Trong đó, tại 6 xã điểm đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, còn tại 50 xã nhân rộng sẽ tăng cường tập trung thực hiện, phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Tuy nhiên, tổng số các xã đạt các tiêu chí dưới mức bình quân toàn thành phố (13 tiêu chí) vẫn còn khá cao (23/56 xã, chiếm tỷ lệ gần 41,1%). Tổng số nhà dột nát tại các xã theo văn bản báo cáo của 5 huyện còn đến hơn 3.400 nhà.
“Vì vậy, cần thiết phát huy xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực từ các quận nội thành, các doanh nghiệp và trong cộng đồng để cùng hỗ trợ Chương trình “Chung sức xây dựng NTM”, gắn liền với giảm nghèo bền vững, xóa hết nhà tạm, nhà dột nát” – ông Liêm nói.
Các tổng công ty ký kết ghi nhớ hỗ trợ xây dựng NTM năm 2014 cho 5 huyện ngoại thành TP.HCM.
Với sự phát động của thành phố, đến ngày 30.3.2014 đã có 14 tổng công ty, Liên minh HTX Thương mại thành phố và 16 Đảng ủy khối cấp trên cơ sở ký kết ghi nhớ và kết nghĩa với 5 huyện hỗ trợ xây dựng NTM.
Nội dung hỗ trợ chủ yếu bám theo hoạt động sản xuất – kinh doanh chuyên môn của tổng công ty đó cùng với hỗ trợ về an sinh xã hội (xóa nhà tạm, giảm hộ nghèo, trao học bổng khuyến học, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…), văn hóa, thể dục thể thao.
Chẳng hạn Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn có nhiệm vụ chuyên môn là đầu tư hoàn thiện mạng cấp nước sạch đến các xã NTM chưa có hệ thống cấp nước. Ngoài ra, tổng công ty còn cùng Đảng ủy khối ngân hàng, Đảng ủy Công ty Dệt may Gia Định và Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn hỗ trợ xóa nhà dột nát, nhà tạm tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn thì nghiên cứu các nhà mẫu phù hợp với vùng nông thôn, hỗ trợ xây dựng NTM và cùng với Đảng ủy các khối cơ sở như Khu chế xuất, khu công nghiệp, Sở LĐTBXH, lực lượng thanh niên xung phong xóa nhà dột nát, nhà tạm ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Bên khối sản xuất nông nghiệp, các Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Liên minh HTX Thương mại thành phố sẽ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, giống cây trồng, giống vật nuôi cho nông dân (hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp), hỗ trợ các xã hình thành các tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, thu mua, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Hai tổng công ty còn kết nghĩa và hỗ trợ các mặt cho các xã An Phú, Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), xã Long Hòa (huyện Cần Giờ).
Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cũng phối hợp cùng các đơn vị khác xóa nhà dột nát, nhà tạm ở 2 xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ) và xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
“Thành phố quyết tâm sẽ xóa hết số nhà tạm, nhà dột nát trên 3.400 căn này trước ngày 30.4.2015 để mừng 40 năm giải phóng miền Nam” – ông Liêm khẳng định.
Phụng Anh (Phụng Anh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.