Xét xử nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk: Nhiều bị cáo phản ứng với cáo trạng, HĐXX trả hồ sơ

Duy Hậu Thứ tư, ngày 21/09/2022 17:40 PM (GMT+7)
Nhiều bị cáo tại phiên tòa xét xử nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng cáo trạng truy tố không đúng với bản chất vụ việc, gây oan sai.
Bình luận 0

Chiều 21/9, phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk và 15 bị cáo - nguyên lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh Đắk Lắk - tiếp tục diễn ra.

Trong buổi chiều, nhiều bị cáo cho rằng cáo trạng truy tố không đúng bản chất vụ việc, gây oan sai. Do đó, các bị cáo đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo luật sư Phan Ngọc Nhàn, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đình Diệm (nguyên Phó Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk), quá trình thực hiện việc đấu thầu thuốc, bị cáo Diệm không tham gia, không có bất kỳ chữ ký nào nên quy kết như cáo trạng là không đúng.

Ngoài ra, năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015.

Tuy nhiên, cáo trạng không làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan nên đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Xét xử nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk : Nhiều bị cáo phản ứng với cáo trạng - Ảnh 2.

Luật sư phát biểu tại phiên tòa. Ảnh: Duy Hậu.

Sau khi hội ý, HĐXX xét thấy có căn cứ cho rằng các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa được khởi tố. Do đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Các vấn đề cần bổ sung như: Phân loại hành vi của từng bị cáo trong từng giai đoạn. Việc đấu thầu theo kế hoạch 2014-2015 đã được phê duyệt, đã hoàn thành, hành vi vi phạm của các bị cáo đã chấm dứt nên việc đưa các sai phạm trong chỉ định 4 gói thầu năm 2015 để quy kết các bị cáo là không đúng.

HĐXX nhận định, cơ quan điều tra chưa xác định rõ trách nhiệm của Trần Việt Hùng, Võ Văn Hiến (là thành viên Tổ chuyên gia) trong quá trình đấu thầu nên việc quy kết 2 bị cáo thiếu trách nhiệm là chưa vững chắc.

Ngoài ra, việc cơ quan điều tra tách hành vi phạm tội của một số đối tượng là không đúng mà phải xử lý trong cùng 1 vụ án.

Do đó, TAND tỉnh Đắk Lắk trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề trên để xử lý một cách công bằng, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai cho các bị cáo.

Như Dân Việt đưa tin, sáng cùng ngày TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và 15 bị cáo nguyên lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành y tế tỉnh Đắk Lắk.

Các bị cáo bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng, năm 2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập năm 2014-2015 do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Sau đó, Sở Y tế thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, tổ giúp việc thực hiện việc đấu thầu thuốc. Quá trình thực hiện đấu thầu thuốc đã xảy ra sai phạm, gây thiệt hại tổng cộng 5,7 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, Nguyễn Hữu Huyên (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ y), Nguyễn Đình Diệm (nguyên Phó trưởng phòng Nghiệp vụ dược), Nguyễn Xuân Hải (nguyên nhân viên hợp đồng Phòng Nghiệp vụ dược) và Cao Thị Ninh (nguyên Kế toán trưởng, Phòng Kế hoạch-Tài chính) đã làm trái quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu thuốc thuộc gói thầu thuốc theo tên Generic.

Các bị cáo Doãn Hữu Long (nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk), Nguyễn Hữu Thông (nguyên Trưởng phòng Tổ chức, nguyên Trưởng phòng Tài chính-Kế toán), Nguyễn Đình Quân (Chánh Thanh tra, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ y) không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ; thiếu kiểm tra, giám sát đối với cấp dưới nên không phát hiện ra các sai phạm dẫn đến đề nghị trúng thầu và phê duyệt trúng thầu sai nhóm 14 mặt hàng gây thiệt hại 5,7 tỷ đồng.

Các bị cáo: Lê Thị Thanh Bình (nguyên Trưởng khoa Dược) và Nguyễn Sỹ, nguyên kế toán, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar); Lê Na Tơr (phụ trách Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk) và Tô Thị Hà (nguyên kế toán) được phân công là thành viên nhóm chấm thầu 10 mặt hàng thuộc gói thầu Generic của Liên danh Hoàng Vũ - Pymepharco đã không kiểm tra, đối chiếu về phạm vi chứng nhận, dạng bào chế giữa mặt hàng dự thầu và quy định của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, từ đó đề nghị trúng thầu 10 mặt hàng thuốc không đúng nhóm thuốc được đấu thầu theo quy định gây hậu quả thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 3,7 tỷ đồng.

Các bị cáo Nguyễn Thị Trang và Nguyễn Thị Huyền, Võ Văn Hiến và Trần Việt Hùng, là thành viên Tổ chuyên gia, được phân công theo từng nhóm xét thầu đối với bốn mặt hàng của Liên danh Công Thành - Ta ta - Vạn Hưng, đã không kiểm tra, đối chiếu về phạm vi chứng nhận, dạng bào chế giữa mặt hàng dự thầu và quy định của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế theo các đợt công bố thuốc đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP và EU-GEP, đề nghị trúng thầu bốn mặt hàng thuốc không đúng nhóm thuốc được đấu thầu theo quy định, gây hậu quả thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Bị cáo Mai Xuân Vinh, dược sĩ Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, thành viên Tổ giúp việc cho chủ đầu tư, đã không kiểm tra, đối chiếu danh mục mặt hàng của tổ chuyên gia đề nghị trúng thầu, ý kiến thẩm định của Tổ thẩm định, đề nghị trúng thầu một mặt hàng thuốc (Meloxicam Stada 15mg) không đúng nhóm thuốc được đấu thầu theo quy định (thuốc thuộc nhóm 3 được xét trúng thầu nhóm 2) gây hậu quả thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 355 triệu đồng…

Từ đó, cáo trạng truy tố các bị cáo Nguyễn Hữu Huyên, Nguyễn Đình Diệm, Cao Thị Ninh và Nguyễn Xuân Hải về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Truy tố các bị cáo Doãn Hữu Long, Nguyễn Đình Quân, Nguyễn Hữu Thông, Lê Thị Thanh Bình, Nguyễn Sỹ, Tô Thị Hà, Lê Na Tơr, Võ Văn Hiến, Trần Việt Hùng, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Trang, Mai Xuân Vinh về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem