Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 21/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS&MN) và vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Đề án.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại "5 nhất" so với cả nước: Là nơi khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KTXH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Do đó, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng cần thiết phải xây dựng “Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS & MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”.
"Đầu tư phát triển KTXH vùng DTTS & MN là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS & MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn
Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày báo cáo thẩm tra Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS & MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, diện mạo vùng DTTS&MN đã thay đổi rõ rệt.
Tuy nhiên, ông Hà Ngọc Chiến cũng cho biết, hiện nay, trong vùng DTTS&MN còn có 1.957 xã và 20.176 thôn đặc biệt khó khăn. Đây là khu vực vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách phát triển, mức thu nhập bình quân của người DTTS so với mặt bằng chung cả nước chưa được thu hẹp mà có xu hướng ngày càng doãng ra.
Đáng chú ý, chính sách đối với vùng DTTS&MN hiện có tới 118 văn bản chính sách còn hiệu lực, nhưng do nhiều cơ quan chủ trì xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải, khó lồng ghép, hiệu quả không cao, khó xác định rõ trách nhiệm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn
Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần phải có giải pháp tổng thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS&MN, nhằm thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào DTTS so với cả nước.
Về các nội dung cụ thể của Đề án, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội đồng Dân tộc đề nghị điều chỉnh lại tên gọi của Đề án là: “Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng DTTS&MN”, để xác định rõ địa bàn, đối tượng của Đề án là vùng DTTS&MN, không bao gồm hơn 300 xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, thống nhất với sự phân kỳ thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 theo đề nghị của Chính phủ.
Đề án xác định phạm vi thực hiện ở vùng DTTS&MN trên địa bàn 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, của 548 huyện, thị xã, thành phố, thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng Dân tộc cho rằng, trong tổng số 5.266 xã thuộc vùng DTTS&MN, có 1.957 xã đặc biệt khó khăn ở khu vực miền núi, vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đảm bảo, mức độ hưởng thụ thành quả phát triển chung của đất nước rất thấp.
Do vậy, đề nghị Chính phủ cần xác định phạm vi, địa bàn của Đề án theo hướng tập trung vào “vùng đặc biệt khó khăn” của vùng DTTS & MN để ưu tiên nguồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải, cào bằng, thiếu trọng tâm, trọng điểm như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.