Những nỗ lực đáng ghi nhận
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, Hải Phòng bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM gặp không ít thách thức, khó khăn. Càng khó khăn hơn khi bão số 8 đổ bộ vào Hải Phòng, đã cuốn gần như toàn bộ thành quả của 1 năm miệt mài lao động và xây dựng. Trong đó, những xã ở vùng trọng điểm sản xuất lúa và nuôi trồng thuỷ sản, như: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải… chịu thiệt hại nặng nề nhất.
|
Gieo mạ cấy máy theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Kiến Thụy. |
Không nhụt chí, sau khi bão tan, hàng vạn hộ nông dân đã đổ ra đồng cứu lúa, hoa màu; khôi phục lại đầm, ao, nhà xưởng tiếp tục phát triển sản xuất. Có thể nói, sự tàn phá của bão số 8 đã làm cả Hải Phòng ngổn ngang, đồng ruộng trắng băng.
Nhưng tất cả đã được khắc phục rất nhanh. Nhờ vậy, năng suất lúa năm 2012 của Hải Phòng vẫn đạt “đỉnh”, xấp xỉ 62 tạ/ha, tăng 1,54% so kế hoạch năm 2011. Đây là kết quả của tinh thần chỉ đạo quyết liệt; sự chủ động, nỗ lực không ngừng của cán bộ, nhân dân thành phố, vì mục tiêu xây dựng NTM trên quê hương mình.
“Hải Phòng xác định xây dựng NTM bắt đầu từ những cánh đồng, về từng thôn xóm và điểm cuối cùng là trung tâm xã; tăng cường trách nhiệm các thành viên trong ban chỉ đạo thành phố, trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, quyết tâm trong năm 2013, thực hiện thành công mô hình tại 8 xã điểm”.
Ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM TP. Hải Phòng.
Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hải Phòng đạt bình quân 7,73 tiêu chí. Mặc dù, trong tổng số 139 xã trên địa bàn, đến nay chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí quy định; mới có 3 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí; 48 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí; 73 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí; 15 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Nhưng do xuất phát điểm xây dựng NTM của hầu hết các xã ở Hải Phòng thấp, lại bị tác động của nhiều yếu tố khách quan, trong đó có thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi nên kết quả trên là một sự nỗ lực lớn, rất đáng ghi nhận.
Tận dụng cơ hội
Theo kế hoạch, đến hết năm 2013, Hải Phòng phấn đấu đạt bình quân khoảng 10 tiêu chí về xây dựng NTM, riêng 41 xã trong danh sách đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015, bình quân đạt khoảng 13 tiêu chí. Để đạt được tiến độ và các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, Thành uỷ, UBND TP.Hải Phòng đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đặc biệt, thành phố xác định xây dựng NTM ở Hải Phòng, đồng thời với xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả bền vững với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch.
Một trong những nỗ lực của Hải Phòng là bố trí tối đa nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Chương trình NTM. Cụ thể, năm 2013, thành phố sẽ đầu tư khoảng 594 tỷ đồng (chiếm hơn 1/3 tổng kinh phí đầu tư cho chương trình), trong đó, thành phố sẽ lựa chọn tập trung đầu tư cao cho những xã có điều kiện, khả năng cán đích sớm.
Một cơ hội nữa mà các xã trên địa bàn cần tận dụng để “nhấn ga”, đó là khí thế xây dựng NTM đang lên cao ở các địa phương hiện nay thể hiện qua các phong trào đóng góp ngày công lao động, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn… Lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết, ở địa phương, các hộ dân đã hiến hơn 50.000m2 đất các loại để làm đường giao thông.
Còn huyện Tiên Lãng, các hộ dân cũng hiến hơn 33.000m2 đất phục vụ cho phong trào này. Riêng 8 xã điểm về xây dựng NTM của thành phố, trong 2 năm thực hiện chương trình, nông dân đã hiến 87.145m2 đất các loại, hàng trăm nghìn ngày công lao động, hàng trăm triệu đồng để mở rộng đường giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống kênh mương và các công trình công cộng khác… Riêng phong trào dồn điền, đổi thửa để xây dựng các vùng sản xuất tập trung còn hừng hực khí thế hơn, với 15.618ha được dồn đổi, trong đó 3 “cánh đồng mẫu lớn” được xây dựng điểm tại 3 xã, đã và đang được rút kinh nghiệm để nhân rộng trong nay mai.
Tuy nhiên, bước đường xây dựng NTM ở Hải Phòng còn phải trải qua một chặng đường dài nữa mới có thể cán đích. Vì vậy, ngoài tác động đầu tư của Nhà nước, vấn đề chủ động, tích cực, tâm huyết, nỗ lực của mỗi cán bộ và từng người dân ở từng địa phương vẫn là khâu then chốt, quyết định tới kết quả của việc thực hiện chương trình.
Thu Ngân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.