Xin giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp bất lực trước "giờ G"
Xin giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp bất lực trước "giờ G"
Phạm Hiệp - Minh Phong
Thứ ba, ngày 07/09/2021 22:15 PM (GMT+7)
Trước thời điểm Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin về việc trước mắt TP tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư...nhiều doanh nghiệp, đơn vị hiện chưa thể đăng ký được giấy đi đường.
Ngày 7/9, ghi nhận của PV Dân Việt trên nhiều địa bàn quận huyện của TP.Hà Nội, vẫn còn các doanh nghiệp chưa thể hoàn tất được các thủ tục để nhận giấy đi đường mới trong thời điểm TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại Phân vùng 1 (vùng đỏ)...
Chia sẻ với PV Dân Việt vào chiều cùng ngày, anh Đ.V.H (Giám đốc một công ty kinh doanh vận tải, đăng ký địa chỉ ở Vạn Phúc, Thanh Trì, TP.Hà Nội) cho biết, sau cả buổi chiều chờ đợi, anh ra về trong khi chưa thực hiện đăng ký được giấy đi đường.
Theo anh H., đơn vị vận tải của anh chuyên tổ chức vận chuyển các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất, thiết bị y tế từ Hà Nội đi các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc, miền Trung.
Khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, H. liên hệ với Công an xã Vạn Phúc và các đơn vị liên quan ở xã Vạn Phúc để hoàn tất các thủ tục đăng ký giấy đi đường cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều anh đành bất lực ra về khi nhận được thông tin từ phía Công an xã rằng "đơn vị xã không đủ thẩm quyền để cấp giấy đi đường cho công ty của anh".
"Họ bảo về xin số điện thoại của Công an Thành phố ở trên mạng để hỏi. Ở đây họ chỉ nhận thủ tục làm giấy chứ không cấp được… Nghĩa là họ bảo công ty của tôi thuộc nhóm 2, quá mức thẩm quyền của xã. Họ còn bảo tôi tốt nhất là nộp đơn lên Công an Thành phố xin", người đàn ông ngồi chờ gần 3h đồng hồ chán nản khi nhận được thông tin như vậy.
Về các giấy tờ liên quan đến việc đăng ký giấy đi đường, anh H. cho biết đã chuẩn bị đủ các mẫu. Lần này anh đến đăng ký xin giấy đi đường cho mình và 2 người khác.
Theo chia sẻ, doanh nghiệp của H. hôm nay có 1 đơn hàng vận chuyển máy dập khẩu trang vào Nghệ An, tuy nhiên trước diễn biến chưa đăng ký được giấy đi đường, H cho biết sẽ phải liên hệ với một đơn vị vận tải khác có đủ các giấy tờ liên quan để "nhường mối" chứ cũng không biết làm thế nào.
"2, 3 ngày mới nhận được chuyến hàng. Tôi vừa test Covid-19 sáng nay mất 800 nghìn để mai đi. Nước đến chân rồi, không nhảy được", anh H nói và cho biết, nếu không gọi được xe giao hàng cho khách vào ngày mai (8/9) thì rất gay go vì còn liên quan đến mối làm ăn, đối tác. "6 giờ sáng mai kiểm tra giấy đi đường mới rồi, giờ chấp nhận nghỉ thôi" – vị Giám đốc doanh nghiệp vận tải ngao ngán.
Trao đổi với Dân Việt, ông Chử Mạnh Thắng– Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết ông chưa nắm bắt được thông tin về trường hợp trên, sẽ kiểm tra lại.
Theo ông Thắng, các thủ tục, quy trình đăng ký cấp giấy đi đường trên địa bàn xã được thực hiện đúng theo quy định, người dân, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện theo đúng pháp luật. Trong ngày 6, 7/9, lực lượng chức năng đã cấp khoảng 60 giấy đi đường cho các cá nhân, đơn vị liên quan trên địa bàn.
Doanh nghiệp gặp khó chồng khó
Cũng trao đổi với Dân Việt, một chủ doanh nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị phụ trợ khác trên địa bàn Thanh Trì cũng bộc bạch, doanh nghiệp anh cũng đang vất vả bởi giấy đi đường mới.
"4 ngày hôm nay, từ hôm tuần trước đến giờ chỉ chạy quanh liên quan đến giấy đi đường mà không xong. Chúng tôi hỏi Công an xã, đến hỏi Sở Công Thương rằng chúng tôi thuộc nhóm nào, doanh nghiệp sản xuất có được hoạt động hay không nhưng không ai trả lời được"– vị chủ doanh nghiệp nói.
Cũng theo người này, anh nộp hồ sơ đi, nộp hồ sơ lại nhưng "không ai dám nhận".
"Sở Công Thương cũng không nhận, bảo Sở có phải cơ quan chủ quản đâu. Sau đó Sở Công Thương ra văn bản nói lĩnh vực công nghiệp thuộc trách nhiệm thuộc Công an xã"– chủ doanh nghiệp sản xuất thiết bị phụ trợ cho hay.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này nhận định, các cán bộ làm việc liên quan đến giấy đi đường rất nhiệt tình, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức nhưng anh nhận thấy họ chưa biết phải làm thế nào với các trường hợp tương tự như của mình.
"Vấn đề mới nhất thì có công văn của Công an TP.Hà Nội, nói về doanh nghiệp sản xuất thuộc cụm công nghiệp, nhưng Vùng 1 lấy đâu ra cụm công nghiệp, gần như ép chết doanh nghiệp" – vị đại diện doanh nghiệp nhìn nhận.
Chủ doanh nghiệp này cũng nói thêm, đơn vị sản xuất của anh làm cho một đơn vị có liên quan đến chuỗi cung ứng. Khi công ty anh dừng hoạt động, cả chuỗi cung ứng sẽ bị dừng theo.
"Xét theo tiêu chí thế thì mình không thuộc nhóm nào cả. Tôi điện cho Trưởng phòng Công nghiệp cũng nói chịu rồi, đành phải chấp hành thôi… Đến giờ này tôi vẫn chưa biết được thế nào"– vị này nói thêm.
Ở một diễn biến khác, cũng "than trời" với PV Dân Việt, anh X.M– chủ một doanh nghiệp có địa chỉ văn phòng ở "vùng đỏ", thuộc quận Nam Từ Liêm cũng đang loay hoay với giấy đi đường.
"Mấy ngày nay tôi chả làm ăn được gì, chỉ ngồi đọc văn bản, đọc thông tin liên quan đến giấy đi đường. Đang chưa biết xin kiểu gì, biết bao nhiêu doanh nghiệp như thế, lực lượng Công an có thể quá tải"– anh X.M chia sẻ.
Cũng là một đơn vị chuyên làm về linh kiện cơ khí phụ trợ, anh X.M cho biết công ty anh văn phòng đặt ở quận Nam Từ Liêm, các cơ sở sản xuất thì đặt ở các huyện và có khoảng 250 công nhận thực hiện "3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ tại chỗ).
Theo anh X.M, áp lực đè lên vai doanh nghiệp của mình lúc này là rất lớn, công ty vẫn đang phải chịu lỗ khi tiếp tục kinh doanh, và anh nhận thấy các thủ tục liên quan đến giấy đi đường khiến các bộ phận trong công ty thêm áp lực.
"Theo tôi để doanh nghiệp tự cấp giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên của mình vẫn tốt hơn. Nếu lo lắng chuyện cấp tràn lan, bừa bãi thì các chế tài hiện tại đủ sức răn đe, chúng ta có đủ chức năng để xử phạt được những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên quy định rồi, chúng ta phải thực hiện nhưng điều này thực sự khiến doanh nghiệp thêm một lần khó giữa đại dịch" – anh X.M nêu quan điểm.
Trong một diễn biến liên quan, tối 7/9 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng co biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn, tất cả phải bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Bí thư Hà Nội khẳng định: Trước mắt, tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.
Các lực lượng chức năng chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.