Xoài cát Cần Giờ đạt chuẩn 4 sao OCOP, nhưng đầu ra vẫn "quanh quẩn" như xoài thường
Xoài cát Cần Giờ đạt chuẩn 4 sao OCOP, nhưng đầu ra vẫn "quanh quẩn" như xoài thường
Trần Đáng
Chủ nhật, ngày 25/09/2022 06:24 AM (GMT+7)
Đó là một trong những "điểm nghẽn" lớn khi TP.HCM đang triển khai chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm". Vậy thành phố cần làm gì để tháo những "điểm nghẽn" nhằm phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn?
Vừa qua, nhóm chuyên gia Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐHQG TP.HCM) đã có cuộc khảo sát 5.600 người dân liên quan Chương trình OCOP. Kết quả cho thấy, còn khá nhiều "điểm nghẽn" trong Chương trình OCOP ở TP.HCM.
Nhiều "điểm nghẽn" trong Chương trình OCOP
Theo TS Nguyễn Đình Bình, hiện 5 huyện ngoại thành đã triển khai Chương trình OCOP đến từng hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp của 56 xã. Tuy nhiên, bước đầu việc triển khai chương trình OCOP gặp một số "điểm nghẽn", như: Công tác tuyên truyền, phổ biến của chính quyền địa phương về Chương trình OCOP đến người dân chưa đa dạng.
Hầu hết các ý kiến người dân được khảo sát cho rằng thiếu vốn, kỹ thuật nguồn nhân lực, thiếu mặt bằng sản xuất, nguồn tiêu thụ sản phẩm không đảm bảo, xúc tiến thương mại chưa đáp ứng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng và thiếu tập huấn hướng dẫn.
Bên cạnh đó, việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm OCOP còn ít. Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP của một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; chất lượng sản phẩm còn ở tầm địa phương, tính cạnh tranh yếu, sản phẩm tiêu thụ ít, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Việc triển khai, quy hoạch các trung tâm, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP còn chậm…
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Thúy Hằng cho rằng, nhiều cán bộ cấp huyện, xã có nhận thức chưa cao về sự cần thiết, quy trình, cách thức đánh giá phân loại sản phẩm, Chương trình OCOP.
Anh Phạm Văn Chánh, nông dân trồng xoài xã Long Hòa (Cần Giờ) cho biết, anh định trồng xoài OCOP, nhưng khá đắn đo vì không biết đầu ra thế nào. "Xoài cát Cần Giờ đã được công nhận sản phẩm 4 sao nhưng quanh đi quẩn lại đầu ra vẫn như xoài thường"- anh Chánh chia sẻ.
Gỡ "điểm nghẽn"…
Chương trình OCOP với TP.HCM rất cần thiết với định hướng ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của khu vực ngoại thành theo hướng liên kết sản xuất nhằm gia tăng giá trị sản phẩm góp phần phát triển bền vững khu vực nông thôn, góp phần vào sự thành công của Chương trình nông thôn mới tại thành phố.
TS Bình cho biết, để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao nhất, các huyện ở thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy Đảng đến quá trình tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương; từ khâu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn đến việc triển khai và tổ chức thực hiện…
"Tất cả phải tạo thành một chỉnh thể trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển KTXH nói chung và chương trình OCOP nói riêng trên địa bàn các huyện"- TS Bình cho biết.
Ngoài ra, theo TS Hằng, cần chú trọng các giải pháp, như: Quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm cần tập trung đi vào thực chất, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm OCOP. Dựa vào lợi thế, thế mạnh của sản phẩm đặc trưng, chú trọng đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.