Xoạc bóng bằng 2 chân thì xin lỗi để làm gì?

Nhật Trường Thứ hai, ngày 26/06/2017 11:16 AM (GMT+7)
Xoạc bóng là một kỹ thuật khá phổ biến trong phòng ngự. Nhưng ở Việt Nam, nó đang trở thành một thứ vũ khí khủng khiếp để triệt hạ đối phương.
Bình luận 0

Khởi nguồn, những cú xoạc bóng không gì khác là hành vi giành bóng trong chân đối phương. Với sự phát triển của kỹ thuật bóng đá, các cầu thủ nhận ra rằng việc chạy lấy đà rồi trượt người là động tác vô cùng hiệu quả. Họ vừa có lợi thế chạm bóng trước, vừa tận dụng thân người để cản bước đối phương.

img

Với mục đích khởi nguồn như vậy, rõ ràng mục tiêu của những cú xoạc bóng phải là quả bóng. Và tất nhiên, nếu cầu thủ xoạc bóng trúng chân đối phương trước khi chạm bóng, thì dù vô ý thì cũng là phạm lỗi.

Đặc biệt, có những hành vi dù có chạm bóng trước thì vẫn bị tính là phạm lỗi, thậm chí phải nhận thẻ đỏ. Trong đó có xoạc bóng bằng cả hai chân, xoạc bóng từ phía sau, xoạc kiểu “cắt kéo” (dùng hai chân kẹp chân đối phương) hoặc dùng gầm giày xoạc bóng thường bị xem là những động tác phạm lỗi nghiêm trọng nhất.

Đó cũng là lý do khiến pha xoạc bóng của Vincent Kompany với Nani hồi năm 2012 dù trúng bóng nhưng vẫn bị phạt thẻ đỏ, bởi đó là một cú xoạc bóng bằng cả hai chân.

img

Những tình huống vô thưởng vô phạt mà vào bóng như giết người thế này thì...

Để có một cú xoạc bóng chính xác, rõ ràng các cầu thủ không chỉ cần kỹ năng tốt, bình tĩnh, phán đoán chính xác mà trong thâm tâm họ không được nảy sinh ý đồ chơi xấu đối phương. Những hậu vệ xuất sắc như Alessandro Nesta, Paolo Maldini hay Mats Hummels…  đã làm được điều đó, hiệu quả mà đầy tính nghệ thuật.

Tuy nhiên, ngay cả khi sở hữu tất cả những phẩm chất đó thì tất cả những cái tên nói trên vẫn rất hạn chế xoạc bóng. Họ thường sử dụng óc phán đoán để cắt đường chuyền hoặc áp sát ngay khi đối phương vừa nhận bóng. Đó là cách để đoạt bóng hiệu quả hơn, mà lại không phạm lỗi hay tệ hơn là gây chấn thương cho đối thủ.

Đáng tiếc, số cầu thủ có đủ những tố chất đó ít vô cùng, trong khi hầu hết cầu thủ đều sẵn sàng tinh thần chơi xấu, tiểu xảo để rồi có những pha tranh chấp bạo lực quá mức cần thiết. Và đỉnh cao của một pha xoạc bóng phạm lỗi, tổng hợp của tất cả những lỗi nặng nhất không gì khác chính là cú “đạp người” của Eric Cantona với Michel Der Zakarian của Nantes. Huyền thoại của sân Old Trafford – khi đó đang khoác áo Auxerre - bị phạt cấm thi đấu 2 tháng.

img

Pha xoạc bóng phải nhận thẻ đỏ của Kompany.

Với sự lỏng lẻo ban đầu của luật bóng đá trong những tình huống tranh chấp, rất nhiều trung vệ đã tận dụng để sử dụng lối chơi chặt chém và tiểu xảo, tiêu biểu nhất không gì khác chính là World Cup 1982, khi Claudio Gentile với những cú xoạc bóng quyết liệt và không từ mọi thủ đoạn nào chỉ để ngăn chặn Diego Maradona. Những con số thống kê chỉ ra rằng trong 90 phút, Gentile đã có tổng cộng 23 pha phạm lỗi với “Cậu bé vàng” của Argentina nhưng chỉ nhận… một chiếc thẻ vàng.

Maradona ở World Cup 1982 bị phạm lỗi rất nhiều nhưng không có pha bóng nào mang tính triệt hạ.

Nếu áp dụng luật bóng đá ngày nay, tất nhiên cựu trung vệ của ĐT Italia sẽ phải rời sân sau cùng lắm là 5 lỗi. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ lại thì dù phạm lỗi rất nhiều nhưng Gentile không hề phạm những “lỗi nặng” kể trên. Ông sử dụng tất cả những tiểu xảo như vung cao tay, đẩy sau hay thậm chí là xoạc bóng chặn đường... những tình huống không bị nhận thẻ đỏ theo luật bóng đá khi ấy với mục đích duy nhất là ngăn chặn Maradona. Nhưng quan trọng, Maradona không dính chấn thương nặng, vẫn có thể tiếp tục chơi bóng và tỏa sáng rực rỡ trong những năm tháng sau này.

img

Maradona ở World Cup 1982 bị phạm lỗi rất nhiều nhưng không có pha bóng nào mang tính triệt hạ.

Bởi vậy, nếu so sánh Gentile – người luôn bị xem là một trong những cầu thủ chơi xấu nhất thế giới thì rõ ràng những cú xoạc bóng của ông không bao giờ mang tính triệt hạ khủng khiếp như những cú xoạc chúng ta vẫn thường thấy tại V.League.

Từ Quế Ngọc Hải, Đình Đồng, Huy Hoàng, Bửu Ngọc và mới đây là Sầm Ngọc Đức, điều mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là bóng đá Việt Nam đang ngày càng xấu xí và bạo lực. Những pha xoạc bóng từ phía sau, những cú “ăn chân” đầy ác ý luôn có tối thiểu một chân giơ cao nhằm vào đầu gối hoặc ống đồng đối phương. Họ thanh minh đó là những pha ham bóng, rằng do họ quá “nhiệt”. Nhưng đã qua biết bao mùa giải, mùa nào cũng có vài pha khiến đối phương nhẹ thì rách cơ, nặng thì đa chấn thương, đứt dây chằng hay gãy chân.

img

Chân của Anh Hùng sau pha vào bóng của Sầm Ngọc Đức.

Trên thế giới, tất nhiên có những lối chơi người ta vẫn thường gọi là “nặng thể lực”, “quyết liệt” hay thậm chí là “thô bạo”, nhưng nhìn vào những cú xoạc bóng của những cầu thủ đó, có pha nào “bỏ bóng đạp người” hay song phi thẳng vào … chân đối phương như các cầu thủ V.League vẫn làm không?

Và khi mọi chuyện đã rồi, lên báo nói lời ân hận cũng có thay đổi được gì?

Thực tế, chính tư duy đánh giá cao các hậu vệ đá nhiệt, không ngại va chạm hay chặt chém của các HLV và các CĐV cũng phần nào cổ súy cho lối chơi bạo lực của các cầu thủ Việt Nam. Thực tế, những cầu thủ này được mang cái danh “chắc chắn” là bởi họ thường xuyên có những pha tranh bóng gây nguy hiểm, khiến các cầu thủ trong nước mỗi khi đối mặt đều mang tâm lý “tránh trâu chẳng xấu mặt nào”, thà nhường bóng còn hơn cố giữ rồi có khả năng đi tong cả sự nghiệp.

img

Sầm Ngọc Đức trần tình về pha vào bóng thô bạo với Anh Hùng.

Trong nền bóng đá mà “chuyên nghiệp” mới chỉ là cái danh như Việt Nam hiện nay, cải thiện tư duy chơi bóng là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta phải làm. Đã đến lúc chúng ta thôi lấp liếm những pha bóng ác ý bằng cách nghĩ ra muôn vàn lý do, đã đến lúc chúng ta phải tẩy chay những pha song phi bỏ bóng đá người, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm hơn đến vấn đề đạo đức và tâm tính của các cầu thủ, để hàng năm không còn phải chứng kiến những tình huống đau lòng như Anh Khoa, Abass hay Anh Hùng đã từng gặp phải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem