Xây hơn 260 cây cầu từ thiện và giúp hàng nghìn người mổ mắt miễn phí
Xây hơn 260 cây cầu từ thiện và giúp hàng nghìn người mổ mắt miễn phí
Thứ hai, ngày 30/10/2023 11:10 AM (GMT+7)
20 năm qua, ông Hai đã dùng tiền túi và vận động mạnh thường quân xây dựng hơn 260 cây cầu từ thiện khắp miền Tây, giúp hàng nghìn người mổ mắt miễn phí.
Trời xẩm tối, lại sắp mưa nhưng ông Nguyễn Văn Bé Hai (67 tuổi, ngụ tại xã Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp) vẫn quyết định đi kiểm tra cây cầu đang xây dựng cách nhà hơn 10km. "Đi kiểm tra hiện trường lần nữa cho chắc vì mai sẽ cho thợ đến thảm nhựa. Còn khâu cuối này là cây cầu hoàn thiện", ông Hai nói.
Từ nhà ông Hai đến cây cầu đang xây, lão nông lần lượt chỉ cho chúng tôi 4 cây cầu, một đoạn đường nhựa mà ông đã vận động góp tiền xây dựng. Ở các công trình đều gắn bảng lưu niệm ghi lại đóng góp của gia đình ông Hai và đội thợ của ông.
Cũng trên con đường, một điều đặc biệt chúng tôi nhận thấy, rằng bất kỳ ai, già hay trẻ đều muốn "vịn" xe máy của ông Hai lại để trò chuyện. Họ nhìn ông Hai vừa kính trọng, vừa trìu mến.
Chúng tôi đến công trình cầu Ông Kiết khi những cột đèn trên cầu đã bật sáng. Cây cầu sắp hoàn thiện dài 39m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn bề thế nằm cạnh cầu cũ bị sập nhịp giữa từ 2 năm trước. Cây cầu mới có kinh phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, trong đó có 300 triệu đồng từ chính quyền địa phương hỗ trợ, còn lại do ông Hai bỏ tiền túi và vận động mạnh thường quân.
Cầu được khởi công hồi tháng 4, đã cho xe qua lại từ ngày 14/10. Là điểm nghẽn trên con đường nối ấp Phú Long ra trung tâm xã Phú Hựu (huyện Châu Thành), người dân nơi đây ngóng chờ cây cầu mới đã lâu.
Dừng xe, ông Hai liền lên cầu ngắm nghía, xem xét từng chi tiết từ mặt cầu, lan can, cột đèn, đường dẫn. Thấy ông Hai có mặt, nhiều người dân trong vùng cũng tập trung lên mặt cầu nói chuyện rôm rả.
Chị Nguyễn Thị Hương (47 tuổi) mừng ra mặt khi được coi là người "hưởng lợi rõ ràng nhất" kể từ ngày cầu thông xe. Quán bún của chị Hương nằm ở đầu cầu, vì tiện đường nên khách đông hơn hẳn.
"Không có ông Hai thì biết chừng nào dân mới có cầu. Có cầu mới, thuận tiện hơn hẳn, chúng tôi ra xã không còn phải vòng đường đê vừa xa vừa khó đi.
Xây cầu tốn kém, nhưng dân trong ấp không bắt buộc phải đóng góp gì cả, như tôi chỉ đóng góp bữa ăn cho thợ mà thôi. Cũng có người góp tiền, có người góp ngày công", chị Hương nói.
Bà Thái Thị Phước (75 tuổi) lại là người "thiệt hại nhiều nhất" vì cây cầu mới được xây. Do cầu lớn mà đường nhỏ, bà Phước đã hiến 200m2 đất của gia đình để mở rộng đường.
"Mừng quá luôn, cầu sập 2 năm rồi nay mới được xây lại. Ông Hai ở đâu đến còn bỏ tiền xây cầu cho bà con được, thì mình ở đây tiếc gì không hiến đất mở đường cho con cháu đi thoải mái", bà Phước nói.
Câu chuyện của vị ân nhân và người dân ấp Phú Long cứ thế, rôm rả cho đến khi trời tối hẳn mới dừng.
Duyên nợ với những nhịp cầu
Ông Hai nhớ lại, ông bắt đầu đi sửa cầu cho dân làng kể từ sau trận lũ lớn năm 2000. Thời đó giao thông trong vùng còn nhiều cầu ván, nước dâng nên cầu nổi rồi trôi hết.
Để đi bắc lại cầu, ông Hai tập trung thêm 4 người cùng ấp. Cả nhóm đi xin ván về dự trữ, rồi ở đâu có người báo cầu hỏng thì đội lại đưa đồ đến sửa.
"Hồi đầu là đi bắc cầu ván rộng 0,8m cho xe máy đi. Rồi phương tiện nhiều, tôi chuyển sang bắc cầu gỗ cây rộng 1,2m. Nhưng cầu gỗ rất nhanh hỏng, nên từ năm 2008 tôi bắt đầu làm cầu bê tông.
Đến năm 2013, xe ô tô, xe ba gác bắt đầu có nhiều, cầu 'làm lụi' không còn đảm bảo được nữa, tôi lên hẳn Sở GTVT tỉnh nhờ hỗ trợ thiết kế kỹ thuật. Kể từ đó, tôi bắt đầu đi bắc những cầu lớn dài hàng chục mét, xe tải qua an toàn cho đến nay", lão nông nói.
Đến nay, đội thi công cầu của ông Hai có 15 thành viên. Cơ quan chức năng địa phương cũng hỗ trợ cho đội bản vẽ thiết kế và 4 kỹ sư phụ trách kỹ thuật trong quá trình xây dựng. Ông Hai tính nhẩm, suốt bao nhiêu năm đội của ông đã bắc được hơn 260 cây cầu ở khắp các tỉnh miền Tây.
"Mỗi cây cầu có giá trị vài trăm triệu đồng đến hơn một tỷ đồng. Trung bình chính quyền hỗ trợ 1/3 chi phí, gia đình họ hàng tôi chi trả 1/3, còn lại tôi kêu gọi cộng đồng đóng góp. Chi phí nhân công không tốn nhiều vì đội của tôi làm miễn phí, bà con nhân dân cũng tham gia xây dựng", ông Hai cho biết.
Ông Hai nói rằng, mỗi khi một cây cầu hoàn thành, ông cảm nhận được lòng người, sự tử tế đã kết nối được với nhau, đó là khi ông vui nhất.
Chỉ cần cho con tri thức và để lại phước đức
Ông Hai chia sẻ, ông cưới vợ, ra ở riêng năm 1988, được cha mẹ cho 9 công ruộng (9.000m2) lấy vốn làm ăn. Thay vì sản xuất lúa thịt như mọi người, ông Hai chịu cực quây đê bao để sản xuất lúa giống.
"Làm lúa giống vừa khó, vừa cực. Phải chủ động được mực nước trong ruộng, lúa làm ra phải đạt thuần chủng gần như tuyệt đối. Nhưng bù lại giá bán lại gấp đôi lúa thịt. Nhờ làm lúa giống mà tôi tích cóp được cơ ngơi", lão nông chia sẻ.
Để sản xuất quy mô lớn, thời gian đầu ông Hai đã thuê thêm 2ha ruộng của người dân. Có ruộng, ông Hai ký được những hợp đồng cung cấp lúa giống lớn, từ đó lợi nhuận càng cao.
Chỉ qua khoảng 6 năm sản xuất lúa giống, ông Hai đã gom được khoản tiền lớn, tậu được đám ruộng rộng gấp 9 lần mảnh ruộng cha mẹ cho ban đầu.
"Ở xã này tôi là người nhiều ruộng nhất, tổng có 90 công (9ha). Làm lúa mỗi năm 2 mùa cũng có dư, mùa 3 để hoang, xả lũ vào cho bà con đánh cá", ông Hai cho biết.
Có của ăn của để, ông Hai cho con cái học hành đầy đủ. Ông chia sẻ, con gái lớn nay đã có doanh nghiệp ở TPHCM, mỗi năm ít nhất gửi cho ông 2 tỷ đồng để làm từ thiện.
Con gái thứ 2 cũng lập nghiệp ở thành phố, chỉ có con trai út đang ở quê để lo việc gia đình.
"Từ đầu năm đến nay con gái cũng gửi cho tôi hơn 2 tỷ đồng rồi. Tôi làm lúa cũng dư. Chỉ chừa lại một ít tiền trong nhà, còn bao nhiêu tôi làm từ thiện hết.
Cất tiền lại chết có mang theo được đâu. Còn con cái tôi nghĩ chỉ cần cho tri thức, để lại phước đức là đủ", lão nông cười xòa.
"Nghiện" làm việc thiện, không chỉ đi xây cầu không ngừng nghỉ, ông Hai còn tổ chức các hoạt động xây nhà tình thương, hỗ trợ hơn 11.000 bệnh nhân nghèo đi mổ mắt, phát cơm cháo miễn phí ở các bệnh viện.
Có giai đoạn, ông Hai còn xây trang trại gần 1000m2 ô chuồng, cho mọi người mượn chỗ miễn phí để nuôi heo. Rất nhiều người nhờ chuồng heo đó mà thoát nghèo, có vốn làm ăn.
"Khi nào tôi còn khỏe, còn có người cần giúp thì tôi còn làm việc thiện", ông Hai khẳng định.
Ông Hai hiện là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2019-2024. Mới đây, ông Hai đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là Nông dân xuất sắc năm 2023.
Với những hoạt động thiện nguyện của mình, ông Hai từng được Chính phủ, các Bộ, UBND tỉnh Đồng Tháp tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.