Xôn xao thông tin "Hà Kiều Anh là công chúa": Hậu duệ triều Nguyễn lên tiếng

Thúy Vi Thứ ba, ngày 29/06/2021 13:33 PM (GMT+7)
Hoa hậu Hà Kiều Anh gây xôn xao khi tiết lộ bản thân là công chúa đời thứ 7, hậu duệ của vua Minh Mạng.
Bình luận 0

Hoa hậu Hà Kiều Anh tiết lộ mình thuộc dòng dõi vua chúa 

Mới đây, trên trang cá nhân, Hoa hậu Hà Kiều Anh khiến dân mạng xôn xao khi tiết lộ về dòng dõi “trâm anh thế phiệt” của mình. Theo đó, bà nội của Hoa hậu Việt Nam 1992 là bà Nguyễn Tăng Diệu Hương, con gái của bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh - tức con cháu Hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng. Ngoài việc công bố những tấm hình chân dung thời trẻ của bà nội, Hà Kiều Anh còn kể về giai thoại vẻ vang của ông bà. Theo lời bà của hoa hậu, tính theo vai vế, Hà Kiều Anh cũng là "công chúa đời thứ 7" trong gia đình hoàng tộc.

img

Hà Kiều Anh và bài đăng gây xôn xao mạng xã hội

Cụ thể, Hoa hậu Việt Nam viết: “Vua Minh Mạng có Hoàng tử thứ 11 tên là Tuy Lý Vương. Ông Tuy Lý Vương được dân yêu mến gọi là ông quan 3: quan Thơ (ông làm thơ rất hay), quan Nông (ông thường hay mặc quần áo nâu hướng dẫn dân làm ruộng), quan Hiếu (ông rất có Hiếu với mẹ - ông đã đón mẹ mình lúc đó là vợ Vua, bà là Lê Thị Ái gọi Tiệp Phi, về ở Phủ Tuy Lý Vương của mình để phụng dưỡng suốt đời cho đến lúc bà mất). Phủ Tuy Lý Vương đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia”.

Hà Kiều Anh kể rằng, ông Tuy Lý Vương có người con tên là Hương Ngãi. Ông Hương Ngãi (tên hồi xưa của các con Vua cháu Chúa, thường được gọi theo chức danh), ông Hương Ngãi (hay còn gọi là ông Hường Nhã) đẻ ra 4 người con trai và 3 cô con gái, trong đó có bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh - là bà cố nội của Hoa hậu Hà Kiều Anh. Bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh sinh được 2 người con, trong đó có bà Nguyễn Tăng Diệu Hương - bà nội của mỹ nhân Hà thành. “Thảo nào bà nội lúc nào cũng nói: Bà là con Vua cháu Chúa, con cũng là “công chúa” đời thứ 7 đấy”, Hà Kiều Anh tiết lộ.

Hậu duệ nhà Nguyễn phản bác

Trong lúc thân thế của nàng Hậu khiến đồng nghiệp và cộng đồng mạng trầm trồ, thì một hậu duệ của chúa Nguyễn, cụ thể là hậu duệ của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 triều Nguyễn, Tôn Thất Minh Khôi đã lên tiếng cho rằng: “Hoa hậu Hà Kiều Anh không phải công chúa đời thứ 7 triều Nguyễn như tự xưng”. Trên trang cá nhân, chàng trai 24 tuổi trình bày ba lỗi sai về “kiến thức cực kỳ cơ bản nhưng rất nghiêm trọng” mà Hoa hậu Hà Kiều Anh đã mắc phải trong bài đăng của mình. Anh cũng trích dẫn những tài liệu mình đã dùng để tham khảo như: “Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ” (Nội các triều Nguyễn), “Đại Nam Thực lục” (Quốc Sử quán triều Nguyễn), “Đại Nam Liệt truyện” (Quốc sử quán triều Nguyễn), “Nguyễn Phước tộc Thế phả” (Hội đồn Trị sự Nguyễn Phước tộc).

Không có người nào là Tiệp Phi?

Cụ thể, nhà nghiên cứu độc lập này cho biết: Thứ nhất, theo lịch sử chính thống, nhà Nguyễn không có bất kỳ người phụ nữ nào là “Tiệp Phi”. Người mà Hoa hậu Hà Kiều Anh đề cập đến thật ra là bà Tiệp dư Lê Thị Ái, thụy Tịnh Nhu, bà là phi tần của Hoàng đế Minh Mạng và là sinh mẫu của Tuy Lý Vương (Nguyễn Phước Miên Trinh). “Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ đặt ngôi Hoàng Quý phi để phụ giúp Hoàng hậu, ở dưới chia thành 9 bậc gọi là Cửu giai. Bậc Phi mà chị Hà Kiều Anh tưởng tượng nằm ở hàng Nhất giai và Nhị giai trong khi thật sự thì sinh mẫu của Tuy Lý vương chỉ là Tiệp dư ở hàng Lục giai (bậc 6), tức cách nhau đến 4-5 bậc. Với thông tin được cung cấp, chị Hà Kiều Anh đã thay mặt Hoàng đế triều Nguyễn, thay mặt Hoàng Thái hậu để tự đặt thụy hiệu, truy thăng người quá cố từ Tiệp dư lên thẳng hàng Phi vị” - Tôn Thất Minh Khôi viết.

img

Hình ảnh ông bà nội được Hà Kiều Anh chia sẻ

Sai lầm trong cách gọi tên tổ tiên?

Tôn Thất Minh Khôi tiếp tục chỉ rõ về lỗi sau thứ hai của Hoa hậu Hà Kiều Anh: “Theo Đế Hệ thi được Hoàng đế Minh Mạng viết, những người con trai ruột của Ngài sẽ có tên lót là chữ Miên, những người cháu (hoàng tôn) sau đó lấy tên lót chữ Hồng (đọc chệch là Hường), đời kế tiếp lần lượt là Ưng/ Bửu/ Vĩnh/ Bảo/... Và trong số 20 chữ trong Đế Hệ thi của Đức Thánh Tổ, chẳng có chữ Hương nào ở đây cả và chị xem đây là “chức danh” nhưng cũng may mắn là sau đó chị đã có gọi thêm được cái tên Hường Ngãi. Chứng tỏ chị và những người truyền tải thông tin cho chị không có hoặc có rất ít kiến thức về phép đặt tên trong nội tộc Hoàng phái”. Theo đó, anh cho biết Hà Kiều Anh có sai lầm trong cách gọi tên của tổ tiên khi gọi nhân vật lịch sử là Hương Ngãi trong khi thực chất là Hường Ngải. Tuy nhiên, theo như anh tra lại thông tin từ gia phả của Nguyễn Phước tộc, thì phát hiện cụ Tuy Lý Vương Miên Trinh không có người con nào tên Hồng/Hường Ngãi cả, có thể là 1 trong 2 cụ: Hồng Nhĩ hoặc Hồng Nhã. Bên cạnh đó, cô gọi chức danh “Tuy Lý Vương” là tên gọi cũng sai vì đây là tước hiệu mà triều đình ban tặng cho ông Nguyễn Phước Miên Trinh để tỏ rõ vị thế hoàng thân quốc thích, không phải tên riêng.

Tự nhận là Công chúa?

Nhà nghiên cứu lên tiếng về lỗi kiến thức nghiêm trọng nhất của Hoa hậu Hà Kiều Anh đó là tự nhận là Công chúa. Anh cho biết, nếu quay ngược về thời Nguyễn có thể tính là tội làm giả sách phong của Hoàng đế. Tôn Thất Minh Khôi giải thích: “Chúng ta thường mặc định Công chúa là một danh hiệu mặc định cho tất cả những người con gái do Hoàng đế sinh ra, điều này chưa đúng ở triều Nguyễn. Những người con gái của Hoàng đế triều Nguyễn khi sinh ra chỉ được gọi là Hoàng nữ, thông thường khi lớn lên và hạ giá lấy chồng thì mới được Hoàng đế sách phong làm Công chúa với một buổi lễ riêng, có sách bảo và phong hiệu hẳn hoi. Nghĩa là một Công chúa triều Nguyễn phải hội tụ đủ 2 yếu tố: Là một Hoàng nữ, con gái ruột của Hoàng đế và đã được cử hành lễ sách phong chính thức để nhận danh hiệu này. Các con gái của Hoàng đế Bảo Đại chỉ có thể gọi là Hoàng nữ Phương Mai, Hoàng nữ Phương Dung chứ gọi là Công chúa Phương Mai, Công chúa Phương Dung là hoàn toàn sai vì 2 bà chưa bao giờ có lễ sách phong Công chúa vì thời cuộc. Bên cạnh tước vị Công chúa thì nhà Nguyễn sách phong Trưởng Công chúa cho các bậc chị em gái của Hoàng đế, Thái trưởng Công chúa cho các bậc cô dì của Hoàng đế”.

img

Mỹ Lương Trưởng Công chúa Nguyễn Phước Tốn Tùy, con gái của Hoàng đế Dục Đức và là chị gái của Hoàng đế Thành Thái, thường gọi là Bà Chúa Nhất (ảnh: Tôn Thất Minh Khôi)

Theo lời Hà Kiều Anh, bà cố ngoại của Hoa hậu là Công Tằng Tôn Nữ tất nhiên không phải là Công chúa như lời cô nói vì không nằm trong “danh sách nhân sự” có thể sách phong Công chúa. Bên cạnh đó, từ bà cố ngoại của Hà Kiều Anh truyền đến 3 đời nữa mới đến cô, mối liên hệ lại càng thêm mong manh như những thông tin trong bài viết của mình. Tôn Thất Minh Khôi khẳng định: “Vai vế Hoa hậu Hà Kiều Anh không hề “khủng” nếu tính trong Hoàng phái, chỉ có thể nói là có họ hàng xa chứ Công chúa thì trăm lần không”.

Không chỉ có Tôn Thất Minh Khôi, mà cả hậu duệ đời thứ 5 của Tuy Lý Vương, Nguyễn Phước Vĩnh Khánh (thành viên Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế và hiện là Phó Phòng Tuy Lý Vương) cũng bình luận dưới bài viết của Hà Kiều Anh. Ông cho biết: “Nếu bà cố Truyền Kinh là con của ông Hường Ngải, thì bà phải là Công Tôn Nữ Truyền Kinh (ngang chữ Ưng), Công Tằng Tôn Nữ là vai cháu của bà rồi (ngang chữ Bửu). Tôi là cháu đời thứ 5 của ngài Tuy Lý Vương, hiện là Phó Phòng Tuy Lý tên là Vĩnh Khánh (ngang chữ Vĩnh là Công Huyền Tôn Nam) - Vĩnh Khánh nè. Vậy Hà Kiều Anh sao là “Công chúa đời thứ 7” được? Công chúa là con của vua, mà sinh ra gọi là Hoàng Nữ, ai được vua sắc phong mới gọi là Công Chúa được nhé”.

Hiện nay Hoa hậu Hà Kiều Anh vẫn chưa có phản hồi gì về những ý kiến này. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem