Xe khách, xe ôm “lộng hành”
Sau 3 ngày chính thức thông xe, lưu thông trên tuyến đường cao tốc trên cao (vành đai 3 Mai Dịch – Bắc Hồ Linh Đàm) cơ bản đã hoạt động trơn tru và phần nào giúp lưu lượng phương tiện lưu thông các tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển.
|
Hoạt động đón trả khách và xe ôm chèo kéo khách trên tuyến đường cao tốc trên cao. |
Tuy nhiên, tuyến đường này cũng nhanh chóng trở thành nơi trả đón của xe ô tô khách liên tỉnh, đặc biệt là ở ngã rẽ xuống đường Nguyễn Xiển và đường Khuất Duy Tiến gần nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi.
Cũng tại đây, theo quan sát, ghi nhận của phóng viên Dân Việt vào sáng 23.10, có đến hàng chục lái xe ôm thường xuyên túc trực để chèo kéo khách vừa xuống từ các xe ô tô khách, thậm chí một số còn gây gổ tranh giành khách của nhau.
Một số người dân còn trèo qua các lan can của đường nhánh lên đường cao tốc để đón xe khách dù đã được tuyên truyền nhắc nhở.
Theo quy định, tuyến đường cao tốc trên cao chỉ dành riêng cho ô tô và được lưu thông với tốc độ tối đa 80km/giờ. Vì vậy, việc đón trả khách và hoạt động xe ôm trên tuyến đường này là hết sức nguy hiểm.
>> Đường vành đai 3 trên cao biến thành... bến xe tấp nập
Người dân bất chấp quy định, coi thường mạng sống
Anh Lê Văn Sử (ở Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội), người từng đi bộ tập thể dục trên đường cao tốc trên cao này, cho biết: “Trước khi xảy ra tai nạn, tôi và một số người hàng xóm thường rủ nhau lên đây để tập thể dục, hóng mát. Nhiều lúc xe ô tô chạy vút qua, chúng tôi cũng giật mình hốt hoảng nhưng vẫn tiếp tục tập thể dục. Nhưng sau khi nghe vụ tại nạn thương tâm tôi đã không dám đi lên đó nữa. Còn một số hàng xóm của tôi vẫn đi tập thể dục trên đó”.
Cũng theo anh Sử, không chỉ riêng anh, hàng đêm rất đông đảo người dân gần cầu vượt cạn vành đai 3 thường lên tụ tập lên đó hóng mát và tập thể dục bất chấp nguy hiểm.
Trao đổi với PV Dân Việt, thiếu úy Nguyễn Ngọc Khương - Đội CSGT số 7 (CA Hà Nội) cho biết: “Đây là đoạn đường trên cao rất nguy hiểm cho xe máy, người đi bộ. Khi đường trên cao đưa vào sử dụng, một số người thiếu ý thức bất chấp lệnh cấm vẫn cố tình đi xe máy lên cầu.
Thực tế, từ lúc đưa tuyến đường vào khai thác, Đội CSGT 7 đã bố trí lực lượng ở tất cả các điểm lên xuống cầu thuộc phạm vi quản lý để hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý lái xe máy cố tình đi vào đường cấm. Tuy nhiên, những lúc vắng mặt CSGT, một số người thiếu ý thức đã đi xe máy lên cầu. Vì vậy đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đáng tiếc”.
Theo thiếu úy Khương, từ khi được lãnh đạo đội điều xuống làm nhiệm vụ ở đường nhánh lên đường cao tốc thì các phương tiện cấm lưu thông trên cầu có giảm đi, nhưng một số người tham gia giao thông vẫn thiếu ý thức, liều lĩnh đi lên.
“Việc xử lý xe khách đỗ trên đường và người đi bộ là rất khó, dù chúng tôi đã tuyên truyền nhắc nhở rất nhiều, có nhiều trường hợp đã bị xử phạt nhưng người ta vẫn tái phạm”, Thiếu úy Khương cho hay.
Thắng Quang - Mạnh Lực
Chốt chặn và xử phạt ngay
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết:
Việc đường cao tốc trên cao Hà Nội (đường vành đai 3 Hà Nội, giai đoạn 2) có 2 người thiệt mạng sau 2 ngày thông xe là hết sức đáng tiếc. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là người điều khiển xe máy đi lên tuyến đường này, thậm chí là đi ngược chiều; cho dù tuyến đường này chỉ dành cho ô tô.
Ngay trong sáng 23.10, ông Hiệp đã trao đổi với Phòng CSGT và Thanh tra Giao thông Hà Nội để tăng cường việc đảm bảo giao thông trên tuyến đường này. Theo đó, hai lực lượng này ngay lập tức tổ chức lực lượng tuần tra xử lý 24/24 giờ, trong 1 tháng đầu (theo ông Hiệp, hai ngày sau khi thông xe, lực lượng CSGT chỉ chốt chặn đến 22 giờ, 2 vụ tai nạn xảy ra sau giờ này).
Ông Hiệp cho biết, các lực lượng được phân công sẽ chủ yếu chốt tại các đường dẫn lên tuyến cao tốc để chặn các xe máy và làm công tác phân luồng. Ông Hiệp cũng cho biết, ngay trong ngày 23.10, các lực lượng đã tiến hành xử phạt đối với các phương tiện vi phạm trên tuyến đường này.
Sĩ Lực (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.