Xếp hàng nửa đêm, đạp cổng tranh suất vào lớp 1 cho con: Chọn trường thế nào cho đúng?
Xếp hàng nửa đêm, đạp cổng tranh suất vào lớp 1 cho con: Chọn trường thế nào cho đúng?
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 25/02/2023 10:04 AM (GMT+7)
Mới đây, hàng trăm phụ huynh xếp hàng trong đêm chờ mua hồ sơ cho con vào lớp 1 Trường Marie Curie, Hà Nội, nhận được quan tâm từ dư luận. Trước đây, cảnh phụ huynh đạp đổ cổng trường chỉ mong có suất cho con vào lớp 1 trường Thực nghiệm cũng từng gây chấn động...
Cứ mỗi mùa tuyển sinh là phụ huynh lại lo lắng cho việc chọn trường cho con. Có thể đó là ngôi trường yêu thích, phù hợp với tiêu chí của gia đình, tuy nhiên cũng có một số cha mẹ đăng ký vào trường "hot" chỉ vì "nghe nói trường này tốt"; "thấy mọi người khen"; "cơ sở vật chất đẹp"... mà không biết con có thích ứng được không, gia đình có đủ tài chính, định hướng để cho theo chặng đường dài hay không.
Chọn trường cho con thế nào?
Chị Phạm Thu Hằng, sống tại Hà Nội có con trai từng học chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, đang du học tại Mỹ và con gái đang theo học một trường quốc tế ở Hà Nội chia sẻ về chọn trường cho con.
Không phải chạy theo số đông để chọn trường, theo chị Hằng, cha mẹ sẽ có 3 lựa chọn: Trường quốc tế, trường tư thục và trường công. Không có mô hình trường học nào là hoàn hảo mà chỉ có thể chọn trường học phù hợp với khả năng, điều kiện của học sinh và gia đình. Còn mỗi trường sẽ có một ưu, nhược điểm riêng.
Trường công
Trường tư
Trường quốc tế
Ưu điểm
Ưu điểm là có nhiều trường, có thể chọn trường gần nhà, có thể chọn lớp có cô giáo dạy giỏi, học phí rẻ.
Ưu điểm là học sinh được chăm sóc tốt hơn, được chiều hơn, có rất nhiều trường tốt, nhưng cũng phải thi đầu vào và cạnh tranh khá cao. Trường phải thi đầu vào đồng nghĩa với việc dạy và học khá ổn, các gia đình cho con vào đều khá giả và quan tâm con cái.
Nếu học sinh được ở lớp chọn thì khá hoàn hảo vì đa phần là cô giáo tốt và các bạn cùng lớp cũng thông minh.
Tuy nhiên, đây cũng là áp lực của học sinh. Nếu học sinh không theo kịp bạn mình sẽ đuối sức và nản. Nếu học sinh giỏi thì sẽ có nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi, được các giải thưởng vì đây cũng là cách mà các trường lựa chọn để xây dựng thương hiệu.
Ưu điểm là con được học theo cách tương đối thoải mái, được thể hiện bản thân, sử dụng ngoại ngữ là chính và áp lực học hầu như không có.
Nhược điểm
Khuyết điểm là lớp quá đông, học sinh phải nỗ lực để theo các bạn trong lớp, chế độ chăm sóc của cô giáo cũng chỉ ở chừng mực nhất định, không thể như ở nhà 1 mẹ chăm 1, 2, 3 con được.
Đây là sự lựa chọn dung hòa giữa trường công và trường quốc tế nhưng chất lượng các trường dân lập chênh nhau khá nhiều. Bạn sẽ thấy nhiều luồng ý kiến "trường đấy học nặng lắm, như học chuyên" hoặc "trường đấy giáo viên chiều học sinh lắm, toàn chơi, chả học gì". Học phí tùy từng trường như cũng khá cao, phù hợp với các gia đình khá giả.
Tuy không có áp lực học ganh đua, học sinh lại có áp lực khó hơn là vượt lên chính mình và phải tự ý thức vì thầy cô không giục giã nhắc nhở. Học phí quá cao, phù hợp với gia đình nào có kinh tế ổn định bởi vì nếu học công lập hoặc dân lập, nếu con thích học quốc tế thì chuyển sang khá dễ dàng.
Những học sinh đang học quốc tế chuyển sang dân lập hoặc công lập thì không phải bạn nào cũng thích nghi được. Và một khuyết điểm khá lớn nữa là tiếng Việt của học sinh không tốt lắm, không hiểu nghĩa nhiều từ.
Nếu cha mẹ có thời gian dạy con, điều kiện kinh tế tốt thì chọn trường nào cũng được. Nếu bạn ít thời gian, không muốn con áp lực và điều kiện kinh tế ổn định thì chọn trường quốc tế. Tuy nhiên, bạn phải tính học phí cho 12 năm phổ thông và 4 năm đại học, chứ đừng tính theo năm.
Nếu bạn muốn con học tốt tiếng Việt, học hành vừa phải thì có thể chọn các trường dân lập không yêu cầu thi đầu vào. Nếu bạn thấy con có khả năng đặc biệt nào đó, hãy chọn các trường công có tiếng (đồng nghĩa với việc chọn cả cô giáo cho con, gọi là chọn lớp), hoặc các trường dân lập có thi đầu vào và có luyện thi để tiếp tục học chuyên ở cấp 2.
Nếu bạn không có điều kiện kinh tế, cũng không nhiều thời gian, thì nên chọn cho con trường gần nhà, con có thể tự đi học.
Chọn trường cấp 2, nếu con bạn học xuất sắc, hãy cố gắng động viên con thi chuyên. Môi trường này cũng người khen người chê, nhưng cơ bản, đứa trẻ xuất sắc sẽ phát triển rất nhanh do môi trường đào tạo và bạn bè đa phần đều giỏi, tự con sẽ biết phải đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân.
Nếu con bạn học giỏi, có thể thi vào các lớp chọn ở các trường công có tiếng về chất lượng hoặc vào các trường dân lập có yêu cầu thi đầu vào cao. Môi trường này các bạn được rèn học không kém gì trường chuyên và tính kỷ luật rất cao. Nhưng phải theo dõi con, nếu con không theo được, hãy chuyển con ra lớp bình thường càng sớm càng tốt, con sẽ không bị nhụt chí và bố mẹ cần phải đầu tư xác định mục tiêu cho con như đa số những đứa trẻ khác.
Đối với 2 môi trường học trên, áp lực của các bạn chuyên là phải tiếp tục đỗ vào chuyên, khẳng định được khả năng của mình. Còn các bạn trường ngoài cũng chịu áp lực đỗ chuyên, nhưng dù gì, việc đỗ cũng chỉ là ước mơ chứ không phải là hiện thực như các bạn chuyên mà buộc phải giữ.
Nếu con học bình thường, tùy theo điều kiện kinh tế và khả năng của con để chọn trường, nên ưu tiên môi trường tốt và gần nhà.
Cấp 2 thì cũng có một sự phân chia đối với các bạn ngoài trường chuyên. Nếu con bạn muốn thi chuyên cấp 3 và chịu được áp lực, chăm học và sức khỏe tốt, nên ưu tiên chọn trường cấp 2 học nửa ngày vì thời gian đi học thêm và làm bài tập khá nhiều. Nếu bạn chọn cho con học cả ngày, bạn sẽ phải chứng kiến cảnh con học cả ngày, hết giờ bổ nhào tới các lớp học thêm, đêm về triền miên bài tập. Khoảng thời gian này có thể kéo dài 2 năm từ lớp 8 đến lớp 9 nên các bạn đừng coi thường chi tiết này. Không phải đứa trẻ nào cũng chịu được áp lực.
Nếu cấp 2 học quốc tế, nhiều khả năng bạn sẽ phải xác định con muốn du học sớm vì đa số các bạn đều đi, số lượng học sinh cấp 3 ở trường quốc tế rất ít. Theo cá nhân mình, ít bạn học cũng là một nhược điểm của trường quốc tế.
Ở cấp 3, nếu con bạn xuất sắc thì hãy cố vào chuyên. Trường chuyên thường có 2 lựa chọn: thi giải quốc gia để vào thẳng đại học bằng 1 môn học. Ngoài ra, một số bạn xác định du học là lựa chọn số 2, sẽ học nhàng nhàng ở trường, dành đa số thời gian để học và hoàn thiện hồ sơ du học. Nếu con bạn đỗ chuyên mà học bình thường thì xác định vẫn phải học đều các môn và đi học thêm bên ngoài để thi đại học.
Nếu con bạn không đỗ chuyên, bạn nên hỗ trợ con xác định trường đại học mà con dự kiến muốn học, tìm hiểu xem môn học nào con có khả năng nhất để đạt được mục tiêu, các môn không thi đại học cũng không cần học nhiều vì sẽ lấy đi của con bạn khá nhiều quỹ thời gian cho việc học ôn thi đại học. Có thể con sẽ trượt các trường mà con mong muốn nhất nên cha mẹ cân nhắc thứ nào hơn.
Đối với các con xác định du học: Lên kế hoạch ngay từ lớp 10, hết lớp 10 hoặc hết học kỳ 1 của lớp 11 là muộn nhất phải có các chứng chỉ ielst, toefl, sat... để sang học kỳ 2 lớp 11 tập trung viết bài luận. Với các chứng chỉ tiếng Anh và SAT, học sinh giỏi 3 năm được một số trường đại học nhận thẳng, con không du học được thì vẫn có cơ hội vào các trường đại học tốt ở Việt Nam.
"Các bố mẹ có con giỏi có thể tự hào về con, nhưng nếu con không giỏi thì hãy AQ, vì học không phải là việc cứ cố mà được. Hãy cứ nhớ, cả lớp 40 bạn nhưng chỉ 1, 2 em giỏi thôi, con mình trong số còn lại cũng là bình thường. Nhưng luôn luôn động viên con phải chăm chỉ, cố gắng và xác định mục tiêu cụ thể cho mình", chị Hằng chia sẻ.
Theo chuyên gia giáo dục độc lập Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi chọn trường cho con, cha mẹ cần ưu tiên các tiêu chí sau:
- Chọn cho con ngôi trường gần nhà. Gần nhà thì con sẽ có thể tự đi đến trường và con sẽ học được tính tự lập rất tốt. Các cha mẹ cũng dễ dàng xử lý vấn đề nếu như con có chuyện gì đó ở trường.
- Chọn lớp ít học sinh và không có tiếng tăm, lớp chọn. Lớp tốt, trường tốt có nhiều tiêu chí chứ không phải chỉ riêng cô giáo có thành tích tốt.
- Ở các trường dân lập, phụ huynh cân nhắc với việc chọn lớp song bằng và tiếng Anh, vì chương trình học nặng hơn trường công lập. Nhiều học sinh không thể "tải" hết được cả chương trình của trường và chương trình của Bộ GDĐT. Học sinh tiểu học không nên yêu cầu quá nhiều khiến các em sợ học.
- Cha mẹ nên đến cổng trường và nói chuyện với bọn trẻ. Nếu trường nào có tỉ lệ các cháu lễ phép, ngoan ngoãn và lịch sự cao hơn thì cho con vào. Vì giáo dục đạo đức luôn làm điểm nhấn quan trọng nhất trong mọi giai đoạn giáo dục con người. Các con đồng loạt lễ phép thì đúng là nhà trường đã giáo dục đạo đức cho các con rất tốt. Đạo đức tốt thì việc gì cũng sẽ ổn.
- Mỗi người được gọi là thành công thì có nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải do trường học quyết định. Bản thân mỗi đứa trẻ, đặc biệt là gia đình mới là yếu tố chính. Vì vậy, bản thân bố mẹ phải quan tâm, yêu thương con thì nhất định con sẽ học chỉn chu và có ích trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.