Sáng 30/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì Hội nghị “Xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân (người ngồi giữa) đang trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: HV
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, tổng số công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên toàn thành phố là 2.573/3503 trường hợp (chiếm 73,5%). Trong đó, mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với năm 2018; Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 1.156 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành 185 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính).
Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là do tốc độ đô thị hóa nhanh, số vụ vi phạm trật tự xây dựng tại một số quận ven và huyện ngoại thành diễn biến phức tạp; tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao, làm phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp.
Lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn thành phố rất lớn. Xuất hiện một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp để kinh doanh. Hoặc phân chia một căn nhà thành nhiều căn nhỏ và thực hiện mua bán dưới hình thức vi bằng dẫn đến tình hình xây dựng trên địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không có hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng… gây mất an ninh trật tự trên địa bàn...
Nguyên nhân chủ quan là do ở cấp thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch và chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư (quy mô mỗi năm khoảng 200.000 người). Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng ở nhiều nơi chưa đúng mức, chưa nhận trách nhiệm trước nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng và tiêu cực ở địa phương. Sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng vừa chồng chéo vừa sơ hở, thiếu hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự xây dựng còn yếu và kém hiệu quả.
Một dự án lớn tại Thủ Thiêm bị xử phạt hành chính khi chưa có giấy phép xây dựng. Ảnh: TL
Theo Ủy Ban kiểm tra Thành uỷ, việc vi phạm xây dựng nổi lên nhiều điểm nóng, trong đó kể đến là Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức…
Qua các nguồn thông tin, Tổ công tác 1374 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã khảo sát, nắm tình hình và tham mưu, đề xuất Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 5 tổ chức đảng và 6 đảng viên (tại Đảng bộ quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh) trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng.
Qua kiểm tra, còn có tổ chức đảng và nhiều đảng viên, công chức có vi phạm, có nhiều trường hợp vi phạm phải đến mức thi hành kỷ luật, gồm: 7 tổ chức đảng (Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh; Ban Thường vụ Huyện ủy Nhà Bè; Đảng ủy xã Vĩnh Lộc A, Đảng ủy xã Vĩnh Lộc B, Đảng ủy bộ phận Phòng Quản lý đô thị, Đảng Ủy Đội Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh) và 3 đảng viên thuộc Đảng bộ quận Thủ Đức; 5 đảng viên thuộc Đảng bộ huyện Bình Chánh.
Tại Đảng bộ quận Thủ Đức, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong đảng đối với 1 đồng chí, cảnh cáo đối với 2 đồng chí; Đảng bộ Quận Thủ Đức thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong đảng đối với 3 đồng chí, cảnh cáo 9 đồng chí, khiển trách 3 đồng chí và phê bình rút kinh nghiệm đối với 5 tổ chức đảng.
Theo Ban Nội chính Thành ủy, tham nhũng hiện diện trong tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng cũng không ngoại lệ. Thậm chí, lĩnh vực này hiện nay được xem là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhất hiện nay.
So với các lĩnh vực khác, tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng có khuynh hướng mang tính “thụ động” nhiều hơn, nghĩa là phát hiện hành vi vi phạm nhưng không xử lý hoặc che dấu, không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Hành vi tiêu cực, tham nhũng không chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan của cán bộ quản lý trật tự xây dựng, mà còn xuất phát từ phía chủ công trình hoặc nhà thầu thi công. Ngoài ra, một số trường hợp xây dựng có giấy phép, đúng giấy phép, nhưng khi cán bộ quản lý trật tự xây dựng đến kiểm tra vẫn chủ động “bồi dưỡng” một vài triệu, với tâm lý bồi dưỡng cho xong, để không bị kiểm tra, làm phiền trong quá trình xây dựng. Thậm chí, một số chủ thầu xây dựng, xem như đây là khoảng chi phí “bắt buộc phải có”, cứ thấy cán bộ quản lý trật tự xây dựng xuất hiện là đưa “bồi dưỡng” và tính chi phí này vào giá xây dựng với khách hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.