Xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô: Tiến độ khởi công có nguy bị cơ ảnh hưởng bởi điều gì?

Bách Thuận Thứ ba, ngày 07/03/2023 15:47 PM (GMT+7)
Ban Chỉ đạo Dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội vừa tiến hành họp, nghe báo cáo tiến độ triển khai và những khó khăn, vướng mắc, giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bình luận 0

Dự án thành phần bị chậm có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ khởi công

Ngày 7/3, Ban Chỉ đạo Dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội vừa tiến hành họp để thảo luận các vấn đề liên quan.

Theo báo cáo, Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh: TP.Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh (đoạn ở địa bàn TP.Hà Nội 58,2km; đoạn ở Hưng Yên 19,3km; đoạn ở Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km. Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long).

Tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Đến nay TP.Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận TP.Hà Nội với tổng mức đầu tư khoảng 13.370 tỷ đồng; dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP.Hà Nội với tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách TP.

Xây dựng đường Vành đai 4: Một số dự án thành phần bị chậm tiến độ - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa trao đổi tại cuộc họp về những vấn đề liên quan đến dự án. Ảnh: Thanh Hải/KTĐT

Các dự án thành phần 1.2, 1.3, 2.2, 2.3 do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đang tổ chức thẩm định, tiến độ bị chậm theo tiến độ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 (phê duyệt các dự án thành phần trong tháng 1/2023), có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án trong tháng 6/2023.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Hà Nội đã di chuyển gần 49% ngôi mộ, phê duyệt và thu hồi đất đạt gần 35%; tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn gần 2,5 nghìn tỷ đồng.

Tại Hưng Yên, trong công tác giải phóng mặt bằng, tổng kinh phí thực hiện khoảng gần 6 nghìn tỷ đồng,  vượt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua trên địa phận Hưng Yên.

Tại Bắc Ninh, tổng diện tích đất bị thu hồi khoảng 389ha; số mộ bị ảnh hưởng 3.189 mộ. Hiện tại, tỉnh này chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Nhiệm vụ thời gian tới, TP.Hà Nội sẽ đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt Dự án thành phần 1.2 và Dự án thành phần 1.3. Các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên khẩn trương đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần để kịp thông qua kỳ họp HĐND tỉnh bố trí vốn, đảm bảo để khởi công dự án trong tháng 6/2023…

Giải phóng mặt bằng sớm để người dân ổn định

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trong thời gian qua Ban Chỉ đạo các địa phương đã quyết liệt và nhận được sự đồng hành của nhân dân các địa phương trong quá trình triển khai.

Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên đánh giá, các vướng mắc cũng không nhỏ bởi các mốc thực hiện chậm là đánh giá tác động môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động.

Điều này kéo theo hệ lụy về pháp lý trong giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư. Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên kiến nghị cần được xem xét khách quan nhằm đáp ứng tiến độ triển khai, đặc biệt là mốc 30/6 cần giải phóng được 70% mặt bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, tỉnh đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, thống nhất trong nhận thức để triển khai.

Xây dựng đường Vành đai 4: Một số dự án thành phần bị chậm tiến độ - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, với dự án trọng điểm như dự án xây dựng đường Vành đai 4, việc giải phóng mặt bằng là một việc rất quan trọng, cần thúc đẩy thực hiện sớm để ổn định cho người dân. Ảnh: Thanh Hải/KTĐT

Tuy nhiên, Bắc Ninh đề nghị Ban Chỉ đạo cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể từng công việc, mốc thời gian cụ thể để từ các cuộc họp sẽ kiểm điểm được từng mốc thời gian làm được những việc gì, trách nhiệm cụ thể, trong đó phải thể hiện sự quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án Vành đai 4 dứt khoát phải khởi công ngày 30/6. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cũng đưa ra cam kết về bảo đảm đến 30/6 sẽ bàn giao mặt bằng.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tiến độ Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô không chỉ được ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội, mà còn trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ cho thấy sự chỉ đạo đồng bộ và quyết tâm chính trị cao của Trung ương cũng như 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, với dự án trọng điểm như Vành đai 4, công tác giải phóng mặt bằng dự án rất quan trọng. "Làm sớm được ngày nào thì người dân có điều kiện sớm ổn định cuộc sống ngày đó" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị các cấp, các ngành của 3 địa phương tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng tiến độ bàn giao như dự kiến.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét có ý kiến sớm đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo. Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo sẽ có văn kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, đề xuất ra nghị quyết của Chính phủ đối với 9 nội dung kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem