Lượng xe máy tại TP HCM liên tục tăng từ năm 2011 đến nay do thói quen dùng của người dân. Hiện thành phố có gần 7,5 triệu chiếc, chưa kể khoảng một triệu xe máy của người dân ngoại tỉnh đến sinh sống.
PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách Khoa TP HCM) tính toán, với 8,3 triệu dân, trung bình mỗi người thành phố có một xe máy - tỷ lệ cao nhất thế giới.
Trong khi đó, quỹ mặt đường của TP HCM khoảng 26 triệu m2, không đủ chứa 75-80% lượng xe máy hoạt động với tốc độ cho phép. Bởi diện tích chiếm chỗ khi di chuyển là 12 m2 cho mỗi xe, thành phố cần có hơn 91 triệu m2 mặt đường - gấp 3,5 lần diện tích hiện có.
"Tắc nghẽn giao thông xảy ra là tất yếu. Xe máy là thủ phạm chính do số lượng lưu thông trên đường quá lớn. Hoạt động một cách rất cá nhân, xe máy hầu như không tuân theo luật giao thông mà hành xử như một con ngựa sắt chạy rong", ông Mai đánh giá.
TS Phạm Xuân Mai cho rằng xe máy chính là thủ phạm gây kẹt xe tại TP HCM vì số lượng quá nhiều, trong khi diện tích đường không đủ. Ảnh: L.G
Chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giao thông nhận định, tuy tiện lợi cho cá nhân nhưng với cộng đồng xe máy đang gây nhiều bất lợi và thiệt hại.
"Xe máy và xe buýt luôn xung đột lợi ích và ngày càng trầm trọng, nhất là tại các điểm dừng hay trên làn giao thông hỗn hợp. Nó dễ dàng leo lên vỉa hè, luồn lách, dừng đậu bất cứ nơi nào; gây tai nạn giao thông và cũng là nguồn gốc gây ra các tệ nạn như đua xe, cướp giật trên đường phố", ông Mai nêu quan điểm.
Việc sử dụng xe máy quá nhiều (bất kỳ lúc nào, mục đích gì và quãng đường nào) đã làm cho người dân bỏ hẳn thói quen đi bộ. Do đó vỉa hè hiện không dành cho người đi bộ mà chủ yếu làm chỗ đậu xe máy.
TS Mai nói thêm, một đặc điểm của dòng lưu thông hỗn hợp là các loại xe máy rất hay vi phạm luật giao thông như: lấn tuyến, đi ngược chiều, tràn lên vỉa hè… Khi xảy ra ùn tắc, khác với ôtô xếp theo dòng, xe máy làm các loại phương tiện trở thành cuộn chỉ rối không thể tháo gỡ - ùn tắc càng nghiêm trọng hơn. Xe buýt hầu như phải bơi trong vòng vây xe máy và mất tác dụng hoàn toàn.
PGS. TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách Khoa TP HCM. Ảnh: H.N
Nói về việc cần hạn chế rồi cấm xe máy để giảm ùn tắc, ông Mai cho đây là kết quả được làm rõ từ xu hướng của các nước phát triển và đang phát triển. Họ đều xây dựng nền văn minh đô thị mà giao thông là phương tiện công cộng (tàu điện ngầm, tàu điện mặt đất, xe buýt…) và ôtô con là chủ yếu.
"TP HCM nên đi theo quan điểm này, không nên để xe máy là loại hình giao thông cá nhân, tác động xấu, nguy hại đến an sinh xã hội và tính mạng con người. Phải hạn chế sao cho tỷ lệ tham gia giao thông hỗn hợp xuống dưới 40%, từ đó loại dần ra khỏi hệ thống giao thông ở thành phố và cả nước", ông nói.
Tuy nhiên ông Mai cũng nhìn nhận, để làm được điều này trước tiên thành phố phải tăng cường năng lực giao thông công cộng.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phạm Sanh (Giảng viên ĐH Giao thông Vận tải) lại cho rằng, tình trạng kẹt xe hiện nay xuất phát từ nhu cầu đi lại. Các cơ quan chuyên ngành giao thông cần phải công tâm, thực tế đánh giá, không thể đổ lỗi kẹt xe là do xe máy.
"Nhu cầu của người dân là đi từ điểm này đến điểm khác, bằng đường nào, phương tiện gì, đạt đến giờ giấc ra sao, chi phí, hiệu quả? Ngành giao thông cần phải quản lý, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện nhu cầu có thật này", ông Sanh nói.
Theo ông, thành phố phải làm tốt hạ tầng, mạng lưới giao thông công cộng. Nếu được như vậy, người dân sẽ không chạy xe máy lòng vòng ngoài đường cho cực khổ.
Tỷ lệ các loại xe tham gia lưu thông trên đường TP HCM.
Đồng quan điểm, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM - TS Võ Kim Cương cũng cho rằng xe máy là phương tiện cứu cánh giao thông đô thị trong điều kiện thành phố chưa đảm bảo phát triển xe buýt; hệ thống đường thiếu, chưa đồng bộ, khu dân cư toàn đường hẻm…
"Xe máy không phải nguyên nhân, mà ngược lại làm giảm tắc nghẽn giao thông. Nó có lưu lượng lớn và nhanh hơn xe buýt, có thể đi vào các đường hẻm. Không những vậy, đi xe máy cũng cho năng xuất lao động cao hơn vì quỹ thời gian mất ít hơn cho việc di chuyển", ông Cương nói.
Tuy nhiên, TS Cương cũng nhìn nhận, về lâu dài cần hạn chế xe máy để thành phố văn minh hiện đại. Xe máy thiếu an toàn, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người giàu… Do đó, không nên cấm hoàn toàn xe máy mà chỉ nên thí điểm cấm một số khu vực.
Hữu Công (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.