“Xé” nhỏ mã vùng trồng thanh long, tỉnh Long An muốn điều gì khi nông dân đang thua lỗ nặng?

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 01/04/2022 07:00 AM (GMT+7)
Sau khi cấp mã vùng trồng thanh long, tỉnh Long An đang có kế hoạch “xé” nhỏ mã vùng trồng này để giảm thiểu rủi ro xuất khẩu.
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, việc "xé" nhỏ mã vùng trồng thanh long là để giảm rủi ro khi xuất khẩu thanh long ra các thị trường khó tính.

“Xé” nhỏ mã vùng trồng thanh long, tỉnh Long An muốn điều gì trong khi nông dân thua lỗ nặng? - Ảnh 1.

Sau những vụ thanh long thua lỗ, nông dân huyện Châu Thành chưa hào hứng với việc cấp lại mã vùng trồng thanh long. Ảnh: Trần Đáng

Không dễ "xé" nhỏ mã vùng trồng thanh long

Theo ông Trần Văn Nĩnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành (Long An), trước đây việc cấp mã vùng trồng thanh long trên địa bàn thực hiện theo từng xã.

Giờ ngành nông nghiệp phải cấp lại với quy mô nhỏ hơn, theo từng tổ hợp tác để tránh trùng lặp mã vùng trồng.

"Nếu một lô thanh long xuất khẩu có vấn đề thì những lô khác sẽ không bị vạ lây", ông Nĩnh giải thích.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nĩnh, với tình hình giá thanh long thua lỗ như hiện nay, nông dân không còn hào hứng xin cấp mã vùng lại. "Nông dân chưa ưa làm, khó quá!" - ông Nĩnh chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Xinh, nông dân trồng thanh long ở xã Thanh Phú Long (Châu Thành) nghe thông tin cấp lại mã vùng trồng, cũng không hào hứng lắm.

Mặc dù bản thân ông cho rằng, đây là việc phải làm, thanh long chất lượng, an toàn, thị trường mới chấp nhận.

Nhưng theo ông Xinh, cây thanh long đang bước vào vòng lặp. Thời buổi "hoàng kim" cây thanh long là cây xóa đói, làm giàu đã hết.

Nhiều nông dân đã chặt phá, bán đất vườn thanh long.

"Giờ muốn tồn tại với thanh long nên làm diện tích vừa sức mình để dễ kiểm soát, và hạn chế thuê mướn nhân công", ông Xinh nhận định.

“Xé” nhỏ mã vùng trồng thanh long, tỉnh Long An muốn điều gì trong khi nông dân thua lỗ nặng? - Ảnh 3.

Nhiều nông dân đang đốn hạ vườn thanh long do giá thanh long hạ sát đất, việc cấp lại mã vùng trồng thanh long lúc này xem ra khó khả thi. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, ông Xinh đang trồng 500 trụ thanh long. Vợ chồng ông thay nhau chăm sóc, thu hoạch vườn thanh long mà không cần thuê mướn nhân công.

"Giờ cứu cánh của thanh long là lấy công làm lời", ông Xinh thổ lộ.

Tính đến tháng 4/2021, tỉnh Long An có 54 mã vùng trồng thanh long với diện tích hơn 9.800ha, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm.

Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Như vậy, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số mới có thể xuất khẩu sang các nước đã ký hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương với Việt Nam, như: Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… 

Quy hoạch và cấp lại mã số vùng trồng thanh long

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Long An, với tình hình các thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính, không còn cách nào khác tỉnh Long An phải nâng cấp vùng trồng thanh long.

Tỉnh đã lên kế hoạch quy hoạch lại vùng trồng thanh long, gắn với tiêu chuẩn, chất lượng, cũng như cấp mã vùng trồng.

“Xé” nhỏ mã vùng trồng thanh long, tỉnh Long An muốn điều gì trong khi nông dân thua lỗ nặng? - Ảnh 4.

Tỉnh Long An đang lên kế hoạch cấp lại mã vùng trồng thanh long theo hướng "xé" nhỏ. Ảnh: Trần Đáng

Ông Thanh khẳng định, sẽ không mở rộng vùng trồng thanh long. Thời gian tới ngành nông nghiệp chủ yếu nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn thanh long.

Song song đó, sẽ thay đổi tập quán, thói quen của nông dân khi sản xuất thanh long.

"Trước khi trồng thanh long phải tính đầu ra, không sản xuất ồ ạt rồi đem ra chợ bán. Cũng phải thay đổi suy nghĩ bán được một vụ dư bù các vụ thua", ông Thanh thổ lộ.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm, thời gian qua, dù ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng công nghệ cao, làm chuẩn quy trình VietGAP, GlobalGAP cho vùng trồng thanh long, nhưng mới chỉ đáp ứng được 20% lượng thanh long sản xuất.

"Phải thừa nhận, việc vận động nông dân nâng chất lượng thanh long còn khó", ông Thanh cho biết.

Ông Thanh cũng đề cập đến việc chế biến sâu thanh long xem như một hướng ra của trái thanh long.

Hiện trên địa bàn tỉnh Long An, ngoài một vài cơ sở chế biến nhỏ, còn 2 công ty chế biến thanh long là Nafood và Navifood.

Tính chung, các cơ sở và doanh nghiệp chế biến thanh long, mới chỉ chiếm 2-3% trong sản lượng trái thanh long thu hoạch.

“Xé” nhỏ mã vùng trồng thanh long, tỉnh Long An muốn điều gì trong khi nông dân thua lỗ nặng? - Ảnh 5.

"Xé" nhỏ mã vùng trồng thanh long để giảm thiểu rủi ro xuất khẩu. Ảnh: Trần Đáng

Tình Long An đang đề nghị 2 công ty Nafood và Navifood nâng cao hơn nữa năng suất chế biến thanh long, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu.

"Công ty Nafood đã có kế hoạch xin mở rộng nhà máy để nâng công suất chế biến thanh long", ông Thanh thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem