Xây dựng tâm lý “trọng thợ”

Thứ bảy, ngày 23/04/2011 12:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù được hỗ trợ học nghề miễn phí, nhưng nhiều thanh niên nông thôn vẫn không đi học vì tâm lý “ngại làm thợ”. Tâm lý này cần có sự tác động thay đổi để có được lớp thợ trẻ giỏi việc, yêu nghề...
Bình luận 0

Ghi nhận của NTNN tại TP.HCM.

Quay lưng với học nghề

Ông Đặng Bốn - Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp - đào tạo, Trung tâm Dạy nghề quận 2 cho biết: “Khi đất canh tác nông nghiệp không còn, quận 2 đã đầu tư xây dựng một trung tâm dạy nghề với vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, mở nhiều ngành nghề đào tạo như: May công nghiệp, tiện-phay-bào, sửa chữa ô tô, điện công nghiệp - dân dụng, may… với máy móc, trang thiết bị tiên tiến và kết hợp với các trường trung cấp, cao đẳng và đại học mở nhiều ngành với nhiều trình độ khác nhau, nhưng vẫn không thu hút được học viên vào học”.

img
Tuy đầu tư bài bản, nhưng Trung tâm Dạy nghề quận 2 vẫn không tuyển được học viên.

Ông Đặng Bốn đưa thêm ví dụ: “Năm trước chúng tôi có tổ chức cho thanh niên trên địa bàn quận học nghề để về làm việc tại Khu công nghệ cao quận 9. Tiền học không phải đóng, trong khi học có xe đưa đón, tốt nghiệp có việc làm liền. Học được 2-3 tháng không em nào chịu đi học nữa”.

Thầy Trần Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng lo lắng: “Cách đây 8 năm, nhà trường không lo thiếu học sinh, giờ lại phải cố “lượm” từng học sinh một vào học”. Các trường “top” khác như: Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM, Trường cao đẳng Cao Thắng, Trường Cao đẳng Nam Sài Gòn… cũng chung tình cảnh.

Thậm chí, theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thanh niên theo học nghề nếu thuộc diện 135 (thu hồi đất) thì được thành phố hỗ trợ 3 triệu đồng/người/năm; bộ đội xuất ngũ được hỗ trợ học một nghề không giới hạn kinh phí đào tạo tới khi học xong. Đối với thanh niên nông thôn được hỗ trợ 2 triệu đồng. Thanh niên học nghề xong sẽ được tạo điều kiện vay vốn kinh doanh hay giới thiệu việc làm miễn phí... Tuy chính sách rộng như vậy, nhưng thanh niên vẫn không học.

Nặng nề tâm lý “làm thợ”

Nguyên nhân khó tuyển sinh trường nào cũng có thể chỉ ra, đó là thanh niên không muốn làm thợ vì tâm lý “trọng thầy khinh thợ”. Anh Đoàn Nguyên Khoa, 22 tuổi (tổ 8, khu phố 4, Phước Long B, quận 9) sau khi xuất ngũ được UBND phường giới thiệu đi học nghề ở trung tâm dạy nghề, nhưng Khoa lại đăng ký học từ xa hệ tin học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. “Dù là học từ xa, nhưng cũng là học đại học. Chứ học nghề ra chỉ làm thợ, bạn bè khinh rẻ” - Khoa nói.

TP.HCM có hơn 30 trường trung cấp nghề, 41 trường trung cấp chuyên nghiệp, 24 trung tâm dạy nghề quận (huyện) và khoảng 60 trường CĐ-ĐH có đào tạo hệ trung cấp. Tuy nhiên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh các trường lại loay hoay với “nỗi buồn” thiếu người học.

Tại khu phố 3, đường Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Đông, quận 2), lão nông Nguyễn Văn Hai nay đã chuyển nghề sửa xe gắn máy buồn bã nói: “Ngày trước tôi quanh năm làm ruộng, nhưng nay do đô thị hóa, tôi kịp học nghề sửa xe gắn máy, cuộc sống khá hơn, có của ăn của để. Vậy mà con tôi chê học nghề vì nói làm thợ lấm lem lại nặng nhọc quá!”.

Cũng tương tự quận 2, ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 9, quận 12… tình hình “kéo” thanh niên học nghề còn thê thảm hơn vì quá trình đô thị hóa quá nhanh, thanh niên không kịp thích ứng.

Cùng ra quân với Đoàn Nguyên Khoa, Nguyễn Văn Dũng lại chọn cho mình con đường học nghề tại Trung tâm Dạy nghề quận 9, hiện nay Dũng đã mở cửa hàng và đang nhờ phường tạo điều kiện vay vốn để mở rộng sản xuất. Theo Dũng: “Giờ học nghề ra làm lương đã 3-4 triệu đồng, gấp rưỡi lương đại học, nếu làm nghề tốt thì thu nhập còn cao hơn. Quan trọng nhất hiện nay là tâm lý của người học và xã hội”.

Nhằm thu hút người học, nhiều trường cho rằng hiện tại quan trọng nhất là thay đổi tâm lý, cách tác động để xã hội có thái độ “trọng thợ” như “trọng thầy” và đào tạo thợ giỏi. Theo quy định của Nhà nước, hiện nay những người học nghề xong có thể học liên thông lên cao đẳng và đại học, có thể trở thành kỹ sư, nhà doanh nghiệp… Đó là “cửa mở” cho học nghề để có những thợ giỏi trình độ cao. Vì vậy, cần làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp ngay từ khi học sinh nộp hồ sơ dự thi, xét tuyển vào các trường nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem