Xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Khương Lực Thứ sáu, ngày 02/07/2021 13:55 PM (GMT+7)
Sáng 2/7, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) phối hợp với FAO, Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức đối thoại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề: "Quan hệ hợp tác trong sản xuất và thương mại hướng tới xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững".
Bình luận 0

Sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện đối thoại cấp quốc gia và cấp vùng, đối thoại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề: "Quan hệ hợp tác trong sản xuất và thương mại hướng tới xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững", với hơn 100 đại biểu của 13 tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Đây là một trong những hoạt động để Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên Hợp quốc diễn ra vào tháng 9 năm 2021.

Xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững - Ảnh 1.

Sáng 2/7, đối thoại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề: "Quan hệ hợp tác trong sản xuất và thương mại hướng tới xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững" có hơn 100 đại biểu của 13 tỉnh thành thuộc khu vực ĐBSCL tham dự trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: Khương Lực).

Mục đích của đối thoại là tạo điều kiện cho các bên liên quan chia sẻ và đóng góp ý kiến về thực trạng, phương hướng, giải pháp và sáng kiến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong hệ thống lương thực thực phẩm. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và bao trùm của ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Thuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng, việc xuất hiện mô hình hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có thể xem là đòn bẩy, là giải pháp căn cơ làm tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững nền nông nghiệp.

Các mô hình HTX liên kết với các doanh nghiệp, các đối tác để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đã hình thành ở một số ngành hàng chủ lực của địa phương như: ngành hàng tôm, cua, lúa... 

Cụ thể, đến nay tỉnh Cà Mau có 4 công ty chế biến xuất khẩu thủy sản thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng 17.910,71 ha chiếm 6,28% diện tích (được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP, Seafood Watch...). 

Ngành hàng gỗ có 2 Công ty liên kết với diện tích 270 ha, sản lượng 27.000m2 gỗ nguyên liệu... Ngành hàng cua đã đăng ký thương hiệu và thực hiện liên kết với các tỉnh, thành phố khác mở 10 đại lý cung ứng sản phẩm, liên kết với 1 doanh nghiệp nước ngoài từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngành hàng lúa có 30 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 10.953 ha, chủ yếu là lúa an toàn chất lượng cao và lúa hữu cơ. Riêng đối với mô hình lúa - tôm hữu cơ, tỉnh Cà Mau đã kết nối 4 Công ty với 6 HTX thực hiện 700 ha sản xuất lúa tôm hữu cơ. 

Điển hình như Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương - An Giang từ năm 2015 bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu lúa tôm sinh thái trên địa bàn xã Trí Lực, huyện Thới Bình với quy mô ban đầu 50 ha. 

Đến nay, Công ty xây dựng được trên 1.500 ha vùng nguyên liệu lúa tôm sinh thái, sản lượng khoảng 5.000 - 6.000 tấn lúa hàng hóa với các giống lúa thơm đặc sản có giá trị kinh tế cao (ST20, ST24, ST25…)

Xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững - Ảnh 3.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Khương Lực.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá, ĐBSCL là một trong những vùng sản xuất, chế biến và cung ứng lương thực, thực phẩm chiến lược của các nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong những năm gần đây, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thiên tai, khai thác cạn kiệt tài nguyên đất, nước và hệ sinh thái. Cùng với đó là sự thiếu gắn kết trong sản xuất, thương mại, kể cả quan hệ quốc tế trong quản lý lưu vực.

Ông Ngyễn Song Hà - Trợ lý Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) cho rằng, hệ thống lương thực thực phẩm là trụ cột trong chương trình chiến lược của FAO trong giai đoạn 5 năm tới. 

"Những nỗ lực của FAO sẽ hướng tới hỗ trợ các quốc gia thành viên đạt được các mục tiêu: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn" - ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, FAO sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong những năm tới thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu xây dựng một hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và bao trùm.

Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của Liên Hợp quốc nhằm định hướng cho hệ thống lương thực thực phẩm được phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn, tạo ra tác động đa chiều để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030.

Hôi nghị tập trung vào 5 mục tiêu hành động, bao gồm: Đảm bảo quyền tiếp cận lương thực thực phẩm an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho mọi người; chuyển đổi xu thế tiêu dùng theo hướng lành mạnh và bền vững, thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường, tăng cường bình đẳng trong chia sẻ giá trị và sinh kế, xây dựng khả năng chống chịu trước các tổn thương và cú sốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem