Xe hợp đồng, xe limousine có cần định danh để ứng xử cho đúng?

Thế Anh Thứ năm, ngày 13/06/2024 16:25 PM (GMT+7)
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp vận tải đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm làm rõ hoạt động của loại hình xe hợp đồng vận tải hành khách và ứng xử thế nào với xe hợp đồng?
Bình luận 0

Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường và đưa ra nhiều giải pháp quản lý xe kinh doanh vận tải, tuy nhiên, quản lý xe hợp đồng, xe limousine vẫn dang là vấn đề khiến cho cơ quan quản lý Nhà nước đau đầu.

Toạ đàm "Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?" diễn ra chiều ngày 13/6, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp vận tải đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm làm rõ hoạt động của loại hình xe hợp đồng vận tải hành khách cũng như tìm ra một hướng đi rõ hơn cho vận tải hành khách liên tỉnh trong thời gian tới.

Xe hợp đồng, xe limousine có cần định danh để ứng xử cho đúng?- Ảnh 1.

ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Nhận diện về xe hợp đồng, xe limousine, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, xe hợp đồng đáp ứng nhu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao của hành khách. Người sử dụng dịch vụ sẽ là người quyết định xu thế phát triển của các loại hình dịch vụ.

Do đó, dễ hiểu vì sao xe hợp đồng phát triển rất mạnh trong thời gian ngắn, đó là nhờ sự đón nhận rộng rãi của người sử dụng dịch vụ.

Ông Quyền cho rằng: "Cơ quan quản lý Nhà nước nên có cái nghiên cứu để định danh cho hình thức kinh doanh này sao cho phù hợp".

"Chúng tôi là người kinh doanh nên phải trên dựa trên cơ sở của thị trường, xã hội. Nhờ có khoa học công nghệ, các đơn vị vận tải đưa ra hình thức kinh doanh mới đáp ứng sự mong đợi của người dân, xã hội", ông Quyền đưa vấn đề.

Theo ông Quyền, những người làm vận tải cũng trăn trở về công tác đảm bảo điều kiện kinh doanh của người làm vận tải như thế nào?. Bên cạnh đó là vấn đề tính bình đẳng trong cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và kinh doanh theo tuyến xe hợp đồng chưa được định danh rõ.

Trong khi quản lý tuyến cố định quá chặt, nhưng quản lý với xe hợp đồng còn quá lỏng lẻo, chưa thực sự bình đẳng. Ngoài ra, một số người cũng lo ngại liệu những người hoạt động theo xe hợp đồng đã đóng thuế như thế nào.

Xe hợp đồng, xe limousine có cần định danh để ứng xử cho đúng?- Ảnh 2.

Xe limousine tại TP.Hà Nội. Ảnh:

Doanh nghiệp để mất an toàn sẽ phải chịu hậu quả rất lớn

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, với xe hợp đồng chúng ta đang nói rất nhiều về tiêu cực mà chưa có cái nhìn thấu đáo các mặt tích cực.

"Bức tranh vận tải hiện nay đang có rất nhiều điểm sáng. Người dân đi lại thoải mái, dịch vụ cao với giá thành thấp. Câu chuyện ùn tắc vận tải tại các bến xe vào các dịp lễ, Tết gần như không còn", ông Bằng chia sẻ.

Ông Bằng đưa ra các con số hết sức tích cực về kinh doanh vận tải trong những năm qua: "Nếu trước năm 2017, lượng xe tham gia giao thông trên cả nước là hơn 2 triệu nhưng số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) lên đến 14.000 - 15.000 người/năm".

Xe hợp đồng, xe limousine có cần định danh để ứng xử cho đúng?- Ảnh 3.

ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

"Sau khi bùng nổ vận tải, cả nước có trên 6 triệu phương tiện tham gia giao thông, nhưng con số người chết do TNGT chỉ 7.000 - 8.000 người/năm. Điều đó cho thấy, số lượng phương tiện tăng theo cấp số nhân nhưng số người chết do TNGT được kéo giảm đáng kể", ông Bằng nói về tỷ lệ tăng trưởng của kinh doanh vận tải với tỷ lệ giảm tai nạn giao thông.

Kết quả đó có được trước hết là nhờ sự chỉ đạo nghiêm túc của Chính phủ, Bộ GTVT, trực tiếp là Cục Đường bộ, các Sở GTVT, sau đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp vận tải, ý thức tuân thủ của người dân trong tham gia hoạt động vận tải.

Ông Bằng đặt câu hỏi: "Tất cả các đơn vị tham gia kinh doanh vận tải có thực hiện đúng không? Tôi khẳng định là có. Nếu không thực hiện đúng pháp luật làm sao có chuyện cấp tem hợp đồng, phát triển số lượng phương tiện… Doanh nghiệp không thực hiện tốt pháp luật kinh doanh sẽ rất khó trụ vững.

Ở góc nhìn khác, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng: "Xe hợp đồng cùng các loại hình xe khác đều là kinh doanh có điều kiện".

"Doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó doanh nghiệp có bộ phận theo dõi giao thông", ông Hải nói về điều kiện kinh doanh vận tải.

Xe hợp đồng, xe limousine có cần định danh để ứng xử cho đúng?- Ảnh 4.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải.

Về vấn đề an toàn, ông Hải nhấn mạnh: "Doanh nghiệp nào để mất an toàn giao thông sẽ phải chịu những hậu quả rất lớn".

"Ngoài những quy định bắt buộc, doanh nghiệp gần như vẫn luôn chủ động đầu tư để đảm bảo tối đa an toàn giao thông, cụ thể như đầu tư trong tuyển dụng, tuyển chọn lái xe tốt nhất để đảm bảo vận hành tốt, nâng cấp chất lượng vận tải", ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, ngoài việc tuân theo các quy định, doanh nghiệp cần phải có thêm những ứng dụng lái xe, ghi âm các hành vi ứng xử của lái xe với hành khách.

"Chúng tôi không để xảy ra vụ TNGT nào gây chết người với hành khách trên xe. Đây là thành quả của doanh nghiệp, cũng là kết quả của công tác quản lý giám sát của cơ quan nhà nước", ông Hải nói về việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Hải chia sẻ: "Tuyến hoạt động Hải Phòng - Hà Nội mà chúng tôi đang khai thác, trước đây là tuyến nhiều bức xúc vì những cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng 3 - 4 năm nay, tình trạng này đã không còn. Nhu cầu đi lại của người dân đã thay đổi nên các doanh nghiệp vận tải buộc phải thay đổi".

"Với các doanh nghiệp vận tải hợp đồng, nhất là doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn, chúng tôi đang làm tốt vấn đề theo dõi ATGT, làm tốt vai trò quản lý của doanh nghiệp với lái xe và phương tiện giao thông", ông Hải khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem