Xem xét lập khung giờ cho công nông lưu thông

An Nhiên (thực hiện) Thứ ba, ngày 15/12/2015 07:35 AM (GMT+7)
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đăk Lăk đã xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông làm chết 26 người. Giải pháp nào để hạn chế tai nạn giao thông từ loại phương tiện này? NTNN trao đổi với ông Y Puăt Tơr - Giám đốc Sở GTVT Đăk Lăk.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe công nông, xe máy kéo liên tiếp xảy ra. Ông đánh giá thế nào về tình trạng trên?

img

Hiện trường vụ xe công nông gây tai nạn liên hoàn tại huyện Krông Púk, Đăk Lăk ngày 11.12. Ảnh:  D.V

- Quả thật đây là một trong những thách thức lớn của tỉnh Đăk Lăk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Xe công nông, hay còn gọi là máy kéo nhỏ chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thậm chí cả chở người. Bà con hay sử dụng nhưng công nông lại không có đường riêng, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đăk Lăk kiến nghị các cơ quan chức năng đưa loại xe công nông này vào quản lý thật chặt, trường hợp nào chở người, trường hợp nào không chở người. Đồng thời, loại xe này cần được đưa vào đăng kiểm mới quản lý được.

Theo ông cần thực hiện những biện pháp cụ thể nào để giảm thiểu nguy cơ TNGT từ xe công nông?

- Để cấm hẳn loại xe này đối với bà con khu vực Tây Nguyên là rất khó. Ở tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi đã về tận nơi để hướng dẫn, đào tạo bà con về cách sử dụng, lưu thông xe trên đường đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ngoài biện pháp đó, chúng tôi giao lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Thời gian qua cũng đã có hiệu quả.

Nhiều giải pháp, biện pháp đã được thực hiện nhưng tai nạn vẫn xảy ra đối với loại phương tiện này. Ông có cho rằng vẫn còn sự lơi lỏng trong quản lý xe công nông, xe máy kéo hay không?

 "Nói thật là cấm làm sao bây giờ, khi mình làm mạnh quá bà con bỏ xe đấy, cơ quan chức năng kéo cũng không kéo được. Trị giá một đầu xe công nông cũng không bao nhiêu, rồi cũng phải trả lại cho bà con”.
Ông Y Puăt Tơr

- Nhìn chung việc quản lý loại phương tiện này vẫn chưa quyết liệt.  Ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, cần phải kèm theo xử lý hành vi vi phạm. Như tôi đã nói là cần phải có đăng kiểm, loại phương tiện này phải thuộc diện quản lý. Tất nhiên là anh được hoạt động trong nương rẫy rồi nhưng khi hoạt động trên đường phải đầy đủ điều kiện. Chúng tôi đã thực hiện xong việc cấm xe công nông đầu ngang từ lâu, giờ đến việc quản lý xe máy kéo nhỏ.

Trong điều kiện chưa cấm tuyệt đối được xe máy kéo, xe công nông đầu dọc có cần thiết phải quy định khung giờ chạy cụ thể cho loại phương tiện này?

- Đây là một giải pháp hay, chúng tôi cũng đã suy nghĩ lâu rồi. Hiện giờ chưa quy định khung giờ chạy, vì vậy chúng tôi sẽ phải tiếp tục nghiên cứu cái này. Cụ thể cần quy định thế nào là khung giờ cao điểm, để thông báo cho các phương tiện khác là giờ này phương tiện xe công nông chạy nhiều để lưu ý. Ban an toàn giao thông tỉnh sẽ phối hợp các ngành tham mưu cho HĐND, UBND để thực hiện biện pháp này. Hiện giờ dù đã có quy định cấm công nông chở người nhưng bà con vẫn chở người trên quốc lộ. Đây là vấn đề thực tiễn ở địa phương hiện nay, cần kiên trì thực hiện nhiều giải pháp và phù hợp với đặc điểm từng vùng miền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem