Xôn xao nghi án Thủ tướng Kosovo buôn nội tạng

Thứ sáu, ngày 17/12/2010 06:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dư luân thế giới đang xôn xao về việc Thủ tướng tự xưng của Kosovo - ông Hashim Thaci - bị cáo buộc là “trùm” của một đường dây buôn bán nội tạng tù nhân.
Bình luận 0

Một ngày sau khi Hội đồng châu Âu (COE) tung ra báo cáo gây chấn động, tố cáo Thủ tướng tự xưng của Kosovo - ông Hashim Thaci là “trùm” của một đường dây buôn bán nội tạng tù nhân, ngày 16-12, dư luận thế giới đã bày tỏ nhiều quan điểm về vụ bê bối này. 

Tổng thống Serbia Boris Tadic là người đầu tiên lên tiếng bày tỏ thái độ đối với ông Thaci - người bị cáo buộc đã từng chỉ đạo giết hại tù nhân Serbia để lấy nội tạng đem bán “chợ đen”. Tổng thống Tadic cho biết, ông đã sẵn sàng để nói chuyện với Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci cho đến khi những cáo buộc của COE được chứng minh là sự thật.

Trong khi đó, truyền thông Anh ngày 16-12 ví von ông Thaci với hình ảnh của một "con quỷ dữ". Tờ Dailymail cho rằng, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair có rất nhiều người bạn “kỳ dị”, mà Thủ tướng tự xưng Hashim Thaci là một trong số những người đó.

img
Thủ tướng tự xưng của Kosovo - ông Hashim Thaci.

Ngày 16-12, đại diện của 47 quốc gia châu Âu cũng đã có mặt để nghe ông Dick Marty - chuyên gia điều tra về nhân quyền tại Ủy ban Nghị viện thuộc Hội đồng châu Âu, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Chính trị, trình bày báo cáo dài 55 trang, tố tội ông Thaci từng là trùm buôn bán nội tạng tù nhân, buôn lậu vũ khí, ma túy đa quốc gia. Báo cáo này là kết quả của 2 năm điều tra, lấy nguồn tin của FBI cùng các nguồn tin tình báo địa phương và quốc tế khác.

Trước đó, ngày 15-12, một phần nội dung cáo buộc đã được công bố, khiến dư luận thế giới rùng mình. Bản báo cáo ám chỉ Thủ tướng Hashim Thaci là người đứng đầu một tổ chức băng đảng "giống như mafia", từng thực hiện những vụ ám sát, đánh đập và buôn bán nội tạng của các tù nhân Serbia sau cuộc xung đột 1998-1999 ở Kosovo.

Báo cáo cáo buộc ông Thaci, lúc đó trong vai trò là người sáng lập và các chỉ huy cấp cao khác thuộc nhóm du kích thiểu số gốc Anbani thuộc Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA), đã lập kế hoạch cho vụ buôn bán nội tạng này.

Những chứng cứ quan trọng trong báo cáo mà ông Marty viết nói rằng khoảng 1.900 người Serbia và một số người Kosovo gốc Anbani đã bị KLA bí mật tống giam tại miền Bắc Anbani "và bị đối xử một cách tàn nhẫn đến chết, rồi sau đó biến mất".

Ông Marty nhấn mạnh rằng sau cuộc xung đột vũ trang ở Kosovo, trước khi lực lượng quốc tế có thời gian tái lập an ninh và trật tự tại đó, "nội tạng đã được lấy từ một số tù nhân tại một bệnh viện trên lãnh thổ Anbani, gần Fushe-Kruje". Những nội tạng này sau đó "được tuồn khỏi Anbani và bán cho các bệnh viện đa khoa tư nhân nước ngoài như một phần của "thị trường chợ đen" quốc tế buôn bán nội tạng phục vụ việc cấy ghép.

Mặc dù đến 26-1-2011 Hội đồng nghị viện châu Âu mới đưa ra quyết định cuối cùng về tính xác thực của bản báo cáo, nhưng dư luận cho rằng, một điều không thể phủ nhận là đường dây buôn bán nội tạng người ở các nước Đông Âu được bắt nguồn từ Kosovo từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay, đường dây này vẫn phát triển mạnh ở Kosovo và vươn vòi bạch tuộc sang các quốc gia khác, với giá thu mua ít nhất 20.000 USD/bộ phận.

Thủ tướng tự xưng Kosovo Hashim Thaci sinh ngày 24-4-1968 tại một làng thuộc vùng Trinika ở miền trung Kosovo. Năm 1993, Thaci gia nhập nhóm di cư chính trị Kosovo ở Thụy Sĩ. Ở đó ông đã gặp những người sáng lập ra Mặt trận Nhân dân Kosovo (LPK), một chính đảng ở Kosovo theo chủ nghĩa dân tộc Albania và phong trào thống nhất tất cả các khu vực có dân Albania thành một quốc gia. Mấy năm về sau, Hashim Thaci quay sang chủ trương thông qua đối thoại và hoà giải dân tộc để giải quyết vấn đề địa vị của Kosovo.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem