Xét xử cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận: Công ty Tân Việt Phát lãi hàng trăm tỷ đồng khi “phân lô” nghĩa trang cũ

Gia Bình Thứ năm, ngày 11/05/2023 10:16 AM (GMT+7)
Đại diện Tân Việt Phát cho hay, mua chỉ định mảnh đất có “hiện trạng mồ mả” giá 111 tỷ đồng. Còn cáo trạng thể hiện doanh nghiệp này sau đó phân nghĩa trang thành 500 lô đem bán, đã thu 499 tỷ.
Bình luận 0

Sáng 11/5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án bán rẻ 9,2ha đất tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) gây thiệt hại 45 tỷ đồng.

Nội dung vụ án, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho đấu giá hơn 9,2ha trên, giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng nhưng sau đó nhiều năm vẫn "không ai mua". Sở Tài nguyên Môi trường do vậy có văn bản đề nghị UBND tỉnh xử lý 9,2ha trên theo hướng "cho người duy nhất đăng ký đấu giá được giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá".

Xét xử cựu Chủ tịch Bình Thuận: Công ty Tân Việt Phát lãi hàng trăm tỷ khi “phân lô” nghĩa trang cũ - Ảnh 1.

Khu đất hơn 9,2ha tại Phan Thiết, vốn là đất nghĩa trang và được bán cho Công ty Tân Việt Phát.

Cùng thời gian này, Công ty Tân Việt Phát do ông Nguyễn Ngọc Phương làm Tổng giám đốc gửi văn bản tới Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Bình Thuận, đề nghị được giao 9,2ha đất phường Phú Hải dù "không thông qua đấu giá".

Năm 2017, các lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý giao khu đất trên cho Tân Việt Phát với giá năm 2013 là 111 tỷ đồng, thấp hơn thị trường, theo cáo trạng. Việc này gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Hai và các lãnh đạo, cán bộ khác.

Xét xử cựu Chủ tịch Bình Thuận: Công ty Tân Việt Phát lãi hàng trăm tỷ khi “phân lô” nghĩa trang cũ - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa.

Tại tòa, đại diện UBND Bình Thuận trong vai trò nguyên đơn dân sự đề nghị tòa tuyên Công ty Tân Việt Phát phải nộp thêm vào ngân sách 45 tỷ, khắc phục hậu quả vụ án.

Đồng thời, UBND tỉnh xin giảm nhẹ hình phạt cho các cựu lãnh đạo, cán bộ của mình với lý do họ "nhận thức pháp luật chưa đầy đủ" và "đã công tác nhiều năm, trải từ cơ sở đến cấp tỉnh, có nhiều cống hiến".

Lý do thứ 2, đại diện UBND tỉnh cho biết, khu đất trong vụ án: "Vốn là nghĩa địa, nhiều mồ mả; hố sâu khi di dời hài cốt nên không mỹ quan, các nhà đầu tư không quan tâm; dính tới yếu tố tâm linh nên khó đấu giá". Trong khi đó, áp lực thu ngân sách của tỉnh lớn nên các bị cáo trong vụ bán cho Tân Việt Phát vì: "Mục đích chung, vì tỉnh, chứ không vụ lợi".

Đại diện Công ty Tân Việt Phát đồng tình ý kiến của UBND Bình Thuận, xin nộp 45 tỷ đồng nếu như tòa án xác định con số này là thiệt hại vụ án.

Doanh nghiệp này còn cho hay không đề nghị UBND tỉnh áp giá thấp khi xin mua – giao đất; chỉ gửi công văn nói: "Doanh nghiệp khó khăn vì không bán được, hiện trạng đất là mồ mả nên đề nghị giao không qua đấu giá".

Theo cáo trạng, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, Công ty Tân Việt Phát thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 tại khu đất trên.

Doanh nghiệp này phân thành 500 lô đất, diện tích từ 100 đến 2.009 m2 rồi phối hợp với Công ty Danh Khôi (tại TP.HCM) ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng để huy động vốn với 475 lô đất trong đó.

Cáo trạng thể hiện, doanh nghiệp đã thu 50% số tiền trong hợp đồng của khách hàng với tổng số hơn 499 tỷ đồng (giá mua từ UBND tỉnh là 111 tỷ). Tân Việt Phát còn giữ lại 2 lô đất có tổng diện tích 4.000m2 để phát triển thương mại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem