Xây dựng quận Hoàn Kiếm thành điểm đến thân thiện, an toàn và thú vị

Thứ tư, ngày 04/10/2023 11:19 AM (GMT+7)
Trước đây quận Hoàn Kiếm chỉ là một trong các điểm trung chuyển để khách du lịch đi các danh lam thắng cảnh ở khu vực miền Bắc, thì nay đã trở thành một điểm đến thân thiện, an toàn và thú vị, là nơi du khách ghé thăm khi đến Hà Nội.
Bình luận 0

Chiều 3/10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “phát triển văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, của Ban Thường vụ Thành ủy về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Nguyễn Quốc Hoàn khẳng định, Quận ủy, HĐND, UBND quận đã triển khai nghiêm túc Chương trình 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy; Kịp thời xây dựng Chương trình, Kế hoạch, Đề án và tổ chức triển khai hiệu quả gắn với các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực trong toàn quận.

Xây dựng quận Hoàn Kiếm thành điểm đến thân thiện, an toàn và thú vị - Ảnh 1.

Đoàn giám sát khảo sát một số di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm

Theo đó, thời gian qua, quận đã thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân trong các trường học, các di tích để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổng thể. Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 5 di tích gồm: Đình, Đền Vũ Thạch, Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm, Đình Cổ Vũ, Đình Hà Vĩ, Đình Trung Yên; xây dựng mới 2 trường học; thực hiện nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trường học, trạm y tế, phòng khám của trung tâm y tế đạt chuẩn quốc gia. 

Bên cạnh đó, quận cũng quan tâm thực hiện chủ trương thu hút nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển văn hóa tại một số công trình như tu bổ đồ thờ tại đình Kim Ngân, phường Hàng Mã; tu bổ chùa Pháp Bảo Tạng, phường Hàng Đào; tu bổ cấp thiết Đình Đông Môn tại số 8 Hàng Cân; bảo tồn tranh Hàng Trống...

Ngoài ra, quận đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức các chương trình tham quan “Hành trình Di sản” cho du khách nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di sản và quảng bá, giới thiệu các điểm đến trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, từng bước góp phần nâng cao nhận thức và tình yêu của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Đặc biệt, quận luôn xác định các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa, không gian sáng tạo là thế mạnh có giá trị lớn nhất của quận. Đây là đòn bẩy quan trọng tạo ra chuyển đổi cơ cấu, tỷ trọng kinh tế từ thương mại, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ sang thương mại, du lịch, dịch vụ. Bình quân tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại-dịch vụ giai đoạn 2020-2023 ước đạt 9,8%, trong đó, doanh thu ngành du lịch đạt 21,4 % (chỉ tiêu nhiệm kỳ 20%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế quận chiếm 98,04% (đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ 98-99%).

Đáng chú ý, nếu như trước đây quận Hoàn Kiếm chỉ là một trong các điểm trung chuyển để khách du lịch đi các danh lam thắng cảnh ở khu vực miền Bắc thì nay đã trở thành một điểm đến thân thiện, an toàn và thú vị, là nơi du khách ghé thăm khi đến Hà Nội. Nhiều du khách lưu trú thêm nhiều ngày trong lịch trình để khám phá những điểm đặc sắc của khu phố cổ, phố cũ, các không gian mang đậm văn hóa của quận đặc biệt là không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm trở thành một biểu tượng thành công về tổ chức phố đi bộ trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện như: Việc triển khai xây dựng dự án trong khu vực nội đô lịch sử hay khu vực ngoài đê còn những hạn chế nhất định về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, du lịch chưa đáp ứng nhu cầu do hạn chế về chỉ tiêu biên chế; chế độ tiền lương, môi trường làm việc chưa thu hút được người lao động, nhiều chuyên ngành lĩnh vực văn hóa khó tuyển dụng...

Xây dựng quận Hoàn Kiếm thành điểm đến thân thiện, an toàn và thú vị - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi kiểm tra

Tại buổi làm việc, sau khi các thành viên Đoàn giám sát lãnh đạo quận Hoàn Kiếm trao đổi, làm rõ một số nội dung, phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến phát triển văn hóa, du lịch; đã ban hành các chương trình, nghị quyết, phân cấp, ủy quyền thực hiện các thiết chế văn hóa; đồng thời, bố trí nguồn vốn rất lớn cho 3 chương trình: y tế, văn hóa, giáo dục.

Ghi nhận Quận ủy Hoàn Kiếm đã thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, quyết tâm cao và có nhiều mô hình sáng tạo, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, trong thời gian tới, quận cần rà soát các chỉ tiêu chung của Thành phố; nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU đạt kết quả cao hơn nữa.

Trong đó, đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; rà soát chỉ tiêu, đưa ra lộ trình hoàn thành, đồng thời phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc.

“Quận cần tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn, về xã hội hóa cho các dự án văn hóa, du lịch; đồng thời, có giải pháp chỉnh trang, khai thác 2 bên sông Hồng, quản lý tốt hơn nữa phố đi bộ để Hoàn Kiếm luôn trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách” - đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.


Lê Hải (hanoi.gov.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem