Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở TP.HCM: Nông dân được "cởi trói"
Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở TP.HCM: Nông dân được "cởi trói"
Quang Sung
Thứ ba, ngày 03/12/2024 06:22 AM (GMT+7)
Sau 4 năm, TP.HCM lại tiếp tục tháo gỡ quy định về việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp bằng một quyết định mới. Nhiều nông dân kỳ vọng quyết định này sẽ tạo cơ hội sản xuất tốt hơn.
Ra quyết định sớm để giải quyết vấn đề xây dựng công trình trên đất nông nghiệp
Tại Hội nghị lãnh đạo Thành phố đối thoại với nông dân gần đây nhất, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá việc không xây dựng được công trình phụ trên đất nông nghiệp gây nhiều khó khăn cho sự phát triển nông nghiệp Thành phố.
Chính vì thế, ngay sau thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, UBND TP.HCM đã nhanh chóng bắt tay vào tháo điểm nghẽn này. Đến giữa tháng 10/2024, Phó chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường đã ký ban hành Quyết định quy định về sử dụng một diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Theo quyết định này, người dân được phép sử dụng một phần đất nông nghiệp xây dựng công trình phục vụ sản xuất (trừ đất trồng lúa). Tuy nhiên, phải đảm bảo thửa đất nông nghiệp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất.
Diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng từ 500m2 trở lên; tỷ lệ diện tích đất để xây dựng công trình tối đa 1% so với tổng diện tích và không vượt quá 50m2.
Công trình chỉ được xây 1 tầng, chiều cao đỉnh mái tối đa 5m, không có tầng hầm. Về kết cấu, công trình phải có kết cấu bán kiên cố (tường gạch hoặc tường vật liệu nhẹ; cột gạch hoặc cột thép, cột sắt; mái vật liệu nhẹ).
Như vậy, sau 3 năm “đứng hình”, đến nay TP.HCM đã có quy định cụ thể về việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp kèm theo các điều kiện. Đây là nỗ lực nhanh và kịp thời đáp ứng nhu cầu của rất nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp… trên địa bàn.
Nông nghiệp khởi sắc sau quyết định cho xây dựng công trình trên đất nông nghiệp
Ông Phạm Thành Lộc (huyện Củ Chi, TP.HCM) là một trong 63 nông dân trên cả nước được tuyên dương Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024. Ông Lộc làm nông nghiệp công nghệ cao nên có nhiều máy móc mắc tiền, nhưng khi sử dụng xong thì không có kho chứa, dễ mất cắp.
“Với quy định mới này, tôi có thể xây dựng các kho chứa vật tư. Như vậy, sẽ vừa bảo đảm được công cụ sản xuất, kéo dài thời gian sử dụng, đặc biệt là đối với các máy sản xuất nông nghiệp đô thị, có hàm lượng kỹ thuật cao”, ông Lộc nhận định.
Trong khi đó, ông Ma Văn Khánh - Giám đốc HTX rau sạch GAP (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp giúp ông mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.
“Trước kia người làm nông không dám mạnh dạn đầu tư nông nghiệp theo chiều sâu, chỉ làm tạm bợ, khách hàng cũng không mấy tin tưởng. Mình sản xuất xong không có chỗ sơ chế, bảo quản, chính vì vậy không thể tiếp cận trực tiếp được với khách hàng. Đồng thời công tác bảo quản giống, vật tư cũng như trang thiết bị phục vụ cho cánh đồng rất khó khăn”, ông Khánh nêu.
Ông Khánh kỳ vọng với quy định mới này, người nông dân sẽ chủ động hơn trong việc canh tác đồng ruộng, mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Công tác bảo quản từ sản xuất đến chuỗi cung ứng thuận tiện hơn, làm tăng giá trị nông sản.
Không chỉ nông nghiệp, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp còn ảnh hưởng tới hoạt động du lịch nông thôn, vì phần lớn mô hình này phát triển trên đất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TP.HCM) đánh giá, việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là rất cần thiết cho nông dân.
HTX của bà Tuyết đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các nhà, các khu vườn và ruộng muối… Để có thể làm du lịch tốt hơn thì cần thiết phải được xây dựng một số công trình như: nhà vệ sinh, chòi nghỉ mát, kho chứa muối…
Ngoài du lịch, việc cho xây dựng công trình trên đất nông nghiệp còn giúp nhiều cho người làm muối tại đây. Vừa làm du lịch, nhưng cũng vừa là người làm muối tại ấp đảo Thiềng Liềng, nên bà Tuyết rất hiểu.
“Tại ấp đảo Thiềng Liềng là vùng làm muối và giáp biển, hơi nước mặn khiến nhiều công cụ lao động dễ hư hỏng. Người dân ở đây phải chịu cảnh sản xuất một nơi mà công cụ lại bảo quản ở một nơi. Nếu được xây dựng kho để bảo quản công cụ sẽ giúp bà con đỡ vất vả, máy móc cũng được bảo quản tốt hơn”, bà Tuyết nói.
Hầu hết, nông dân TP.HCM đều tỏ ra đồng tình với quy định của TP.HCM về việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Họ bắt đầu nhen nhóm lại những kỳ vọng trước đây, định hướng sản xuất cũng rõ ràng hơn khi điểm nghẽn dần được tháo gỡ.
Tuy nhiên, do quyết định mới ban hành nên chưa thật sự đi vào đời sống. Nhiều nông dân còn lúng túng về thủ tục, quy trình để được cấp phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.
Còn tiếp: Chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.