Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm nay, tuy nhiên, màn múa "Con đĩ đánh bồng" (còn được gọi là múa bồng) được chờ đợi nhất diễn ra vào buổi chiều. Hàng ngàn người dân địa phương và các vùng lân cận về đây dự hội, tạo không khí rộn ràng suốt làng trên xóm dưới.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, những người được tuyển chọn trong đội múa phải đáp ứng nhiều tiêu chí, ngoài việc múa dẻo, gương mặt phải có thần thái.
Trong đó, bắt buộc phải là dân làng Triều Khúc, ngoan ngoãn, thành đạt, mặt mũi sáng sủa, khôi ngô, lý lịch trong sạch.
Các cụ cao niên trong làng Triều Khúc cho biết, điệu múa "Con đĩ đánh bồng" có từ thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh thắng giặc Đường tại thành Tống Bình (Hà Nội bấy giờ).
Sau đó, Phùng Hưng chọn đình làng Triều Khúc làm nơi khao quân, cho những chàng trai đóng giả gái nhảy múa để khích lệ quân lính. Đó là nguồn gốc của một trong những điệu múa cổ nhất Thăng Long, còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Lễ hội làng Triều Khúc diễn ra từ hôm nay, mùng 9.1 âm lịch tới hết 12.1 âm lịch.
Những trai làng Triều Khúc mặt hoa da phấn khi tham gia điệu múa "Con đĩ đánh bồng"
Điệu múa rộn ràng, thanh niên ai cũng phải duyên dáng, mắt lúng liếng, tay chân phối hợp nhịp nhàng
Chị Thanh Thúy (Triều Khúc) cho biết chị rất thích điệu múa cổ này của làng, ai xem cũng cảm thấy vui khi đặc biệt điệu múa được thể hiện bởi những chàng trai trong làng.
Những điệu múa uyển chuyển, ánh mắt đong đưa theo nhịp trống của các “con đĩ đánh bồng”
Năm nay, hội làng Triều Khúc diễn ra vào đúng ngày cuối tuần nên lượng người dân và du khách đến thăm hội tăng đáng kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.