Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm quan hội chợ OCOP
Cách đây 3 năm, sản phẩm Trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh - loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao, nhưng chỉ được sản xuất nhỏ lẻ, ít được khách hàng trong nước biết đến. Nhờ tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm Trà hoa vàng đã có thương hiệu riêng với giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp địa phương tham gia trồng và sản xuất Trà hoa vàng thu lợi hàng tỉ đồng/năm. Ông Nịnh Văn Trắng - Giám đốc Công ty Lâm Sản Đạp Thanh nói: “Xuất phát từ nông dân nên chỉ biết trồng cây Trà hoa vàng. Đến hôm nay, cây trà Hoa vàng này đã đem lại thu nhập cao cho gia đình. Hoa bán ra cũng được 14-15 triệu/cân; lá thì được 300 nghìn/cân”.
Không chỉ ở huyện Ba Chẽ, mà hàng trăm doanh nghiệp ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng nhận được những hỗ trợ về vốn, khoa học – kỹ thuật từ Chương trình. Ông Nguyễn Như Lân - Giám đốc Công ty CP Nấm Thịnh Phát, huyện Hoành Bồ chia sẻ: “Trước khi tham gia OCOP, Công ty chủ yếu sản xuất gỗ dăm mảnh. Sau khi được phân tích về việc có thể tận dụng dăm gỗ để sản xuất nấm và được huyện hỗ trợ cho vay ưu đãi gần 2 tỉ đồng, Công ty đã quyết định sản xuất các sản phẩm sạch từ nấm. Chỉ 2 năm sau, doanh thu từ sản xuất nấm mỗi năm đạt hơn 1 tỉ đồng”.
Còn với những người nông dân như chị Triệu Thị Mai, công nhân lao động tại Công ty CP Nấm Thịnh Phát, Chương trình OCOP đã mang lại cho những người nông dân như chị việc làm và thu nhập ổn định. Chị Mai cho biết: “Về với Công ty, chúng tôi có thêm việc làm, hàng tháng có thêm tiền để lo cuộc sống gia đình. Trước đây làm ruộng thì không có tiền nhiều, lên rừng thì cũng vất vả lắm. Các sản phẩm nấm sạch của Công ty có thương hiệu nên tiêu thụ rất tốt. Nhờ vậy mà công việc của công nhân ổn định”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham quan các gian hàng.
Thông qua Chương trình OCOP, Quảng Ninh đã phát triển được 198 sản phẩm, trong đó có 121 sản phẩm được xếp hạng của 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia đã và đang tạo dựng được thương hiệu và chiếm lĩnh được thị trường, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp địa phương.
Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, trưởng Ban điều hành chương trình OCOP, cho biết: “Xây dựng Chương trình này, chúng tôi chú trọng giáo dục nhận thức, rồi làm điểm một số mô hình, sau đó nhân rộng ra; hỗ trợ các điều kiện vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và khi có sản phẩm rồi sẽ giúp về tiêu thụ sản phẩm”.
Theo ông Hậu, tỉnh sẽ lựa chọn ít nhất 31 sản phẩm cấp huyện đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh để tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Dự kiến, có 12/31 sản phẩm đạt từ 4-5 sao sản phẩm cấp tỉnh và 6/12 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.
BOX: Sau 3 năm Quảng Ninh thực hiện Chương trình OCOP, ngành nông nghiệp đã đóng góp vào GDP địa phương gần 40%, doanh số bán sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất trong 3 năm qua đạt gần 700 tỉ đồng, cao gấp 7 lần thời điểm trước khi triển khai chương trình; cao hơn 3 lần so với mục tiêu đề án (đến hết 2016 đạt 200 tỉ đồng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.