Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên

Minh Anh Thứ hai, ngày 13/11/2023 17:05 PM (GMT+7)
Để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Trung ương, tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột đã đưa ra nhiều quyết sách, trong đó có mục tiêu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên.
Bình luận 0

Từ những nghị quyết

Để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới, nhằm khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý, phát triển dịch vụ và du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103 để xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên - Ảnh 1.

Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên - Ảnh 2.

Một góc đô thị Buôn Ma Thuột.

Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 176 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 103 của Chính phủ. Theo đó, đã xác định 10 nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó, nhiệm vụ thứ 6 xác định "Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hoá của vùng Tây Nguyên".

Triển khai nhiệm vụ được giao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 19/4/2021 về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, HÐND tỉnh Ðắk Lắk đã thông qua Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 21-12-2021 "về xây dựng và phát triển  TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với nhiều giải pháp lớn như: Quy hoạch mở rộng địa bàn thành phố; phân cấp nguồn lực và thẩm quyền cho thành phố; huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng; đề nghị Trung ương bố trí thêm nguồn lực cho phát triển giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho Buôn Ma Thuột đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai...

Thành ủy TP. Buôn Ma Thuột cũng đã ban hành Chương trình số 10 ngày 22/7/2021 về việc thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Cùng với đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 72 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Chính phủ ban hành Quyết định số 07 quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên - Ảnh 3.

TP. Buôn Ma Thuột là nơi diễn ra nhiều hoạt động kết nối, giao lưu văn hóa góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên.

Cùng với việc triển khai thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị, hiện nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Buôn Ma Thuột đang nỗ lực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị "về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", phấn đấu đến năm 2030 đạt mục tiêu: "Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế". 

Đây chính là khung cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách và biện pháp, giải pháp thực hiện mà chính quyền, nhân dân TP Buôn Ma Thuột đã và đang tập trung, nỗ lực, phấn đấu triển khai thực hiện trong thời gian qua và giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến hành động

Hiện thực hóa các nghị quyết, cơ chế mà Trung ương, tỉnh đã ban hành, trong đó có định hướng xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học lớn của vùng Tây Nguyên. Xây dựng, hình thành các khu ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, nhất là hạ tầng công nghệ số. Tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng chọn TP. Buôn Ma Thuột là đô thị đăng ký thực hiện thí điểm Đề án phát triển đô thị thông minh (theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ). 

Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên - Ảnh 4.

Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên - Ảnh 5.

Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk tại TP. Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk và xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, việc đầu tư hạ tầng ưu tiên đã đưa ra các chương trình, như: Xây dựng hệ thống giám sát thu gom rác thải đô thị thông minh; xây dựng hệ thống quản lý cấp nước; xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh với hình thức doanh nghiệp đầu tư hoặc hợp tác công tư (PPP, BOT).

Kế hoạch còn lồng ghép các chương trình, dự án triển khai đô thị thông minh theo các nội dung của Đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Đến nay, đề án này đã vận hành chính thức các dịch vụ đô thị thông minh; thành lập Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (Dak Lak IOC) và tiến hành thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh, gồm: Giám sát hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Giám sát điều hành kinh tế và xã hội; Phản ánh hiện trường; Giám sát an toàn thông tin mạng; Giám sát an ninh trật tự và điều hành giao thông. 

Trong năm 2023, 5 dịch vụ, gồm: Giám sát hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Giám sát hoạt động y tế; Giám sát hoạt động giáo dục; Giám sát hoạt động du lịch; Giám sát môi trường sẽ được mở rộng và triển khai thí điểm.

Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm khoa học công nghệ vùng Tây Nguyên - Ảnh 6.

Buôn Ma Thuột hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật, trong thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, tranh thủ tối đa các nguồn lực, cơ chế, chính sách để thực hiện các dự án quan trọng. Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút dự án đầu tư trọng điểm cũng như thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước đến làm việc, nghiên cứu tại TP. Buôn Ma Thuột, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. 

Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước phát triển trên thế giới về lĩnh vực khoa học công nghệ, nông, lâm nghiệp, du lịch, nhằm thực hiện thắng lợi các phương hướng phát triển và giải pháp của Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 103 của Chính phủ, Nghị quyết số 72 của Quốc hội đã đề ra.

Ngày 30/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 176/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 9/7/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, điều chỉnh nhiệm vụ thứ 6, phần II "xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên" thành "Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem