP, đây được xem là "đại lộ" trong hợp tác công tư. Trong đó, việc xây dựng các "biển chỉ đường" để kéo các doanh nghiệp, đối tác vào cuộc với hệ thống khuyến nông là vô cùng cần thiết.

Vai trò mới của khuyến nông

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tham gia góp ý, chỉnh sửa bản đề xuất nguyên tắc hợp tác PPP về khuyến nông từ đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác và TTKN địa phương.

Với mục đích phát huy tối đa tiềm lực ở hai khối công và tư, tạo sức mạnh tổng hợp góp phần vào quá trình đổi mới hệ thống khuyến nông, TTKNQG đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với UN women, Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) và Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) về hợp tác công tư.

Đánh giá về hoạt động khuyến nông trong thời gian qua, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) khẳng định, vai trò của TTKNQG là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hệ thống chính sách và khung pháp lý chưa được hoàn thiện. 

Hiện nay, phần tham gia của phía công chủ yếu thông qua hệ thống khuyến nông để phối hợp triển khai các chương trình phát triển có tính bao trùm và bền vững; chia sẻ lợi ích, trách nghiệm với người nông dân; kết nối hàng nông sản Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây “đại lộ” cho hợp tác công-tư lĩnh vực khuyến nông - Ảnh 4.

Ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa đại diện TTKNQG và UN Women. (Ảnh: PL)

 Ông Hoàng Văn Tú - đại diện Tổ chức Nông - Lương của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: "Hiện nay, doanh nghiệp là các tác nhân chủ động tham gia vào công tác khuyến nông và sử dụng các dịch vụ của khuyến nông. Hợp tác công tư lần này đánh dấu sự chuyển giao vai trò của khuyến nông nhà nước từ đơn vị cung cấp, dẫn dắt trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ, phục vụ cho nông dân và doanh nghiệp".

Theo TS.Lê Quốc Thanh, trong tình hình mới, sự chuyển đổi là cần thiết đối với hoạt động khuyến nông nhằm hướng đến tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. 

"Nhà nước đầu tư cho hệ thống khuyến nông với trên 30.000 nhân lực nhưng hiện nay đang hoạt động dưới công suất. Trong khi đó, nhu cầu của các doanh nghiệp, của các tổ chức cá nhân đang rất lớn. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp hãy tham gia để khai thác hết công suất của hệ thống này" - ông Thanh nhấn mạnh. 

Diễn giải về bản dự thảo nguyên tắc hợp tác, TS Nguyễn Viết Khoa nhận định, các đối tác, doanh nghiệp khi tham gia hợp tác PPP chỉ cần tuân thủ các "nguyên tắc mềm". Trong đó, TTKNQG sẽ đóng vai trò là đơn vị điều phối hài hòa nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem