Ai tội nghiệp ai?
Tôi hỏi cậu xe ôm trẻ: Lúc này có còn bị đánh không? Dạ, đỡ rồi cô. Xe Grab giờ nhiều, mà bị đánh riết cháu rút kinh nghiệm, không dám dừng ở những điểm đón khách cố định. Khách gọi điện mới dám đi đón thì không bị đánh nữa.
Trung Quốc đang giảm công suất điện than trong nước và đầu tư vốn và công nghệ ô nhiễm này sang các nước khác. Trong đó có dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện than lớn nhất ở Duyên Hải, Trà Vinh.
Mấy tháng trước, đọc báo thấy chuyện anh xe ôm bị đâm ở đường Thuận Kiều, tôi thương quá, mà rồi nghĩ tới mấy anh xe ôm cùng xóm lúc này ế chảy, lại cũng thấy thương. Thỉnh thoảng ngồi càphê đầu hẻm, tôi ngồi giữa hai “phe”, Grab và tự do, thấy họ thuận hoà cũng ấm lòng chút xíu. Họ toàn dân trong xóm, mặc nhiên nhường nhau, xe Grab đón khách vãng lai, còn xe ôm tự do cứ chạy cho mấy mối sẵn (mấy bà đi chợ, con nít đi học hàng ngày) và chuyên trị khách trong xóm. Họ bao nhau càphê và còn bao tôi. Chứ như mấy ông Vinasun với Uber thì căng quá. Tới 10.000 nhân viên muốn đứng đơn kiện Uber? Là kiện... công nghệ mới?
Cái thằng cha tên là “công nghệ mới” này quá lợi hại, quá ác, nhưng chả không có hộ khẩu nhà cửa lý lịch gì cụ thể, làm sao kiện? Giống như vé số kiến thiết đòi kiện Vietlott vậy. Anh bạn bán vé số trong xóm hay ăn sáng món bún bò 15 ngàn một tô với tôi than lúc này vé số ế, tôi chắc anh không biết là năm 2016 Vietlott đạt doanh số hơn 1.000 tỉ chỉ riêng ở Sài Gòn và nộp cho địa phương tới 257 tỉ. Nhiều lời chỉ trích là họ được hưởng quá nhiều ưu đãi, nhưng có mấy ai nghiên cứu kỹ để dẹp họ, mà không dễ dẹp khi người mua ngày càng thích họ, giải thưởng họ khủng và họ nộp cho Nhà nước cũng khủng?
Đâu phải tìm hiểu nghiên cứu xa xôi gì, rõ ràng sức ép công nghệ mới đã thải loại những người không kịp thích nghi. Thương ai đây trước thực tế công nghệ sẽ len lỏi ngày càng sâu thêm vào cuộc sống ngay cả những người bình dân yếu thế nhất?
Nhanh chóng thích nghi nhưng đừng giải khát bằng thuốc độc
Cuộc chiến sống còn vì cạnh tranh công nghệ đâu miễn trừ ai. Tuần qua, báo chí Mỹ đăng tin Microsoft quyết giành giựt thị phần giáo dục Hoa Kỳ bằng thế hệ máy điện toán mới tên “Surface”, thay cho máy Chromebook của Google đang mạnh nhất. Chợt nghĩ ngay tới cách “ứng phó” của nhiều trường ở Việt Nam: phải hiện đại hoá giáo dục bằng mua sắm thiết bị hiện đại, máy chiếu. Tình cờ lại đọc thấy trên Facebook phản bác của TS toán Nguyễn Tiến Dzũng, đại học Toulouse: thế kỷ 21 vẫn cần bảng đen vì “đưa kiến thức vào óc người phải cho thời gian để suy ngẫm và hiểu, nghĩa là dùng bảng đen để giảng bài là phù hợp hơn với khả năng tiếp thu của học sinh” (anh Dzũng không hiểu cách “đổi mới” của Việt Nam rồi?)
Dư luận báo chí Việt Nam gần đây sôi nổi chuyện Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Thủ tướng đã chỉ đạo tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Trong cùng ngày 10.5.2017, tôi nhận được hai thư mời (của bộ Khoa học và công nghệ và trung tâm nghiên cứu SCIS của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) cùng về chủ đề này. Trong những bữa càphê, đã nghe các bạn trẻ xì xào “rồi thì vật dụng trên người mình, trong nhà mình sẽ trang bị cảm biến và tương tác với nhau hết”. Trong hàng loạt cuộc hội thảo gần đây về 4.0, một ý kiến đáng chú ý: “Một trong những tác động căn bản nhất của cuộc cách mạng này là thúc đẩy chúng ta dứt khoát với mô hình tăng trưởng (cũ) theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, thu hút vốn FDI và xuất khẩu sản phẩm thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp. Phải tái cơ cấu nền công nghiệp bằng dịch chuyển sang các ngành công nghệ cao, sản phẩm giá trị gia tăng cao”. Đó là định hướng, đây mới là thực tế: Theo báo cáo của cục Đầu tư nước ngoài bộ Kế hoạch đầu tư, vốn của Trung Quốc đổ vào mua cổ phần cổ phiếu các công ty Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2017 tăng cao. Chỉ trong quý 1/2017, Trung Quốc đầu tư vào 256 dự án của Việt Nam, trị giá 823,6 triệu USD, đứng thứ 3 trong 71 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thời gian này, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Chúng ta cũng biết và phải biết là từ cuối năm 2016, Trung Quốc đã cấm hàng loạt nhà máy thép, ximăng, hoá chất ở các khu công nghiệp phía bắc nước họ vì hoạt động đã gây ô nhiễm nặng nề. Như vậy đã rõ, họ đẩy các nhà máy mà họ cấm và muốn vứt đi, sang Việt Nam. TS Nguyễn Đức Thành, viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, xác nhận, Trung Quốc đang thực hiện bước chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và máy móc cũ của các ngành: may mặc, sắt thép, khai khoáng, thuỷ điện và sản xuất điện tử sang Việt Nam.
Vậy tiếp nhận đầu tư ồ ạt của họ để có số GDP tăng trưởng đẹp, phải chăng là giải khát bằng…thuốc độc? Nhân thể, xin tham khảo một bài phân tíchcủa nhà báo Fred Hiatt, mới đăng trên Washington Post ngày 7.5.2017: “Trung Quốc đang thống trị thế giới nhưng không phải theo cách bạn nghĩ”. Fred cho rằng, Trung Quốc không cạnh tranh bằng vũ khí, tàu sân bay mà bằng cách kiểm soát năng lượng mặt trời, điện toán đám mây và các ngành công nghiệp khác trong tương lai… Họ mua các công ty công nghệ và cả công nghệ tiên tiến của Mỹ và tìm mọi cách ngăn cản các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. Họ có một chiến lược phát triển công nghiệp lâu dài và họ thực hiện được.
Như vậy, nhìn chiến lược công nghiệp của họ, nhìn xuyên suốt từ cách họ tiến hành trong nước, ở Hoa Kỳ, ở châu Âu và rồi ở… Việt Nam, chúng ta hiểu sâu thêm cách họ “định vị” Việt Nam trong chiến lược công nghiệp của họ. Tiếp cận CMCN 4.0, trước hết là nhận thức về chính sách công nghiệp của mình, với FDI và nhất là với nhà đầu tư Trung Quốc. Lâu rồi, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam nói mãi chẳng làm được bao nhiêu. Lần này với sức ép của cuộc CMCN 4.0 chúng ta càng không có đường lùi. Càng lảng tránh hay tiếp cận theo cách thực dụng, càng thiệt hại lớn.
Như cách cạnh tranh bằng đi thưa kiện, hoặc đón đường đánh xe ôm Grab thay vì tìm mô hình kinh doanh có sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng và tiện ích của dịch vụ là đi ngược xu hướng 4.0 rồi. Và tiếp tục tăng trưởng theo kiểu cũ là giải khát bằng thuốc độc.
Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.