Hơn 56% người tiêu dùng chọn thực phẩm có thông tin minh bạch

Quốc Hải Thứ năm, ngày 15/04/2021 18:58 PM (GMT+7)
Khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho thấy, hiện có hơn 56% người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch của các sản phẩm thực phẩm sử dụng, đó là minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm…
Bình luận 0
Hơn 56% người tiêu dùng chọn thực phẩm có thông tin minh bạch - Ảnh 1.

Người tiêu dùng có xu hướng chọn thực phẩm minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ...

Theo AFT, nhiều ý kiến của người tiêu dùng trong các cuộc khảo sát đều mong muốn hàng Việt cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm để đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới áp dụng các phương án truy xuất hiện đại, các loại bao bì cần đa dạng, thân thiện với môi trường… 

Có như vậy, hàng Việt mới không bị "quay lưng" ở trên sân nhà, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu, rộng.

Người tiêu dùng chuộng sản phẩm có thông tin minh bạch

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường như hiện nay, nhiều người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm Việt cần minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm, hàm lượng dưỡng chất...

Chị Nguyễn Thị Mai (Q.5, TP.HCM) chia sẻ, trong thời gian qua, một số mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất còn thể hiện thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng có phần mập mờ, gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Đơn cử, theo chị Mai, ở một số mặt hàng thực phẩm đóng gói, đặc sản địa phương, nhà sản xuất ghi hạn sử dụng khoảng 1 tháng so với ngày sản xuất nhưng lại mập mờ ngày sản xuất, thậm chí còn để trống thông tin này. Điều này khiến cho người tiêu dùng khó biết được hạn sử dụng của sản phẩm thực sự là đến ngày nào.

Chị Thúy Quỳnh (huyện Bình Chánh) cũng dẫn chứng, một số loại trái cây, rau củ trong nước được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện ích, thậm chí là siêu thị cũng chưa được dán tem, nhãn về thông tin nguồn gốc xuất xứ, thể hiện các tiêu chuẩn an toàn.

"Bình thường, muốn mua các loại trái cây mình thích, tôi thường mua theo cảm tính, chủ yếu theo giới thiệu của người bán hoặc mua tại các "mối" quen trên mạng xã hội...", chị Quỳnh bộc bạch.

Hơn 56% người tiêu dùng chọn thực phẩm có thông tin minh bạch - Ảnh 2.

Nông sản cần hướng tới hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua mã vạch...

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Công ty CP Doanh nghiệp Xã hội Food Share, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho hay: Sản phẩm Việt hiện nay đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập cùng loại khi thị trường ngày càng mở cửa.

 Vì thế, doanh nghiệp sản xuất trong nước cần chủ động minh bạch các thông tin sản phẩm, nhất là các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, ngày sản xuất - ngày hết hạn, thông tin các tiêu chí an toàn… để người tiêu dùng có thêm cơ sở để tham khảo, lựa chọn và tin dùng sản phẩm Việt nhiều hơn.

Mỗi năm, thống kê của AFT cho thấy, có trên 3.000 tấn nông sản cần được giải cứu. Có thể thấy, vấn đề giải cứu nông sản là một vấn đề gây nhức nhối thời gian qua nhưng rõ ràng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn mà thôi. Về lâu dài, cần phải làm sao để người nông dân hiểu sản phẩm họ làm ra không tiêu thụ được không phải nằm ở vấn đề chưa đạt chuẩn chất lượng mà còn phụ thuộc nhiều về vấn đề làm thương hiệu, chính sách…

"Đặc biệt, các nhà sản xuất các loại thực phẩm, nông sản cần hướng tới hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua mã vạch để người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã sản phẩm để kiểm tra nguồn gốc, quy trình sản xuất của sản phẩm…" - ông Khởi nhấn mạnh.

Trước mắt, 100% doanh nghiệp hội viên sẽ minh bạch thông tin thông qua số hóa

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - cho biết: Từ khi thành lập năm 2017 đến nay, AFT đã tổ chức nhiều phiên chợ thực phẩm minh bạch, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn và hữu cơ phát triển các dòng sản phẩm an toàn, hữu cơ,…

Hơn 56% người tiêu dùng chọn thực phẩm có thông tin minh bạch - Ảnh 4.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch: 'Sản xuất thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ, tiến tới sản xuất và tiêu dùng xanh và kinh tế tuần hoàn'

"Nhờ sự công khai minh bạch thông tin, tạo lòng tin đối với khách hàng, qua đó các hội viên của hiệp hội đã phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Phải biết rằng, đại dịch Covid 19 và biến đổi khí hậu toàn cầu đặt ra thách thức mới cho tất cả quốc gia và cho mỗi chúng ta, cần phải thay đổi. 

Và, AFT xác định định hướng phát triển 'sản xuất thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ, tiến tới sản xuất và tiêu dùng xanh và kinh tế tuần hoàn' là con đường phát triển và là mục đích của các thành viên AFT hướng tới" - bà Minh nói.

Cũng theo bà Minh, bước vào nhiệm kỳ II (2021-2025), Hiệp Hội Thực phẩm minh bạch sẽ triển khai thực hiện chuyển đổi số hóa chuỗi sản xuất, tiến tới mục tiêu 100% doanh nghiệp hội viên minh bạch thông tin thông qua số hóa, để đáp ứng nhu cầu thông tin cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch thì thông tin thêm, trong tháng 5 tới AFT sẽ bắt đầu triển khai dự án "Hỗ trợ Nông dân hướng đến sản xuất thực phẩm minh bạch". 

Mục đích của đề án tạo ra chuỗi sự kiện, chương trình hỗ trợ, đào tạo nông dân hướng đến sản xuất minh bạch trong 13 tỉnh, thành khu vực miền Tây – Tây Nguyên, với tiêu chí minh bạch từ vùng trồng, sản xuất đến sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Đại hội Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch (AFT) nhiệm kỳ II (2021 - 2026) đã thống nhất tín nhiệm cao bầu TS Nguyễn Thị Hồng Minh tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Hiệp Hội, 3 Phó chủ tịch là Tiến sĩ Trần Thị Dung, ông Nguyễn Văn Thứ - CEO Công ty CP GC Food, và ông Nguyễn Tuấn Khởi - Chủ tịch Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Food Share.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem