Xây đại sứ quán Mỹ, Việt Nam hưởng gần 3 nghìn tỷ tiền thuê đất

Theo Thiên Lý Chủ nhật, ngày 14/11/2021 13:21 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong những khoản thu đột biến trong năm nay là số tiền gần 3.000 tỷ đồng Mỹ trả để thuê đất xây đại sứ quán mới.
Bình luận 0

3.000 tỷ tiền thuê đất xây đại sứ quán Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin năm nay thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng thu nội địa vẫn tăng lên.

Ông cho biết năm nay, ngân sách đã thu tăng lên 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước, như truy thu thuế nhà thầu của Formosa được 2.257 tỷ, xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ, thu ngân sách đối với các khoản khác là 2.500 tỷ. Đặc biệt phát sinh đột biến là 2.997 tỷ tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ.

img

Ngân sách phát sinh đột biến là 2.997 tỷ tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ.

Như vậy, Bộ trưởng cho rằng nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2021 có thể nói là đã hoàn thành. Bội chi cũng đảm bảo quy định 4% của Quốc hội.

Một số khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là tăng lên 22.800 tỷ đồng như chứng khoán, bất động sản, khối tài chính, ngân hàng và hoạt động sáp nhập, chuyển nhượng vốn và các hoạt động lắp ráp xe ôtô. Thu dầu thô cũng tăng lên 12.000 tỷ. Thu xuất, nhập khẩu tăng lên 10.500 tỷ.

Kết dư các quỹ BHXH đạt gần 1 triệu tỷ

Tại hội trường Quốc hội chiều 10/11, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, chính phủ đã sử dụng một số kết dư và giảm một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn cho người lao động, người sử dụng lao động. Cụ thể, chính phủ đã giảm quỹ về nghề nghiệp, tai nạn lao động từ đóng 1% xuống còn 0,5% cho người sử dụng lao động, để lấy tiền đó hỗ trợ người lao động với khoảng 5.000 tỷ đồng.

img

Kết dư các quỹ BHXH đạt gần 1 triệu tỷ đồng.

Chính phủ cũng đã quyết định trích ra 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Tổng cộng, chính phủ đã sử dụng khoảng trên 50.000 tỷ từ các quỹ bảo hiểm ngắn hạn để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Hiện nay, quỹ còn xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Nhưng trong số này, gần 900.000 tỷ của quỹ hưu trí tử tuất, mà quỹ này là dài hạn. Quỹ này một năm phải chi hơn 200.000 tỷ tiền lương cho người nghỉ hưu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết các quỹ bảo hiểm xã hội của chúng ta phát triển tương đối lành mạnh, vừa đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định của bảo hiểm, vừa kết dư tương đối bền vững.

Nghiên cứu đưa kit test Covid-19 vào diện bình ổn giá

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Nghị định số 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế thì Bộ Y tế là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về giá dịch vụ y tế, giá thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19, một số hàng hóa như chất sát khuẩn, khử khuẩn, khẩu trang... phục vụ phòng chống dịch bệnh có hiện tượng tăng giá mạnh do nguồn cung thiếu hụt. Tuy nhiên, đến nay, do nguồn cung trong nước dồi dào và sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ và triển khai của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nên mặc dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng giá các mặt hàng này cơ bản được kiểm soát.

Thời gian vừa qua có hiện tượng có nhiều mức giá test/kit xét nghiệm với dải giá rộng, ảnh hưởng đến chi phí xét nghiệm của người dân, doanh nghiệp.

Theo kiến nghị của Bộ Y tế về việc rà soát vướng mắc thực hiện quy định của pháp luật hiện hành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hiện Bộ Tài chính đang đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật giá, trong đó, nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế về danh mục mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế cụ thể đưa vào bình ổn giá.

Vay ưu đãi 70 triệu euro cho dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

EVN và AFD vừa ký thỏa ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu euro cho dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Thỏa ước tín dụng này tương đương 1.900 tỷ đồng và chiếm khoảng 20% tổng mức vốn đầu tư của dự án.

Dự án nhà máy thủy điện Hoà Bình mở rộng đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định đầu tư; EVN đã giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480 MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% nguồn vốn tự có và 70% vốn vay thương mại, trong đó vay nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ là 70 triệu euro từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Số còn lại vay từ ngân hàng thương mại trong nước.

Phấn đấu quý I/2022 khởi công ga hành khách số 2 sân bay Cát Bi

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương triển khai đầu tư Dự án Nhà ga hành khách số 2 tại sân bay Cát Bi. Phó Thủ tướng yêu cầu phê duyệt dự án trong tháng 12, khởi công trong quý I/2022. Dự án dự kiến được hoàn thành đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công như cam kết. 

Thông báo nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu chung phát triển của ngành hàng không. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và ACV để thống nhất về phương án quy hoạch sân bay Cát Bi trong tháng 11, làm cơ sở triển khai dự án theo quy định.

Bên cạnh đó,  UBND TP Hải Phòng phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và ACV để bàn giao mặt bằng và tổ chức triển khai dự án.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem