Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái từ "lượng" sang "chất": Hành trình không có điểm kết thúc (Bài cuối)

Hoàng Hữu Thứ sáu, ngày 01/12/2023 16:07 PM (GMT+7)
Xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh Yên Bái xác định là chương trình phát triển tổng hợp, toàn diện, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Bình luận 0

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX và Đại hội đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XVI đã xác định mục tiêu xây dựng Văn Yên thành huyện NTM vào năm 2025. Huyện Văn Yên phấn đấu "về đích" NTM vào năm 2024.

Tuy nhiên, hiện nay 6 xã còn lại của huyện Văn Yên đều là các xã đặc biệt khó khăn (chỉ có Xuân Tầm xã vùng II), có diện tích lớn, điều kiện cơ sở vật chất còn thấp, nhiều tiêu chí chưa hoàn thành như: đường giao thông; điện lưới; trường học; nhà văn hóa, khu thể thao… Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân của một số xã hiện nay rất thấp so với mặt bằng chung của huyện. 

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa chủ động, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất; năng lực của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế, hiệu quả công việc chưa cao…

Còn tại huyện Yên Bình, địa phương cũng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2024, dù đã có 22/22 xã về đích NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,1% (theo tiêu chí mới) nhưng thực tế cho thấy, ở nhiều thôn, bản, nhất là khu vực ven hồ Thác Bà đời sống, thu nhập của người dân chưa đồng đều. Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: Các xã trong lộ trình xây dựng NTM đều có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tương đối cao như: xã Phúc An xã Yên Thành...

Bên cạnh đó, theo bộ tiêu chí mới thì hiện nay có một số tiêu chí của các xã đã về đích NTM lại chưa đạt. Điều này, đòi hỏi các địa phương cần thời gian, kinh phí để tiếp tục hoàn thành các tiêu chí trên".

Nếu như những giai đoạn trước, Chương trình xây dựng NTM chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất thì sang giai đoạn 2021-2025, Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung đặt ở mức độ cao hơn, sâu hơn, bền vững hơn… 

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM, 126 xã đạt chuẩn NTM, 60% số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM, 291 thôn NTM kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. 

Trong đó, dự kiến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu huyện Yên Bình về đích nông thôn mới. 

Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Từ "lượng" sang "chất"' Bài cuối: Hành trình không có điểm kết thúc - Ảnh 1.

Từ xây dựng NTM ở Yên Bái ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, từ đó nhà cửa được xây dựng khang trang kiên cố. Ảnh: PV.

Như vậy, lũy kế hết năm 2023, tỉnh sẽ có 105 xã nông thôn mới, đạt 116% mục tiêu Trung ương giao; 36 xã nâng cao, đạt 100% mục tiêu Trung ương; 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% mục tiêu Trung ương cùng 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, đạt 88,9% so với mục tiêu của Trung ương. 

Tuy nhiên, hiện nay trong số các xã còn lại thì có nhiều xã mới đạt 5-9 tiêu chí. Đây đều là những xã có điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực rất hạn chế; chưa khai thác, phát huy được các lợi thế về sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy thực hiện chương trình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số... 

Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn còn chậm; vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh chính trị và trậtt ự an toàn xã hội vẫn diễn biến phức tạp... đều là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với những địa phương này trong hành trình "về đích" NTM. 

Từ thực tế trên, xác định xây dựng NTM là hành trình dài, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, các địa phương trong tỉnh từ thôn, bản đến xã, huyện đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, huy động mọi nguồn lực để XDNTM theo hướng bền vững. Ghi nhận tại Văn Yên, hiện nay, huyện đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp gắn với tình hình thực tế của từng xã, từng thôn.

Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Khối lượng công việc cần thực hiện trong xây dựng NTM còn rất lớn, trong điều kiện nguồn lực đầu tư có xu hướng giảm, thời gian tới, huyện sẽ huy động, bố trí và thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác. Trong đó, huyện ưu tiên tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn theo lộ trình đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM".

Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Từ "lượng" sang "chất"' Bài cuối: Hành trình không có điểm kết thúc - Ảnh 2.

Xây dựng Nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Ảnh: PV.

Còn tại huyện Trấn Yên, địa phương đầu tiên ở khu vực Tây Bắc trở thành huyện NTM, những ngày này đang tập trung huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện để xây dựng các xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Trấn Yên đặt mục tiêu về đích huyện NTM nâng cao vào năm 2024, do đó, đã và đang xác định phải tiếp tục huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân, từ đó tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực để thực hiện các tiêu chí ở các địa phương. 

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn xây dựng NTM, thúc đẩy các phong trào thi đua sôi nổi trong xây dựng vườn mẫu, hộ gia đình kiểu mẫu, hoàn thiện hạ tầng NTM. Đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 114 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, nhất là để đưa chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng NTM", tạo sự lan toả lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo, phân công trách nhiệm của từng cấp và các sở, ban, ngành trong việc tổ chức thực hiện theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở; tiếp tục giữ vững và kiện toàn hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, đồng thời nghiên cứu đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả công tác tham mưu; tiếp tục củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Mục tiêu cao nhất mà Chương trình xây dựng NTM hướng đến là nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Vì thế, thời gian tới, ngành ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Trong đó, tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã theo Luật năm 2012; đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng, bản sắc nông thôn truyền thống".

Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Từ "lượng" sang "chất"' Bài cuối: Hành trình không có điểm kết thúc - Ảnh 3.

Người dân Yên Bái tích cực góp công, góp của đổ đường bê tông nông thôn góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PV.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái cũng sẽ tranh thủ tối đa nguồn lực của Trung ương, tăng cường lồng ghép đồng bộ, chặt chẽ nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương; tiếp tục đa dạng hoá nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng xã hội hoá; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với công trình có khả năng thu hồi vốn; tăng cường hình thức hợp tác công tư và xã hội hoá để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hoá - thể thao; tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi; kêu gọi sự chung tay góp sức từ doanh nghiệp, cộng đồng và từ các đối tác phát triển...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem