Xét tuyển thí sinh huyện nghèo: Cao không tới, thấp không thông

Thứ bảy, ngày 04/05/2013 07:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vào trường ĐH top trên rất khó, vào trường dân lập hay ĐH vùng thì ra trường thất nghiệp. Nhiều học sinh huyện nghèo giờ không mặn mà với việc xét tuyển hồ sơ theo diện ưu tiên nữa.
Bình luận 0

Đó là nhận định của ngành giáo dục các huyện nghèo trước mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2013. Dù Bộ GDĐT mở rộng hơn nữa điều kiện xét tuyển, cơ hội dành cho thí sinh huyện nghèo vẫn rất mong manh.

Cao không tới…

Bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, năm nay trường vẫn dành 1% chỉ tiêu cho xét tuyển thí sinh huyện nghèo. Tuy nhiên, ngoài điều kiện phải có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo hoặc là người dân tộc rất ít người, thí sinh thuộc diện đăng ký xét tuyển phải xếp loại học lực 3 năm THPT và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi.

img
Với điều kiện của các trường ĐH top trên hiện nay, học sinh ở các huyện nghèo sẽ rất khó để với tới.

Sau đó, căn cứ theo điểm bình quân của điểm tổng kết 3 năm lớp 10, 11, 12, nhà trường xét tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp và không quá 1% chỉ tiêu. Những thí sinh trúng tuyển sẽ phải học 1 năm dự bị, sau đó về trường học 4 năm theo đúng quy định đào tạo. “Chúng tôi tạo điều kiện cho các em có cơ hội vào học tại trường theo đúng quy chế của Bộ GDĐT nhưng cũng phải đáp ứng được mặt bằng sàn đầu vào của trường” - bà Thủy nói.

Ông Đỗ Quốc Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GDĐT khu vực phía Nam cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, ngoài các thí sinh thuộc đối tượng 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP được xét tuyển thẳng còn có thêm thí sinh thuộc các huyện sau đây được hưởng chính sách tương tự: Thí sinh thuộc diện 23 huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg; Thí sinh thuộc diện dân tộc rất ít người theo Quyết định 2123/QĐ-TTg (gồm 9 dân tộc rất ít người: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao).

Chính vì điều kiện khắt khe này, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, Trường ĐH Ngoại thương chỉ nhận được… 4 hồ sơ xét tuyển. Các em được tiếp nhận và được tổ chức học dự bị 1 năm, tới giờ vẫn chưa có kết quả học tập và cũng chưa biết các em có được học chính thức hay không.

Trường ĐH Công đoàn năm 2013 cũng xét tuyển thẳng thí sinh huyện nghèo vào hệ ĐH nhưng phải đáp ứng điều kiện có học lực 3 năm THPT đạt loại giỏi; tốt nghiệp THPT loại giỏi. Khoa Luật (ĐHQG Hà Nội) cũng chỉ xem xét, quyết định xét tuyển thẳng thí sinh huyện nghèo khi các em có học lực 3 năm THPT đạt loại giỏi và xếp loại tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi. Tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển thẳng chỉ có 5 em, trong đó ngành Luật học 3 và Luật Kinh doanh là 2 em.

Một số trường ĐH khác, như ĐH Y Thái Bình, ĐH Bách khoa thậm chí còn không xét tuyển thí sinh thuộc diện nghèo vì cho rằng, đối tượng này nếu tuyển được thì cũng quá ít so với quy mô đào tạo và khó khăn trong việc sắp xếp lớp học cho phù hợp.

Thấp khó tìm việc…

Đó là tâm trạng của ông Nguyễn Văn Hồi - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, Thanh Hóa. Mùa tuyển sinh năm nay, hầu hết các trường ĐH về làm công tác tuyển sinh tại trường là các trường ngoài công lập và ĐH vùng. “Trong khi đó, nhu cầu của đa số học sinh là vào các trường công lập vì điều kiện kinh tế của gia đình không đáp ứng được mức học phí ở các trường dân lập. Tuy nhiên, rất ít em có khả năng nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH có tiếng nên các em cũng không mặn mà với việc xét tuyển” - ông Hồi nói.

Theo hướng dẫn số 1880 (tháng 3.2013) của Bộ GDĐT về hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng thí sinh huyện nghèo, thí sinh quan tâm tới chính sách này chuẩn bị hồ sơ gồm: a) Phiếu đăng ký xét tuyển thẳng (phụ lục số 03); b) Bản sao hợp lệ học bạ 3 năm THPT; c) Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT năm 2013;

d) 2 phong bì đã dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ , số điện thoại của thí sinh;

2 ảnh chân dung cỡ 4 x 6; đ) Bản sao hợp lệ hộ khẩu thường trú.

Hồ sơ xét tuyển gửi về Sở GDĐT trước ngày 25.6.2013.

Thực tế năm 2012, trường này có 30 học sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và được nhận khoảng 20 em. “Tất cả số này hiện đang học dự bị vào ĐH vùng và ĐH dân lập, không có em nào vào được các trường ĐH top trên bởi điều kiện xét tuyển vào các trường này quá cao. Trong khi đó, nhiều học sinh của trường đã và đang học đại học vùng ra trường thất nghiệp. Hiện trường tôi đang định hướng cho các em nên học các trường nghề, bởi nếu cố học ĐH với ngành nghề không phù hợp thì các em cũng không xin được việc” - ông Hồi nói.

Trường THPT Minh Hoá (Quảng Bình) hiện vẫn chưa có thống kê về số học sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo diện huyện nghèo vì lý do thời gian nộp hồ sơ còn dài.

Tuy nhiên, bà Đinh Thị Hồng Sâm - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, trường cũng có 38 hồ sơ gửi đi xét tuyển: “Các em tự lượng được sức học của mình nên cũng chỉ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH địa phương. Chúng tôi cũng lo ngại bởi số học sinh học dồn vào 1-2 chuyên ngành của một trường ĐH vùng thì rất khó xin việc”.

Một thực tế khác, mỗi năm ở Trường THPT Minh Hoá có trên 200 em tốt nghiệp nhưng số em đạt loại giỏi chỉ một vài em. Những em này đều tự mình đi thi vì nhiều cơ hội lựa chọn hơn xét tuyển theo diện học sinh huyện nghèo và không phải học 1 năm dự bị. Vì thế, hầu như các chính sách ưu đãi về xét tuyển thẳng, các em cũng không dùng đến.

“Tôi nghĩ rằng, việc ưu tiên xét tuyển vào ĐH đối với học sinh các huyện nghèo là nhằm tạo nguồn nhân lực cho các huyện này thoát nghèo. Đây là một chính sách nhân văn, tuy nhiên Bộ GDĐT nên có quy định cụ thể chứ không nên giao cho các trường ĐH tự ra điều kiện. Như vậy, học sinh ở các huyện nghèo sẽ không bao giờ với tới. Và như thế thì không thể gọi là ưu tiên được nữa!”- bà Sâm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem