Cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ va chạm giữa xe cứu hỏa và xe khách vào chiều 18.3 vừa qua. Dưới đây là góc nhìn của độc giả Bình An gửi Dân Việt về vụ việc này:
Trong số các loại phương tiện ưu tiên thì xe cứu hỏa là phương tiện được ưu tiên cao nhất, và khi được ưu tiên thì xe này có thể đi ngược đường, ngược chiều vượt đèn xanh đỏ các loại để đảm bảo cho việc cứu hộ được tốt nhất, giảm thiểu tối đa thiệt hại, điều này được thể hiện ngay trong điều 22 luật Giao thông đường bộ 2008 và những văn bản hướng dẫn dưới luật khác.
Vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách gây nhiều tranh cãi trong giới lái xe cũng như giới luật sư
Nhưng để hiểu thế nào là quyền ưu tiên và sử dụng quyền ưu tiên hợp lý hợp pháp để giảm thiểu tối đa thiệt hại lại không hề đơn giản, ví dụ trực quan nhất chính là vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua. Và dù được ưu tiên thế nào đi chăng nữa thì trước khi sử dụng cái quyền ưu tiên của mình, để hạn chế tối đa thiệt hại thì bản thân xe cứu hộ phải đảm bảo được sự an toàn cho người và các phương tiện khác xung quanh, không thể vì xe được quyền ưu tiên đi cứu hộ cứu nạn mà lại được phép gây một thiệt hại cho người và phương tiện khác lớn hơn hậu quả đang cần cứu hộ.
Nói thế để khẳng định rằng phương tiện ưu tiên không phải là phương tiện có thể BẤT CHẤP tất cả tính mạng, sức khỏe, tài sản khác. Chúng ta đều biết cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cao tốc mới cải tạo cho phép các xe hoạt động liên tục và tốc độ cao (100/km/h) và cấm các phương tiện có tốc độ, vận tốc thấp không được phép đi vào (mô tô, xe máy, xe thô sơ…).
Đường nhánh - tuyến đường mà xe cứu hỏa tham gia vào cao tốc là đường giao nhau KHÔNG ĐỒNG MỨC với quốc lộ 1A, mọi phương tiện đi từ trong tuyến giao nhau này tất cả đều rẽ theo hướng quy định là bên phải, tuyệt đối cấm rẽ trái trừ xe ưu tiên (như xe cứu hỏa đã đi chuyển).
Xe cứu hỏa được phép đi ngược chiều và các làn khác nhau nhưng trước khi thực hiện hành vi cho phương tiện (sử dụng quyền ưu tiên) di chuyển ngược chiều, lái xe cứu hỏa phải nhận thức được rằng, Quốc lộ 1A đoạn xảy ra va chạm là tuyến đường cao tốc, tuyến đường xe cứu hỏa đang di chuyển chuẩn bị tham gia vào QL1A là tuyến đường nhánh.
Luật Giao thông đường bộ tại khoản 2 điều 15 quy định: Mọi phương tiện tham gia giao thông khi chuyển hướng phải nhường đường cho xe đi ngược chiều, chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Cũng theo khoản 3 điều 24 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về nhường đường tại nới giao nhau: “Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.”
Đương nhiên khi gặp nơi đường giao nhau các phương tiện tham gia giao thông từ phía đường nhánh, từ các hướng không ưu tiên (hướng đường), không đồng mức phải nhường đường cho các phương tiện đang lưu thông trên hướng ưu tiên (hướng xe khách là hướng ưu tiên) phải giảm tốc độ đến mức tối đa để đảm bảo an toàn sau khi đảm bảo an toàn mới được phép di chuyển .
Điểm a khoản 1 điều 26 Luật Giao thông đường bộ quy định giao thông trên đường cao tốc: “Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc.”
Lỗi thuộc về ai? Tài xế xe khách hay tài xế xe cứu hỏa?
Qua các quy định viện dẫn nêu trên chúng ta có thể thấy rằng Luật giao thông đường bộ quy định khá rõ ràng điều kiện, trình tự, thứ tự mà các phương tiện tham gia giao thông buộc phải tuân theo, không kể đấy là phương tiện gì.
Quan sát video có thể thấy dù đường cao tốc, các phương tiện tốc độ cao qua lại nhiều nhưng xe cứu hỏa vẫn lao vào dù có tín hiệu và giảm tốc độ nhưng giảm không đáng kể, không đến mức đảm bảo an toàn theo quy định. Việc di chuyển xe cắt ngang, ngược đường trước các phương tiện đang chạy với tốc độ gần 100km là điều vô cùng vô cùng nguy hiểm…
Xe cứu hỏa đã không tuân thủ các quy định về điều khiển phương tiện giao thông khi vào nơi đường giao nhau, đã lạm quyền ưu tiên, bất chấp sự nguy hiểm của người và phương tiện khác, với tâm lý suy nghĩ các phương tiện khác phải tránh phải né mình chứ mình không cần tránh họ.
Để có cái nhìn tổng quan và chính xác thì cần điều tra làm rõ một thêm một số vấn đề là từ điểm xuất phát đến điểm cần cứu hộ thuộc cung đường nào gần nhất, thuận tiện nhất? Chọn đi ngược chiều có phải là phương án tối ưu? Người phát lệnh đi ngược chiều đã nắm đủ thông tin trước khi phát lệnh tham gia theo cung đường chưa?
Nếu nói phải đi ngược đường vì có thông báo tuyến đường dự tính ban đầu bị tắc thì cần làm rõ cuộc thông báo này có tính chính xác, rất đơn giản các phương tiện đi cùng chiều, ngược chiều trên cung đường ấy, có Camera hành trình để xem xét là khoảng thời gian ấy cung đường ấy có bị tắc hay không?
Cuối cùng tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn nhưng khi đã xảy ra rồi, cần tập trung khắc phục hậu quả của vụ tai nạn thay vì có những lời nói quy kết trách nhiệm vội vàng cho lái xe khách
Vui lòng nhập nội dung bình luận.