Xây dựng thương hiệu, nâng sức cạnh tranh cho nông sản Thủ đô

NA Thứ năm, ngày 30/09/2021 15:09 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản, đặc sản của nhiều địa phương. Tuy nhiên, để tạo chỗ đứng bền vững, nâng sức cạnh tranh cho nông sản Thủ đô trên thị trường, thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bình luận 0

Hơn 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, năm 2015, gạo hữu cơ Đồng Phú đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Đến nay, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng, khâu tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán gấp từ 2,5 - 3 lần so với khi chưa có thương hiệu. Không chỉ tiêu thụ trong nước, gạo hữu cơ Đồng Phú còn được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tương tự, sản phẩm "Gà đồi Ba Vì" cũng đang có mặt trong hệ thống các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, các siêu thị tại Hà Nội. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành chia sẻ: "Nhờ có nhãn hiệu, tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ mà giá bán của sản phẩm gà đồi Ba Vì luôn ổn định và cao hơn 10% so với 5 năm trước đây khi chưa có nhãn hiệu".

Nâng sức cạnh tranh cho nông sản Thủ đô - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm tiêu biểu của huyện Đông Anh góp mặt tại hội nghị đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP. Ảnh: Hải Đăng

"Hà Nội đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp theo chuỗi gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản".

Ông Chu Phú Mỹ -

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội

Việc phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp riêng của Hà Nội có vai trò hết sức quan trọng. Đây không chỉ là cơ sở, tiền đề để gìn giữ, bảo tồn sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao mà còn tạo nhiều việc làm cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hiện thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như: "Nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "Gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "Chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa)…

Phần lớn các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố, thị trường mở rộng, giá bán tăng thêm từ 15 - 20%. Đáng chú ý, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Hà Nội có nhiều nông sản, đặc sản, song số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa nhiều. Sự chậm trễ này khiến không ít nông sản của Hà Nội mất đi sức cạnh tranh trên thị trường dù có lợi thế là luôn bảo đảm các yêu cầu về chất lượng. Đáng nói, việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể tại các địa phương cũng như với chủ sở hữu còn hạn chế, đặc biệt là vấn đề tiếp cận thị trường.

Để nhãn hiệu tập thể phát huy hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - Vũ Thị Hương cho rằng, địa phương cần quan tâm hơn đến việc quản lý các thương hiệu nông sản trên địa bàn nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng hiện đại, để nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu khẳng định vị thế trên thị trường.

Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP.

 Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể; đưa doanh nghiệp vào liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. 

Ngoài ra, Sở NNPTNT tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để tạo ra chất lượng hàng hóa đồng đều, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem