Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh: Biến rơm thành tiền, thay vì đốt lãng phí

Anh Thơ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 12/06/2020 09:41 AM (GMT+7)
Phóng viên Báo Dân Việt đã trao đổi với TS Lê Quốc Thanh– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) về việc sử dụng thay vì đốt bỏ rơm rạ.
Bình luận 0

Hiện nay, có một tình trạng là rơm rạ sau thu hoạch lúa được bà con nông dân (chủ yếu ở miền Bắc) đem đi đốt, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, trong khi ở miền Trung, miền Nam, rơm rạ đã thành hàng hóa. Tại sao có sự trái ngược như vậy, thưa ông?

- Thực tế, quy mô sản xuất của người dân miền Bắc nhỏ lẻ, trước đây bà con còn sử dụng rơm rạ làm chất đốt, thức ăn chăn nuôi, bây giờ chăn nuôi quy mô nông hộ còn ít, người dân có nhiều lựa chọn thay thế làm chất đốt nên rơm rạ thường bỏ không. Nếu để trên đồng, rơm rạ không phân hủy kịp dẫn đến ngộ độc đất, ảnh hưởng đến canh tác vụ sau nên nhiều người lựa chọn phương pháp đốt để xử lý.

Còn trong miền Trung, miền Nam, do diện tích canh tác lớn nên 1ha rơm rạ người dân có thể thu nhập thêm 2,5 - 3 triệu đồng, vì vậy hiện tượng đốt rơm rạ cũng ít hơn. Người dân cũng đầu tư cả máy cuộn rơm rạ để thu gom một cách hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh: Biến rơm thành tiền, thay vì đốt lãng phí - Ảnh 1.

TS. Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã có nhiều mô hình, dự án hỗ trợ nông dân xử lý, tái sử dụng rơm rạ sau thu hoạch. Ông có thể cho biết một vài mô hình, dự án tiêu biểu?

- Với nhiệm vụ là đơn vị chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và khuyến nông các địa phương đã triển khai nhiều mô hình, dự án tái sử dụng rơm rạ, tránh tình trạng đốt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Ví dụ, việc ứng dụng các chế phẩm sinh học xử lý giúp rơm rạ phân hủy nhanh, tại chỗ, góp phần làm tăng chất hữu cơ cho đất. Một vài năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng triển khai dự án ứng dụng máy cuộn rơm rạ để thu gom rơm rạ làm thức ăn cho gia súc, làm nấm, vật liệu lót hay nghiền ra làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên - Huế thực hiện mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm. Loại máy cuốn rơm có công suất cuốn 80-120 cuộn/giờ, cuộn rơm có đường kính 50cm và dài 70cm. Máy cuốn rơm hoạt động có hiệu quả và phù hợp với đồng ruộng và điều kiện canh tác tại địa phường. Trong vụ hè thu 2019 máy đã vận hành thu gom 4.000 cuộn rơm, giá thành 1 cuộn rơm thu gom bằng máy khoảng 9.300 đồng, tương ứng 1 tấn rơm có giá thành 500.000 đồng.

Tôi nghĩ, bà con nông dân, hợp tác xã ở mỗi vùng nên liên kết, đầu tư mua máy cuộn rơm và hoạt động dịch vụ thì hiệu quả mang lại về mặt kinh tế và môi trường rất lớn.

Biến rơm rạ thành… tài nguyên quý - Ảnh 1.

Nông dân Khánh Hòa trồng nấm rơm từ nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa. ảnh: Văn Minh

Nếu lựa chọn một mô hình tái sử dụng rơm rạ hiệu quả và bền vững thì ông sẽ lựa chọn mô hình nào?

- Để đảm đảm bảo mô hình kinh tế tuần hoàn, trồng nấm rơm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo về mặt môi trường hơn cả. Nấm là một thực phẩm an toàn, vô cùng tốt cho sức khỏe con người, rơm sau khi làm nấm có thể thành phân bón. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình trồng nấm, cần có sự đầu tư về công nghệ cũng như tính toán về đầu ra.

Việt Nam đã sản xuất được khoảng 16 loại nấm. Trong đó, các tỉnh phía Nam chủ yếu trồng nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm bào ngư; các tỉnh phía Bắc trồng nấm hương, nấm sò, nấm linh chi... với tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 250.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 - 30 triệu USD (không tính xuất khẩu tiểu ngạch).

Là nước có điều kiện khí hậu thuận lợi và đặc biệt là nguồn phế phẩm trong nông, lâm nghiệp như rơm rạ, trấu, mùn cưa, bã mía, thân cây gỗ… rất lớn (ước tính khoảng 40 triệu tấn), Việt Nam hoàn toàn có thể thu về những giá trị to lớn từ việc trồng nấm. Theo ước tính, chỉ cần sử dụng từ 10 - 15% lượng nguyên liệu sẵn có, Việt Nam đã có thể sản xuất đến 1 triệu tấn nấm/năm.

Xin cảm ơn ông!

"Hay như mô hình trồng nấm rơm, hiện nhiều nơi ở ĐBSCL ứng dụng rất hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Ví dụ, năm 2019 Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình trồng nấm rơm trên rơm rạ tại 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành, với quy mô 20 tấn nguyên liệu, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường. Kết quả thu hái nấm rơm bước đầu cho thấy, mỗi tấn nguyên liệu trồng nấm thu hái được 168 - 173kg nấm rơm tươi, năng suất đạt 7-8%. Với tổng chi phí cho 2 tấn rơm hết 5 triệu đồng (kể cả tiền công và điện nước), giá thị trường cho mỗi kg nấm là 80.000 đồng/kg, trừ đi chi phí thì mỗi hộ có lợi nhuận từ 10 - 12 triệu đồng cho 2 tấn nguyên liệu làm nấm rơm".

(TS. Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem